'Washington Post' và 'Guardian' thắng lớn tại giải báo chí Pulitzer

15/04/2014 10:07 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/4, lễ trao giải thưởng báo chí Pulitzer lần thứ 98 đã diễn ra tại trường Đại học Columbia tại thành phố New York, Mỹ. Các giải thưởng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong năm 2013 tiếp tục khẳng định uy tín và tính chuyên nghiệp ngày càng hoàn thiện của ngành báo chí Mỹ.

Các tác phẩm báo chí Mỹ trong năm 2013 vẫn chủ yếu tập trung vào nhiều vấn đề nóng trong nước và quốc tế. Nổi bật nhất tại lễ trao giải năm nay là giải "Phục vụ Cộng đồng" danh giá được trao cho hai "đại gia" là The Washington Post của Mỹ và The Guardian của Anh với loạt bài về cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Edward Snowden và vụ phanh phui chương trình do thám bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA).

Được đánh già là một trong những câu chuyện có tầm ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ trở lại đây, vụ việc đã phơi bày những góc khuất trong các hoạt động dưới danh nghĩa đảm bảo an ninh quốc gia của Chính phủ Mỹ, thổi bùng lên làn sóng tranh luận trong cộng đồng trong và ngoài nước về hoạt động do thám hàng loạt. 

The Washington Post cùng với The Guardian thành công với loạt bài về cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) Edward Snowden

Trong đánh giá của mình, hội đồng giám khảo Pulitzer hoan nghênh 2 tờ báo đã "đặt viên gạch đầu tiên" cho cuộc tranh luận quan trọng về sự cân bằng giữa quyền riêng tư cá nhân và an ninh quốc gia. Ngoài ra, phóng viên Eli Saslow giúp tờ The Washington Post giành thêm một giải Pulitzer ở hạng mục "Báo chí điều tra sáng tỏ" về sự phổ biến của tem phiếu thực phẩm giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính Mỹ.

Một "ông lớn" khác của báo giới Mỹ - The Boston Globe - cũng giành giải "Phóng sự tin nóng" với loạt bài chi tiết và gây xúc động về vụ đánh bom đẫm máu tại giải marathon Boston cũng như cuộc săn đuổi thủ phạm sau đó. Những bức ảnh sinh động và việc ứng dụng linh hoạt công nghệ số đã truyền tải đầy đủ tới người đọc tác động kinh hoàng của vụ tấn công.

Trong khi đó, tờ The New York Times "ẵm" giải đúp "Tin ảnh nóng" và "Ảnh chuyên mục". Phóng viên giành giải "Tin ảnh nóng" là Tyler Hicks với chùm ảnh đầy thuyết phục ghi lại vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại trung tâm mua sắm Westgate tại Kenya. Giải còn lại thuộc về phóng viên Josh Haner với bài báo ảnh về một nạn nhân trong vụ đánh bom marathon Boston.

Giải "Phóng sự điều tra" đã về tay Chris Hamby của tờ The Center for Public Integrity. Báo cáo của Hamby đã vạch trần hoạt động gian lận của một số bác sỹ và luật sư khi từ chối chữa bệnh cho các thợ mỏ mắc bệnh phổi. Hãng thông tấn Reuters của Anh cũng "mát lòng mát dạ" khi giải thưởng "Phóng sự quốc tế" thuộc về hai phóng viên Jason Szep và Andrew Marshall với những bài báo về cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar.

Bên cạnh các giải thưởng báo chí, giải Pulitzer còn tôn vinh những tác phẩm thuộc lĩnh vực kịch, âm nhạc và mỹ thuật. Giải "Tiểu thuyết hư cấu" năm nay dành tặng tác giả Donna Tartt với tác phẩm tiêu thuyết The Goldfinch. Đánh giá cao tác phẩm giả tưởng này, hội đồng giám khảo nhận định đây là một cuốn tiểu thuyết khiến người đọc cảm động và phải suy ngẫm.

Được nhà báo Joseph Pulitzer, chủ bút tờ New York World sáng lập, Pulitzers là giải thưởng danh giá và uy tín nhất trong lĩnh vực báo chí Mỹ, được Đại học Columbia lựa chọn theo đề xuất của một hội đồng giám khảo gồm 18 thành viên, trong đó có các nhà báo uy tín. Kể từ năm 1917, lễ công bố giải thưởng danh giá này được tổ chức vào tháng 4 hàng năm. Chủ nhân mỗi giải thưởng sẽ nhận được 10.000 USD, riêng giải cho báo chí "Phục vụ cộng đồng" được trao một huy chương vàng. Hiện giải Pulitzer có tới 21 hạng mục, thuộc các thể loại báo chí như phóng sự, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu sử và các lĩnh vực khác như sân khấu, thơ và âm nhạc.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm