Chuyện tình chị Tín

17/12/2013 15:55 GMT+7 | SEA Games 27

(Thethaovanhoa.vn) - Ngay tại trung tâm cố đô Yangon, nơi sầm uất nhất, có một cô dâu người Việt và chú rể Myanmar đang sinh sống. Chuyện tình của họ thật thú vị. Ghi chép sau đây của chúng tôi nói lên một điều muôn thuở - Tình yêu không có biên giới.

1. Trung tâm sầm uất nhất của Yangon là một khu phức hợp giữa kiến trúc châu Âu và Myanmar. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nhất sự đa dạng văn hóa tâm linh. Chùa tháp vàng rực rỡ đứng bên cạnh nhà thờ Đạo hồi và Thiên chúa giáo… Đây cũng là bộ mặt chính của thủ đô Myanmar trước đây. Để mua được nhà hay có chỗ buôn bán ở khu phố này không phải đơn giản. Thế mà có một phụ nữ Việt Nam, quê Quy Nhơn đang ăn nên làm ra chốn này.

Vô tình khi dạo phố, chúng tôi thấy một bảng tên của Công ty thời trang Lan Phương. Và rồi câu chuyện thú vị bắt đầu. Đấy là khi thấy cửa hàng Lan Phương đóng cửa, chúng tôi bước vào một tiệm Internet và dịch vụ văn phòng phẩm bên cạnh để hỏi có ai biết người của Lan Phương ở đâu. Bất chợt, gặp ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Công ty CP thể thao Động Lực. Và ông Thành giới thiệu chủ tiệm này là chị Lê Thị Kim Tín, và ông xã là Min Soe. Chị Tín người Quy Nhơn, Bình Định, theo chồng sang đây được 10 năm. Ông Thành vừa quen chị ở Hội chợ triển lãm hàng Việt Nam tại Yangon dịp SEA Games này, từ đó có ý tưởng mời chị làm đối tác cho Động Lực tại Yangon, nhất là khi thấy người phụ nữ này tháo vát và nhanh nhẹn.

Tác giả (ngoài cùng bên phải) và hai vợ chồng chị Tín cùng nhà báo Thanh Hà (TTXVN)

2. Mối tình của chị Tín quá nhiều sóng gió. Quen nhau tình cờ tại Quy Nhơn tháng 7 năm 1997. Chỉ 3 ngày, hai bên cảm mến nhau, Min Soe chia tay với lời hẹn ước quay lại. Tháng 12 năm đó anh chàng bay sang và ở một tháng rồi về. Những cánh thư tay cứ qua lại cùng những cuộc điện thoại đều đặn. Đến năm 2000, anh lại sang Việt Nam và nằng nặc đòi cưới. Chị đồng ý, đến Sở Tư pháp Quy Nhơn thì được ra điều kiện Min Soe phải về làm thủ tục chứng nhận còn độc thân của Myanmar. Khi xin được và hớn hở sang Việt Nam, cả hai lại té ngửa khi Sở Tư pháp Bình Đinh không chấp nhận bởi tên Min Soe bị phía Myanmar đánh nhầm thành Min Son. Cả hai lại ra Đại sứ quán Myanmar tại Hà Nội nhưng vẫn chịu bởi nguyên tắc là nguyên tắc.  Vậy là, Min Soe ngậm ngùi về nước, trái tim hai người tê tái. Những cánh thư tay tiếp tục qua lại cùng những cuộc điện thoại đều đặn. Cuối cùng, sự kiên nhẫn và tình yêu của người đàn ông Yangon đã chiến thắng tất cả.

Năm 2002, Min Soe lại sang Việt Nam. Hai người sang Thái Lan làm thủ tục đăng ký kết hôn và được chấp nhận nhưng về đến Myamar thì lại mất nhiều tháng mới được chính quyền cho phép đăng ký kết hôn.

Phải mất 5 năm hai người mới thành vợ chồng. Đã bao lần chị định bỏ anh, 2 lần về Việt Nam định không sang nữa, nhưng mẹ chị khuyên không thể làm như thế. Dù thế, nhớ lại quãng thời gian lạ nước lạ cái, bất đồng ngôn ngữ, kinh tế khó khăn, ở nhà chồng và tiền làm bao nhiêu mẹ chồng quản hết khiến cho chị Tín không khỏi ngậm ngùi. Chị đã 2 lần bế con về nước với quyết tâm không trở lại vì khổ quá. Rất may, chồng chị Tín luôn yêu thương vợ hết lòng. Phải đến năm 2011, anh chị mới dễ thở nhờ thuê cửa hàng này.

3. Hiện tại, dù đã 11 năm theo chồng nhưng chị Tín vẫn chưa thể nhập quốc tịch bởi thủ tục bên này cực kỳ khó khăn. Hàng tháng chị Tín phải đi xin cấp visa, có tiền mua được mấy mảnh đất chồng đứng tên, nếu có bề gì thì trắng tay, chị Tín nói đùa như vậy.

Min Soe gãi đầu nịnh vợ: “Cô ấy là một người phụ nữ tuyệt vời. Tôi cũng rất yêu quý Việt Nam. Tháng 4 vừa rồi tôi không thể về được nhưng tôi đã cho 3 mẹ con cô ấy về Quy Nhơn. Nói chung tôi rất hạnh phúc khi có được người vợ đảm đang và thủy chung như cô ấy”.

Hạnh phúc đã đơm hoa kết trái, những ngày tháng khó khăn đã qua với cặp vợ chồng đặc biệt này. Hiện cửa hàng dịch vụ văn phòng phẩm, photocopy và Internet của anh chị mỗi tháng thu về 2.000 USD, chị Tín tiết kiệm, mỗi tháng chỉ tiêu 300 USD nên kinh tế thuộc diện khá giả. Hai vợ chồng có hai con một trai một gái, tất cả đều thông minh và học giỏi.

Tuy nhiên, nỗi nhớ quê hương vẫn luôn bỏng cháy trong trong lòng  người phụ nữ Việt Nam. Có một khoảng trống tâm hồn dường như khó san lấp khiến chị Tín luôn ấp ủ một ngày trở về quê hương, hoặc đầu tư để đóng góp chút gì đó cho Tổ quốc. Chị Tín cho biết ở Yangon ngoài chị, chỉ có 2 cô dâu Việt lấy chồng Myanmar, ai cũng khá giả nhưng vẫn không thể vui vì nỗi nhớ quê hương cứ ngập tràn trong tâm hồn những người con xa xứ. Nghe có SEA Games, chị Tín và những cô dâu Việt vui lắm, vì có cơ hội được gặp nhiều đồng hương.

Sống 11 năm, chị phân tích, nói chung doanh nghiệp chúng ta vẫn còn nhiều thách thức khi đầu tư tại Myanamar. Như công ty Lan Phương mở cửa hàng tại đây mà vẫn không ăn thua. Thủ tục hành chính rườm rà, thuế má quy định không rõ ràng.

Myanmar đã mở cửa. Chị Tín hy vọng sẽ được nhập quốc tịch và ngày có thêm nhiều đồng hương đến Yangon.

Hữu Quý (Từ Yangon)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm