Trình diễn Thư Pháp Thiền: "Phóng bút” trong im lặng

02/10/2008 10:48 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối ngày 28.9.2008, tại Thiền Quán (365 - Nguyễn Khang, Hà Nội) đã diễn ra buổi trình diễn “Thư pháp Thiền” của hai nhà thư pháp trẻ là Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương và Thiền Phong Phạm Văn Tuấn. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thư pháp Việt Nam có sự kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn (Performance Art) với văn hóa Phật giáo mang đậm tính trình hiện hành vi. Câu chuyện “khó hình dung” này khiến người ta có nhiều điều phải nghĩ...

Như đang "làm phép câu giờ"…

Mượn hình tượng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử làm nền cho không gian trình diễn, xen kẽ là những sắp đặt nghệ thuật có tính chất biểu cảm và gợi trí tò mò cho người xem. Những gam màu tối sáng trộn nhau trên các tác phẩm thư pháp tiền vệ được treo một cách... không ngăn nắp nhưng có trật tự và logic, những chum vại, bàn tre, ghế trúc, đệm ngồi thiền kiết già bán kiết già v.v... tạo nên không khí vừa trang nghiêm lại vừa rất đời trong buổi trình diễn. Nếu như không gian này được sắp đặt để trình diễn thư pháp truyền thống, thì chẳng có gì để bàn. Cái khác lạ ở đây là nó được dùng để cho các nhà thư pháp tiền vệ “phá phách”, như cách hiểu của một số người.
 
Không gian Thiền Quán

Người xem cùng tham gia tọa thiền và chờ đợi các tác phẩm của các “nhà hành vi” trình diễn. Mười lăm phút, ba mươi phút, một tiếng... vẫn chỉ thấy các nhà thư pháp ngồi bất động chẳng làm gì. Mãi gần hai giờ sau, mới thấy một trong hai nhà thư pháp đứng lên, đi vòng tròn, nhấc bút, vân vê rồi lại đặt xuống. Các tác phẩm trong sự chờ đợi của người xem vẫn là một con số không tròn trịa. Theo như sự giải thích của người trong cuộc, thì đó không phải là hành vi... câu giờ, mà là một quá trình “phá dỡ những suy nghĩ, những ham muốn, những huyên náo trong đầu người biểu diễn, tiến đến cái “Định” như ngôn ngữ truyền tâm của Thiền phái Trúc Lâm yên Tử là “ưng vô sở trụ”, tức không còn câu nệ, cố chấp vào chính mình nữa, mà rũ bỏ để cảm hứng về tác phẩm sắp thể hiện trở nên hồn nhiên nhưng kết quả vẫn là chủ định”, đó là cái quá trình mà người xem tưởng các nhà trình diễn đang... làm phép câu giờ. Kết thúc quá trình này, hai nhà thư pháp trẻ bắt đầu biểu diễn. Người từ tốn lấy mực, kẻ thanh thản vân vê ngòi bút. Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc, hay còn gọi là trong một sát na theo cách nói của nhà Phật, họ bất chợt phóng bút, không nghĩ ngợi, không toan tính, không nhìn vào tác phẩm. Sự hiển hiện trên nền toan trắng chính là sự biểu hiện của tâm hồn họ, trái tim họ.

Tác phẩm gần như vô nghĩa về mặt ký hiệu, về mặt âm nghĩa, về mặt cấu trúc, nhưng lại là sản phẩm không thể thể sao chép và không thể lặp lại, bởi nó là sản phẩm của không chỉ riêng các nhà thư pháp mà là sự cộng diễn của người xem. Người xem hòa trong không gian ấy và góp phần khiến tạo nên sự kết thúc cho tác phẩm.

Đến con đường của thư pháp hiện đại Việt Nam

Khái niệm thư pháp “Tiền vệ” xuất phát từ Nhật Bản từ những năm năm mươi của thế kỷ trước, nó du nhập ngược trở về với đất nước có nền thư pháp lâu đời và giàu có về di sản thư pháp là Trung Hoa trong những thập niên 80 của thế kỷ XX và tràn xuống Việt Nam trong những năm đầu của thiên niên kỷ này. Những manh ý làm nên câu chuyện cải cách cho nền thư pháp “rậm rịch”, bế tắc và “viết mãi cũng không hơn được cổ nhân*” của Việt Nam, đã thôi thúc những nhà thư pháp trẻ tiên phong vào các thể nghiệm ít ỏi về lý thuyết nhưng rộng mở về tư duy phá cách. Họ chính là nhóm Zenei Gang of Five, dẫn đầu là họa sĩ Lê Quốc Việt, cùng Nguyễn Quang Thắng, Phạm Văn Tuấn, Trần Trọng Dương và Nguyễn Đức Dũng.
 
Hai nhà thư pháp trẻ

Cuộc triển lãm “Chữ” ở 78 Mã Mây năm trước, đánh dấu một bước tiến quan trọng cho con đường họ đang đi. Tuy nhiên, sau triển lãm “Tôi nghe như thế này” số 7 Nguyễn Khắc Nhu của Lê Quốc Việt và “Vũ Hội Chữ” của 13 nhà thư pháp trẻ đất Bắc tại 31 Văn Miếu hồi đầu năm 2008, thì câu chuyện về thư pháp Tiền vệ có vẻ đang trầm. Có người ít kiên trì còn cho rằng, hình như cái bế tắc của thư pháp tiền vệ hiện nay, không phải là vấn đề kỹ pháp hay lý luận, mà chính là vấn đề ý tưởng và tư duy cho tác phẩm. Các nhà thư pháp hiện đại Việt nam gần như rơi vào thế loay hoay. Có thể, với cuộc trình diễn lần này, sẽ là một gợi mở mang tính tích cực cho cái gọi là con đường của thư pháp tiền vệ chăng?!

Qua cuộc trình diễn thư pháp Thiền lần này, tuy chưa nói đủ và nói hết được cái tinh thần và tư tưởng của phật giáo, nhưng trong một thời gian ngắn, khán giả có thể hiểu được một chút văn hóa Phật giáo nước nhà. Đặc biệt, con đường của thư pháp Tiền vệ được vẽ ra với mong muốn hướng công chúng đến với cách xem tác phẩm như xem nghệ thuật học. Trong quá trình xem và thưởng thức, khán giả tự chiêm nghiệm, tự giác ngộ và tự tìm thấy cảm giác hoan hỷ trong chính họ, điều đó vừa giúp cho các tác phẩm không bị chết cứng trên giấy, mà ngược lại, gieo được "hành vi" vào lòng công chúng. Chính công chúng là những người đồng sáng tạo, đồng cảm xúc.

Trịnh Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm