Chỉnh lại hướng đi

25/12/2013 06:59 GMT+7 | SEA Games 27

(Thethaovanhoa.vn) - Dưới góc nhìn của một chuyên gia, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) Nguyễn Hồng Minh cho rằng cần chỉnh lại hướng đi, tập trung đầu tư quyết liệt cho các môn thể thao Olympic.

1. Những niềm vui trong SEA Games 27: Điền kinh, Bơi, Bắn súng, Cử tạ, Vật... là những niềm vui lớn, không chỉ vì đạt được nhiều huy chương mà quan trọng hơn là vì sự phát triển. Tham gia đấu trường SEA Games trước đây, điền kinh chỉ có Vũ Bích Hường (Chiang Mai 1995), rồi Phạm Đình Khánh Đoan và Phan Văn Hóa (Brunei 1999), nhưng ở SEA Games 27 này, điền kinh có 43 VĐV tham dự tới 2/3 nội dung thi đấu của môn này từ chạy ngắn (100m - 200m - 400m), trung bình (800m - 1500m) đến chạy dài (5.000m - 10.000m) và marathon. Các nội dung của nhảy và ném... chưa bao giờ điền kinh hùng hậu như thế và giành được 10 HCV.

Với 28 năm chờ một tấm HCB của Trần Xuân Hiền (2001) với HCV bơi ếch của Hữu Việt (2005) thì nay, bơi đã mở rộng cửa vào SEA Games với 5 HCV, hai kỷ lục SEA Games của Ánh Viên. Cử tạ với hai kỷ lục của Thạch Kim Tuấn, trong thể thao kỷ lục quan trọng hơn HCV. Bắn súng vẫn giành được 7/12 HCV mặc dù nhiều nội dung thế mạnh bị cắt giảm. Đội tuyển vật giành thắng lợi chẻ tre với 10 HCV, nhiều trận thắng tuyệt đối 7/0, 8/0, thật sự đấy là niềm vui!



Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng TTVN cần quyết liệt chuyển hướng đầu tư cho các môn thể thao Olympic

2. TTVN xuất hiện nhiều vận động trẻ tài năng và một số "tượng đài" cựu binh đáng trân trọng như Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, Duy Khôi, Lâm Quang Nhật (bơi lội); Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Đỗ Thị Thảo (điền kinh); Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ), họ sẽ là tương lai gần sáng sủa của TTVN, cho dù ở SEA Games này có người chưa giành được vàng hoặc thành tích vàng chưa thực cao! Hoàng Xuân Vinh (Bắn súng), Hoàng Ngân (Karate), Nguyệt Ánh (Karate), Vũ Thị Hương (Điền kinh), Văn Ngọc Tú (Judo), Phạm Kim Huệ (Bóng chuyền), nhiều thành viên của đội tuyển vật (Nguyễn Thị Lụa, Phạm Thị Huế, Lương Thị Quyên...). Nhiều người trong số họ đã trải qua 5, 6 kỳ SEA Games; 5 -6 kỳ SEA Games là 10 - 12 năm! Đó là thời gian họ nỗ lực, hy sinh cả tuổi thanh xuân cho thể thao nước nhà. Họ là những "tượng đài" đáng trân trọng!

Có được những thành công và niềm vui trên là nhờ sự đầu tư của Chính phủ cho thể thao, là nhờ ngành thể thao đã vượt qua nhiều khó khăn để trưởng thành, định hướng được điều chỉnh, kinh nghiệm được đúc rút và đang tranh đấu để loại trừ những tư tưởng, cách làm lạc hậu và bảo thủ lâu nay, là sự nỗ lực vượt khó vô bờ bến của các VĐV, HLV đoàn TTVN.

3. Tuy vậy, đấu trường SEA Games vẫn còn nhiều điều cần luận bàn, từ định hướng phát triển của thể thao khu vực của Hội đồng thể thao Đông Nam Á đến việc tham gia SEA Games như thế nào của TTVN.

Mục tiêu của phong trào Olympic và cũng là tư tưởng chính thống của phong trào này là tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới, là phong trào giáo dục thế hệ trẻ - bản chất của phong trào Olympic là giáo dục, vươn lên những điều tốt đẹp thông qua thể thao. Tiêu chí và khẩu hiệu của phong trào là "Fair-play", là trung thực, công bằng và cao thượng.

SEA Games trong nhiều năm trở lại đây đã ngày càng không còn như thế. Các thành viên của Hội đồng thể thao Đông Nam Á không phải không biết điều này nhưng vẫn chấp nhận, thậm chí vẫn ngợi ca ủng hộ! SEA Games 27 một lần nữa đã phơi bày rõ rệt lối chơi không theo tinh thần và tư tưởng của phong trào Olympic. Nỗi uất ức của các VĐV, sự chà đạp luật lệ thi đấu của trọng tài, sự lộng hành của nước chủ nhà trong nhiều kỳ SEA Games chỉ là hậu quả của sự định hướng phát triển, quản lý điều hành của Hội đồng thể thao Đông Nam Á, của những hiến chương, điều lệ lỏng lẻo tiêu cực đang tồn tại. Chẳng lẽ không thay đổi được điều này?

Olympic Games với chương trình thi đấu có 28 môn, ASIAD nhiều hơn vài ba môn nữa. Còn SEA Games khi thì có 20 môn với 200 bộ huy chương khi lên đến 43 môn với gần 500 bộ huy chương. Từ năm 1993 (SEA Games Singapore) đến nay chưa bao giờ số môn thi của SEA Games được ổn định tương đối. Hai năm một lần, xuất hiện ít thì 3 - 4 môn, nhiều thì 9 - 10 môn mới... Số lượng môn thi do chủ nhà quyết định và đây là sự thể hiện "nét văn hóa truyền thống" của chủ nhà. Tất cả các vị khách cứ thế mà chạy theo. Muốn giành được vị trí top , đoàn TTVN phải giành được trên 70 HCV và phải cử đi 750 người tham gia thi 29/33 môn. Tất cả điều đó buộc phải tính toán, chi phí tập huấn thi đấu cho VĐV, HLV, chi phí ăn ở đi lại, lệ phí... cho đoàn.

Điều đáng nói là phải chi phí cho các môn thể thao mà không mang lại lợi ích gì cho việc vươn lên đấu trường châu lục và cao hơn là Olympic (khoảng 10 môn). Hai năm lại thay đổi chương trình thi đấu, làm sao có được kế hoạch đào tạo VĐV kịp đáp ứng chương trình này. TTVN đã đến lúc phải lựa chọn con đường, có nên lệ thuộc vào SEA Games nữa không? Có nhất thiết là phải xếp ở vị trí top 3 hay chỉ nên coi SEA Games là đấu trườn, rèn luyện, là bàn đạp để tiến xa hơn mà thôi.

Chúng ta đang có những tiến bộ, bứt phá của một số môn thi trong chương trình Olympic. Chúng ta đang có trong tay 50 - 60 VĐV trẻ ưu tú. Nếu quyết tập trung đầu tư cho lực lượng này thì người yêu mến thể thao sẽ vui mừng hơn ở mỗi kỳ ASIAD và Olympic Games tiếp theo.

Nguyễn Hồng Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm