Góc nhìn: Các ngôi sao có còn quan trọng?

07/06/2014 17:06 GMT+7 | World Cup 2018

(Thethaovanhoa.vn) - Họ là những cầu thủ có thể một mình xoay chuyển trận đấu bằng một khoảnh khắc lóe sáng, đôi khi biến những nỗ lực tập thể của đối phương đổ sông đổ bể. Nhưng những ngôi sao có còn là ngọn hải đăng soi đường đến chức vô địch World Cup như trước kia?

1. Một mình Zinedine Zidane-không-ở-đỉnh-cao-phong-độ cũng đủ để đưa đội tuyển Pháp vào đến trận chung kết World Cup 2006 (sau khi chính anh giúp “Les Bleus” đăng quang năm 1998). Một giải đấu phi thường của Ronaldo “béo” đã đưa Brazil lên đỉnh Thế giới năm 2002. Hay chức vô địch World Cup 1986 với dấu ấn không thể nào quên của Diego Maradona.

Mỗi chức vô địch World Cup thường gắn liền với một ngôi sao xuất chúng, thậm chí, ngôi sao ấy có thể lấn át cả ảnh hưởng của HLV trưởng, như vai trò của Zidane năm 2006 (HLV của Pháp lúc ấy là Raymond Domenech). Khi nhắc đến chức vô địch World Cup 1986, rất ít người nhắc đến tên Carlos Bilardo. Họ chỉ nói về Maradona.

Lionel Messi và Cristiano Ronaldo bây giờ là hai ngôi sao hiếm hoi được hy vọng làm được những gì mà Maradona hay Zidane đã làm, nhưng bóng đá hiện đại có còn chỗ cho những dấu ấn cá nhân?

2. Những bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử bóng đá thường là những pha bóng cá nhân, và không ai có thể “dạy” các ngôi sao rằng phải làm điều đó như thế nào. Bobby Moore không cần ai chỉ vẽ để thực hiện một cú tắc hoàn hảo giành bóng từ chân Jairzinho năm 1970. Diego Maradona không cần Bilardo bảo rằng phải làm như thế nào khi ghi bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử World Cup. Gordon Banks đã cứu thua một quả không tưởng từ cú đánh đầu của Pele ở World Cup 1970, một tình huống mà không một HLV thủ môn nào có thể tưởng tượng.

Nhưng hãy nhìn vào đội hình Argentina năm 1986: Daniel Passarella chơi trung vệ, Jorge Burruchaga đá tiền vệ, Jorge Valdano chơi tiền đạo và quan trọng nhất, Carlos Bilardo làm HLV. Đó là một đội hình với những cá nhân xuất sắc bậc nhất trong lịch sử bóng đá Argentina và vận hành một lối chơi hấp dẫn lẫn hiệu quả bậc nhất. Năm 2006, ngoài Zizou, Pháp còn Lillian Thuram, Thierry Henry, David Trezeguet, cặp tiền vệ trụ Vieira – Makelele và ngôi sao mới nổi Franck Ribery.

Trong cuốn sách bóng đá nổi tiếng The Blizzard của nhà báo Jonathan Wilson, HLV Guus Hiddink đã từng nói về ảnh hưởng của HLV và tập thể đến màn trình diễn của cá nhân: “Tất cả những cá nhân được ban đặc ân tạo ra những khoảnh khắc khác người có thể đạt đến một đẳng cấp cao hơn, với hiệu suất được cải thiện từ 10-15 %, với chìa khóa là việc xác định xem cái gì có thể “thức tỉnh” họ. Nếu các cầu thủ hiểu họ phải làm gì trên sân và nhiệm vụ của họ trong tập thể, công việc đó mới thành”.

3. Lionel Messi có thể đến giờ vẫn chỉ là một cầu thủ chạy cánh (dù là cầu thủ chạy cánh siêu đẳng đi chăng nữa) như Arjen Robben, nếu HLV Pep Guardiola không trao cho anh vai trò “số 9 ảo” trong một hệ thống siêu việt. Cristiano Ronaldo sẽ không bao giờ có thể trở thành một sát thủ như hiện nay, nếu anh không được Sir Alex Ferguson trao cho một vai trò kỳ lạ ở Man United: Xuất phát từ cánh trái, nhưng chơi như một… tiền đạo cắm.

Ở Barcelona, Messi nhận được sự hậu thuẫn từ Tiki-taka, một lối chơi tập thể đi trước thời đại. Ở Man United và sau này là Real Madrid, Ronaldo chơi trong một hệ thống được tạo ra bởi những HLV xuất chúng, là Sir Alex Ferguson, Jose Mourinho và Carlo Ancelotti. Những ngôi sao phải được đặt đúng vị trí và trong một hệ thống tốt, phù hợp, mới có thể phát huy hết hiệu suất của họ.

Messi đã chơi tốt trong màu áo Argentina dưới thời HLV Sabella, nhưng chưa đủ để nói rằng anh đã được chơi trong một hệ thống tốt như Barca trước kia. Với Ronaldo, hy vọng vô địch của anh là rất mong manh, vì số phận của anh là một tuyển thủ Bồ Đào Nha.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm