Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến – Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới" vừa qua thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.
Được ví như "concert của tỉnh Bắc Ninh", sự kiện đã mang đến một đại tiệc nghệ thuật giàu bản sắc văn hoá, quy tụ tới 30.000 khán giả theo dõi trực tiếp.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến – Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới"
Với sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, chương trình không chỉ tôn vinh chiều sâu lịch sử - văn hoá của vùng đất Kinh Bắc mà còn truyền tải khát vọng phát triển mạnh mẽ trong thời đại mới. Đây được xem là dấu ấn nổi bật trong chuỗi hoạt động quảng bá hình ảnh và tiềm năng của Bắc Ninh trên hành trình hội nhập và bứt phá.
Những màn trình diễn ánh sáng ấn tượng trong chương trình "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới"
Theo chia sẻ, trong sự nghiệp làm nghề của Tổng đạo diễn Thu Hoài có không ít những "kỷ lục" đáng nhớ như: 4 ngày chạy 3 chương trình truyền hình trực tiếp, tiếp sóng đến 50 Đài truyền hình trên cả nước… nhưng với Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới lại là một chương trình thử thách, một ngưỡng khó đem lại nhiều cảm xúc đặc biệt cho nữ đạo diễn, mà theo cách chị gọi là "vinh dự lớn - áp lực lớn", nhận nhiệm vụ mà không phải "ai cũng được giao - ai cũng dám làm".
Chương trình đã qua được vài ngày, khi nhắc lại chị vẫn rưng rưng, đầy xúc động xen lẫn sự tự hào. Chị nhớ lại khoảnh khắc khi sân khấu tắt đèn, đi qua cảm xúc hân hoan của những chàng pháo tay tán thưởng chị ôm mặt ngồi khóc. Nữ đạo diễn nói, lâu rồi chị không khóc, nhưng tại sân khấu quê nhà giữa niềm hạnh phúc vỡ oà chị lại rơi những giọt nước mắt thật thà và chạm sâu vào con tim của một người đàn bà nhạy cảm.
Tổng đạo diễn Thu Hoài
Niềm vui không phải chỉ riêng cho mình, sự tự hào sự biết ơn với ekip gần ba ngàn con người đã cùng hết mình, tận tâm cho một sự kiện mang tính thời khắc lịch sử "Bắc Giang - Bắc Ninh về chung một nhà".
Vinh quang là thế, nhưng để thăng hoa với nghề, chị và ekip cũng "vượt ngàn chông gai" một cách đúng nghĩa. Đạo diễn Thu Hoài cho biết, chị nhận được đề bài thực hiện chương trình chỉ vỏn vẹn hai tuần trước đó. Mọi hình dung về chương trình với vai trò Tổng đạo diễn với Thu Hoài là không khó. Dù tài năng đến đâu nhưng với một chương trình nghệ thuật quy mô và tầm cỡ thì đây vẫn là một bài toán khó, có áp lực lớn kể cả những người làm sản xuất dày dặn kinh nghiệm, lão làng và sừng sỏ trong vai trò Tổng đạo diễn.
Nữ đạo diễn thành thật, nếu chỉ làm cho xong, có lẽ sẽ không khiến chị mất ăn mất ngủ sụt tới 3 kg, da sạm đi vì cháy nắng mùa hè 39-40 độ, thời tiết thất thường lúc nắng đổ lửa, khi mưa giông bất chợt.
Sau khi nhận đề bài chị và ekip "giải bài toán" rất nhanh. Nắm trong tay những người tài, Tổng đạo diễn gốc Bắc Ninh "giao đúng người, đúng việc" mọi sự tính toán đều gần như tuyệt đối.
Khi tất cả mọi công đoạn gần như đã đâu vào đó chỉ chờ "on -air" thì những khó khăn bắt đầu ập đến. Việc thực hiện một chương trình dù ekip có tính về độ rủi ro thì "người tính không bằng trời tính", trời mưa tầm tã, kéo dài nhiều ngày khiến BTC phải tạm hoãn từ ngày 30/6 sang ngày 4/7. Đối với những người làm sản xuất chương trình đây là điều không ai mong muốn, bởi điều này sẽ kéo theo một loạt khó khăn… nhất là nhân lực và câu chuyện tài chính. Hơn thế, đây lại là chương trình xã hội hoá nên điều này càng khiến cho ekip thực hiện đứng trước nhiều thử thách.
Tuy nhiên, là người bản lĩnh, trong gian khó đạo diễn Thu Hoài vẫn đầy lạc quan, chị cho rằng "vinh dự lớn - áp lực lớn".
Với áp lực của người chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, lại nhận được sự động viên, tín nhiệm của các cấp lãnh đạo địa phương; sự ủng hộ của nhân dân, các nghệ sĩ tham gia biểu diễn đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để ekip đạo diễn Thu Hoài "tận hiến" cho một chương trình giàu cảm xúc tại 2 điểm cầu truyền hình.
Vì sao một chương trình "nghệ thuật" có yếu tố chính luận lại có sức hấp dẫn đến độ khán giả gọi là "concert Tỉnh". Đó là sự tính toán, "chịu chơi" đặt cả trái tim, công sức và tâm sức của đơn vị tổ chức, người đứng đầu là Tổng đạo diễn Thu Hoài.
Chị "chịu chơi" đến mức chẳng có một chương trình nghệ thuật địa phương nào "dám" sử dụng gần 3.000 người với những chất liệu dày dặn đầy sự tính toán và tốn kém, "bào chất xám" như chương trình "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới".
Có lẽ hơn một chữ "chịu chơi", "dám làm mà lại phải dám làm khác" nếu chỉ tính toán về mặt ngân sách có lẽ sẽ là một chương trình khiến người xem đủ "wow". Khi đã xem chương trình, khán giả không chỉ cảm thấy hay, mãn nhãn, mãn nhĩ mà rất đỗi tự hào, họ chia sẻ và thấy mình là một phần của quê hương văn hiến giàu bản sắc.
Vượt qua hiệu quả của một chương trình nghệ thuật địa phương, tạo ra những hiệu ứng của một concert mang tầm vóc đầy sự tự hào. Tổng đạo diễn Thu Hoài cho biết mọi tham vọng chỉ hướng đến mục tiêu mỗi người dân tại quê hương đều thấy mình ở trong đó, thấy được một tinh thần "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới".
Tổng đạo diễn Thu Hoài tâm niệm, một chương trình hay phải tạo ra sự kết nối, có điểm chạm trong cảm xúc. Đặc biệt với mảnh đất đậm đặc nét đẹp văn hoá truyền thống như vùng quê Kinh Bắc việc lựa chọn "cái hay- đẹp-bản sắc- tinh tuý" để thể hiện là điều vô cùng khó khăn. Nếu bê tất cả vào một chương trình sẽ là một kịch bản mô tả kiểu liệt kê, rất khô khan, nhàm chán.
Bằng tài năng và sự tinh nghề, đạo diễn Thu Hoài và cộng sự của mình đã cùng làm nên một kịch bản đầy tính toán và rất chạm. Biến "điểm chết" của một chương trình chương hồi thành mạch chuyện giàu sự kết nối, không bị cơ học mà lại rất mềm mại thông qua nhiều ngôn ngữ kể chuyện: có khi là âm nhạc, lúc lại diễn xướng, múa tương tác led, kết hợp nghệ thuật múa bóng và 3D mapping. Đặc biệt là cuộc chơi của công nghệ trình diễn nghệ thuật ánh sáng Dronelight hiện đại và đẳng cấp tạo ra sức hút lớn trên sân khấu quê nhà.
Theo Tổng đạo diễn cho biết, lần đầu tiên 3D mapping, Holograme được ứng dụng trình diễn màn hình lớn lên đến gần 500 m2 ở hai điểm cầu sóng truyền hình. Đây là một nỗ lực của BTC để đạt được hiệu qủa chương trình.
Ba chương của chương trình gồm: "Dòng chảy lịch sử - Ngàn năm văn hiến", "Từ làng nghề truyền thống đến thủ phủ công nghiệp phía Bắc" và "Tỏa sáng miền khát vọng" được dẫn dắt bằng hoạt cảnh, lời thoại, video phóng sự, ánh sáng, âm nhạc… được sắp xếp có ý đồ nghệ thuật tạo nên một dòng chảy liền mạch và đầy cảm xúc.
Làm một chương trình tôn vinh quê hương có lẽ khó nhất đó chính là việc hiểu nếp văn hóa vùng miền. Lợi thế lớn nhất vì chị là người con Bắc Ninh. Sinh ra và lớn lên bên bờ con sông Cầu nên từ tấm bé Thu Hoài đã thấm những câu quan họ cổ trong từ lời ăn tiếng nói, từng nếp sinh hoạt. Và những nét đẹp này, được chị đưa vào kịch bản một cách khéo léo và thật sống động: "Trên quê hương quan họ, một làn nắng cũng mang điệu dân ca", có hòa mình vào những canh hát mới cảm nhận, thấm thía mạch nguồn của dòng chảy văn hóa quan họ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, thấm vào từng nếp ăn nếp ở, từng nhời ăn tiếng nói, đến cả những ước mong được: "Sở cầu như ý – Sở nguyện tòng tâm/ Nguyên trăm năm duyên bén sắt cầm". Chính vì vậy, không chỉ hiểu, không dừng lại ở tình yêu mà tôi luôn nỗ lực chia sẻ, lan tỏa nét đẹp văn hoá và sự tự hào về quê hương thông qua chương trình này."
Bên cạnh đó, nét đẹp "tục kết chạ" từ xa xưa của quê hương cũng được Thu Hoài nhắc nhớ. Nữ đạo diễn cho biết, từ xa xưa, mối thâm tình của những làng quan họ cổ hai bên bờ Bắc và bờ Nam sông Cầu đã được vun đắp qua tục "Kết chạ": Làng Thổ Hà kết chạ với làng Diềm; làng Nội Ninh kết chạ với làng Hàn, Diềm;…Nhờ vậy, các nghệ nhân quan họ từ hai phía có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt văn hoá, được các liền anh, liền chị đôi bờ nuôi dưỡng, chắt chiu gìn giữ và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cho đến hôm nay, khi Dân ca quan họ Bắc Ninh đã trở thành di sản của nhân loại.
Chị cho biết: "Tôi nghĩ rằng, đem những chất liệu đó để thể hiện 2 mảnh đất về chung cội nguồn tạo ra sự đoàn kết của một khối thống nhất, cùng chung sở nguyện. Chất keo về nguồn cội, văn hoá tạo ra sự kết nối thân tình với niềm hân hoan của người dân khi đón chào ngày hội "về chung một nhà", cùng hướng đến niềm tự hào về vùng đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, hoà chung một dòng chảy lịch sử - văn hóa - dòng chảy tâm linh cũng như nhiều yếu tố kinh tế xã hội bao quát trải dài từ ngàn năm tới nay. Và hơn hết, cùng hướng đến "Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới".
Bên cạnh một kịch bản dày dặn, việc sử dụng công nghệ ánh sáng cũng là một điểm nhấn của chương trình. Sự "chịu chơi" khi kết hợp hoạt cảnh múa với công nghệ hiện đại Holograme kể về dòng chảy lịch sử vùng đất con người với những nét tương đồng suốt chiều dài lịch sử của hai tỉnh, giờ hoà làm một trong chiếc nôi văn hoá Kinh Bắc.
Ánh sáng và sân khấu ấn tượng đã tạo ra những giây phút "pháo hoa rực rỡ", tạo ra sức kết nối mạnh mẽ.
Trên bầu trời Bắc Ninh những nhân vật lịch sử, những hình ảnh biểu tượng của quê hương như Kinh Dương Vương thủy tổ của dân tộc Việt Nam, Lý Thái Tổ với Chiếu dời đô, Lý Thường Kiệt với bài thơ thần "Nam quốc sơn hà", anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, chiến thắng Xương Giang, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Vĩnh Nghiêm và cả hình ảnh chùm vải thiều bình dị… như được hiện sinh bằng ánh sáng rực rỡ giữa bầu trời đêm, khiến chục nghìn người ngỡ như đang sống trong huyền thoại ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Trong tổng thể một chương trình, âm nhạc là một điểm sáng. Đạo diễn Thu Hoài đã đặt niềm tin đúng người cộng sự của mình là nhạc sĩ Kiên Ninh. Anh xử lý ra trò phần âm nhạc vừa đậm đặc truyền thống vừa đương đại, tương hỗ cho một tổng thể chương trình nghệ thuật truyền tải câu chuyện văn hoá. Với "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới" trong rất nhiều "món ngon" chất liệu âm nhạc, nhạc sỹ Kiên Ninh khéo léo bày biện vừa đủ những món tinh túy của mảnh đất Kinh Bắc đó là dân ca quan họ, đối ca, những bản mashup lần đầu được trình làng như: Trên quê hương quan họ - Qua cầu sông Thương…
Âm nhạc được dàn dựng như những bản sử thi ngắn, khắc họa chiều sâu lịch sử, con đường hoằng dương Phật giáo,truyền thống hiếu học, cách mạng, văn hóa của vùng đất ngàn năm. Thông qua một loạt ca khúc được dàn dựng hấp dẫn như: "Bắc Ninh tỏa sáng - Bắc Ninh cất cánh", "Con đường Phật giáo", hay "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa"…
Tổng đạo diễn Thu Hoài trăn trở tìm những cách "sáng tạo" mới mẻ, chị đặt hàng Nhạc sĩ Kiên Ninh bài vè "Đất trăm nghề" để điểm qua những hoạt động của nghề Bắc Ninh ngày nay. Chưa đầy 1 buổi chiều, Nhạc sĩ Kiên Ninh trả bài và chương trình có 1 tiết mục "không thể thú vị và hợp lý hơn"- theo ngôn ngữ của người trong nghề nhận xét.
Một điểm sáng, một cú twist được mong chờ nhất không thể không kể đến sự tham gia của Hoà Minzy và Tuấn Cry trong ca khúc 200 triệu view "Bắc Bling" với phần tham gia biểu diễn của gần 3000 diễn viên, học sinh… sự kết hợp tạo ra màn đồng diễn "kỷ lục" trên sân khấu.
Nói về sự xuất hiện đặc biệt của nữ ca sĩ Hoà Minzy tại hai điểm cầu truyền hình. Tổng đạo diễn Thu Hoài tiết lộ, đây là một trong những màn biểu diễn khiến chị "mất ăn, mất ngủ" nhất. Vì lịch trình dày đặc, nữ ca sĩ thông báo "không thể tham gia" khi đã gần ngày biểu diễn vì vướng một lịch trình khác. Tuy nhiên, với nỗ lực từ nhà sản xuất và ca sĩ, cuối cùng Hoà Minzy vẫn trở về quê hương và cống hiến trước hàng chục ngàn khán giả quê hương yêu mến.
Với sự nhạy cảm trong vai trò của "người cầm trịch", Tổng đạo diễn Thu Hoài đã "làm liều" để Hoà Minzy xuất hiện đặc biệt tại 2 điểm cầu. Đây là một trong những điều chưa có tiền lệ "vô tiền khoáng hậu". "Tôi nghĩ rằng, vì khán giả của 2 điểm cầu đều mong muốn Hoà Minzy có mặt nên chúng tôi đã phải can thiệp và nhờ sự hậu thuẫn từ lực lượng an ninh để Hoà có thể có mặt tại điểm diễn thứ 2. Sau khi kết thúc phần trình diễn đầu tiên tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc (phường Vũ Ninh) Hoà tức tốc di chuyển về Quảng trường 3/2. Thật sự nghĩ lại tôi cũng muốn thót tim, vì nếu Hoà không kịp có mặt thì sẽ "cháy" chương trình, hoặc phương án 2 chúng tôi đặt ra là Tuấn Cry sẽ 1 mình biểu diễn. Tuy nhiên, thật may mắn mọi nỗ lực của ekip cũng được đền đáp. Hòa Minzy có mặt trước 30 phút phần biểu diễn của mình. Trong sự lo lắng xem lẫn hồi hộp chúng tôi chỉ biết cảm ơn và ôm nhau tại hậu trường" – Thu Hoài chia sẻ.
Là người con của quê hương, trong thời khắc ghi dấu lịch sử, ca nhạc sĩ Tuấn Cry và nhạc sĩ Ngọc Thạch đã viết tặng quê hương hai bài hát mới "King Bắc" và "Bắc Ninh tỏa sáng".
Từ phải sang: Tổng đạo diễn Thu Hoài cùng các nhạc sĩ: Ngọc Thạch, Kiên Ninh và Nguyễn Quang Long
Bên cạnh âm nhạc, phần biên đạo nghệ thuật của Tổng biên đạo NSƯT Phan Lương và ekip biên đạo đông đảo hai điểm cầu: NSƯT Huy Thông, NSƯT Tuyết Anh, NSƯT Kiều Mĩ, Tô Thảo, Hà Tứ Thiên, Hùng Nam, Việt Tuấn đã "tạo nét" khắc họa một Bắc Ninh đậm đà bản sắc. Chính cách dàn dựng sân khấu hoá các hoạt cảnh sử thi, màu sắc văn hoá truyền thống xen lẫn nét hiện đại kết hợp công nghệ tương tác đã tạo ra một không gian tổng hoà vừa truyền thống vừa hiện đại.
Một điểm nhấn đặc biệt của chương trình có lẽ đến từ sân khấu giàu hình tượng. Chiếc nón quai thao Trung tâm sân khấu thể hiện nét tương đồng văn hóa 2 tỉnh sát nhập, được kết nối bới dòng sông Cầu thơ mộng. Thiết kế bằng màn hình LED để dễ dàng biến đổi không gian và sắc màu theo chương hồi. Tạo hình cánh chim phượng hoàng khổng lồ cất cánh hướng về trung tâm, biểu tượng cho một thời kỳ phát triển mới, vững tin cất cánh bay vào kỷ nguyên mới của tỉnh Bắc Ninh.
Sự đặc sắc này đến từ hoạ sĩ Phùng Nam Thắng, anh thức thông đêm vẽ nên thiết kế sân khấu đầy ý nghĩa và rực rỡ, hoành tráng đáp ứng đúng yêu cầu của Tổng Đạo Diễn Thu Hoài chỉ trong 1 đêm. Ý tưởng thiết kế sân khấu chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện sáp nhập tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang về chung một nhà của họa sĩ Phùng Nam Thắng, cũng chính là khát khao là kỳ vọng của bao người con quê hương Kinh Bắc.
Để làm một chương trình hay đã khó, để làm một chương trình có dấu ấn, có dư âm in sâu trong lòng người dân, tạo ra sự kết nối cộng đồng và khơi gợi sự tự hào về quê hương quả thực là thử thách "không phải ai cũng làm được". Thế nhưng với "Bắc Ninh ngàn năm văn hiến - Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới" nữ đạo diễn Thu Hoài đã "trả bài" một cách xuất sắc, để lại dư âm lớn trong lòng người dân.
Có lẽ, nhiều hơn tài năng của người cầm trịch một chương trình lớn, thành công "concert Bắc Ninh" đến từ những tấm lòng người con của quê hương. Dám "vượt ngưỡng" để làm khác biệt và rồi vỡ òa trên sân khấu vì những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào và nói "vinh dự lớn - áp lực lớn". Và có lẽ trong ký ức của người dân quê hương Bắc Ninh hôm nay và mãi về sau sẽ chẳng thể nào quên được màn pháo hoa rực rỡ trên bầu trời quê hương trong ngày hội "về chung một nhà" và hơn thế "Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc".
Tổng đạo diễn Thu Hoài, quê Bắc Ninh, là Cử nhân Ngữ văn. Chị từng tham gia loạt chương trình: Hoa hậu biển Việt Nam 2016; Người đẹp Xứ Mường; Người đẹp Kinh Bắc 2012, 2014, 2016, 2019; Lễ bế mạc Năm Du lịch Quốc gia 2024...; Lễ trao giải thưởng Bảo Sơn 2024 (truyền hình trực tiếp Kênh VTV1); Chương trình Lễ kỉ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (truyền hình trực tiếp VTV2); Chương trình Lễ kỉ niệm 70 năm Giải phóng thành phố Bắc Ninh... Năm 2023, chị đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn Lễ trao giải Cống hiến của báo Thể thao và Văn hoá/ TTXVN.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất