Vụ 'chuyển giới' bi kịch

19/03/2017 20:24 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Paul Grappe và Louise Grappe là một đôi vợ chồng như trăm ngàn đôi khác, cho đến khi Thế chiến I lan đến Pháp. Paul bị vào lính và đào ngũ, lúc đó ông ta có hai lựa chọn: chờ án tử hình hay cải trang thành phụ nữ để trốn…

Paul Grappe và Louise Grappe có mối tình với nhiều tình tiết dị biệt và kết cục buồn thảm.

Paris, thứ Bảy, 21/7/1928

Gần nửa đêm có tiếng rên rỉ của một đứa trẻ vẳng ra từ tầng ba một ngôi nhà ở phố Rue Bagnolet 34. Rồi đột nhiên hàng xóm nghe tiếng la hét, tiếng súng nổ. “Tôi muốn bảo vệ chính tôi và con tôi trước ông chồng say rượu” - không lâu sau Louise Grappe khai ở đồn cảnh sát - “và vớ được khẩu súng để bên lò sưởi. Tôi bóp cò”.  

Viên đạn ở Rue Bagnolet là đoạn kết của một bi kịch được bắt đầu bằng tình yêu. Nạn nhân là Paul Grappe, vốn chỉ sống qua được mọi tàn khốc của Thế chiến I nhờ một mẹo hi hữu và sự trợ giúp của vợ mình - thoạt tiên là đồng phạm, và rốt cục là sát thủ.

Sau khi được phép quay lại với cuộc sống đàn ông, Paul gặp vô vàn khó khăn để hoà nhập, sa vào rượu chè và luôn mất việc, khiến Louise phải một mình nuôi cả nhà

Nhiều thập kỷ sau, hai nhà sử học của Viện nghiên cứu CNRS tìm được trong văn khố của cảnh sát Paris một thùng thư từ, nhật ký của vợ chồng Grappe cùng nhiều bài báo và hồ sơ vụ án kinh động nước Pháp hồi những năm 1930. Họ đưa kết quả khảo cứu vào một cuốn sách về vụ “chuyển giới” bất đắc dĩ đã cứu và lại lấy đi mạng sống của một nạn nhân chiến tranh, Paul Grappe, vốn từng là một công dân vô cùng bình thường của Paris thời hoàng kim sẽ đi vào lịch sử với trĩu nặng hoài niệm.

Cùng vợ là Louise, ông sống cuộc đời ít nhiều vất vả nhưng bình an trước khi chiến sự nổ ra. Hai người quen nhau qua một khoá học nhạc buổi tối, kết hôn, và có lẽ sẽ sống cuộc đời công nhân giản dị nhưng bình an.


Năm 1925 Paul được ân xá và đôi khi vẫn phải sống bằng hào quang của Suzy ngày xưa

“48 tiếng nữa tôi đào ngũ”

Vừa cưới được ít lâu, Paul đi nghĩa vụ quân sự và bị đưa ngay đến mặt trận ở sát biên giới Pháp - Bỉ. Hạ sĩ Paul Grappe dính ngay nhiều vết thương nhẹ, nhưng một vết thương khá đặc biệt ở ngón trỏ tay phải suýt đưa Paul ra toà án quân sự, vì ai cũng cho đó là hành vi cố ý để được phục viên. May có một số đồng đội bênh vực mà Paul thoát vụ này, tuy nhiên đơn vị đợi hơn 6 tháng vẫn không thấy Paul trở về từ trạm xá. Một liên lạc viên chuyển giấy triệu tập cho Paul và được nhờ nhắn lại: “Không, 48 tiếng nữa tôi đào ngũ.”

Từ 22/5/1915 Paul Grappe chính thức có tên trong danh sách bỏ trốn và hình phạt mặc nhiên thời chiến là tử hình. Thoạt tiên ông về nhà với vợ, nhưng phải liên tục đổi chỗ ngủ đêm vì sợ hàng xóm trình báo. Một ngày đẹp trời, Louise nảy ra sáng kiến khi đưa chồng mặc thử cái áo dài đẹp nhất của mình. Tình cờ hai người có cùng cỡ quần áo. Paul cạo sạch râu ria và chấm thêm ít phấn. Chẳng ngờ “thành công” vượt xa mong đợi: cuộc dạo chơi ra phố đầu tiên mang lại nhiều tiếng huýt sáo tỏ tình của người qua đường.  

Từ hôm đó Paul mang “nghệ danh” Suzanne Landgard hay Suzy, mái tóc ngắn của ông ngẫu nhiên đúng mốt thịnh hành, giống như áo dài hoài cổ thướt tha che kín ngực - một vỏ nguỵ trang hoàn hảo.


“Cô nương Suzanne” hay Paul Grappe hay Suzanne Landgard, chụp ở địa chỉ tai tiếng Bois de Boulogne

Cuộc đời hai mặt bắt đầu

Paul/Suzy trở nên kiệm lời, nếu phải nói thì cũng có giọng mai mái dễ nghe. Hai vợ chồng sống bằng nghề làm dây đeo quần tại nhà. Sau này Suzy được tuyển vào một cửa hàng thời trang ở phố Rue du Faubourg Saint Honoré xa hoa lịch lãm, chuyên may vá thêu thùa, thỉnh thoảng còn được làm người mẫu trình diễn mốt mới!

Suzy chăm chỉ và khiêm nhường, được các nhân viên trong cửa hiệu yêu mến, cho đến khi cuộc tình với một cô bé 16 tuổi vỡ lở: thực tập sinh ấy phát hiện ra chân tướng mày râu của Paul, tuy nhiên giữ kín vì chính mình cũng xấu hổ. Mặc dù vậy Paul phải vội kiếm chỗ làm khác và cũng chẳng bao giờ trụ lại lâu ở một nơi. Và biến đổi tâm tính lớn nhất của Paul/Suzy trong giai đoạn này là dần dần… thích vai diễn, theo chiều hướng ngày càng trầm trọng! Ngày ấy và cho đến tận hôm nay, ở quận 16 bên rìa Paris có cánh rừng lớn mang tên “Rừng (bois de) Boulogne”, ngoài nhiệm vụ làm lá phổi xanh cho thủ đô, nó còn là nơi tụ tập gái điếm và người chuyển giới. Paul/Suzy ngày càng năng đến đây và có quan hệ tình dục với cả đàn ông lẫn đàn bà, đôi khi ông chép lại vài cuộc phiêu lưu trong nhật ký mà Louise cũng đọc được.  

Thế chiến I chấm dứt nhưng không chấm dứt được cuộc sống lá mặt lá trái của Paul, vì lệnh ân xá 1919 cho lính đào ngũ không được áp dụng cho thành phần chống quân lệnh. Paul và Louise trốn sang vùng Basque (Tây Ban Nha), ở đó Paul lại trở về vị trí đàn ông và công khai hành vi đào ngũ của mình. 1922 họ lại quay lại Paris và Suzy tái hiện. Nàng Suzy mê các môn thể thao thời thượng, tại một cuộc trình diễn kỹ thuật hàng không tại Bourget năm 1923, “nàng” được tung hô là một trong những nữ vận động viên nhảy dù đầu tiên của Pháp! Rồi nàng cũng lại ngựa quen đường cũ, năng lui tới Bois de Boulogne - bây giờ còn bắt Louise đi theo và chọn khách đàn ông cho vợ.

Hạ màn

Năm 1925 Pháp sửa luật ân xá, khiến Paul được miễn mọi tội, từ giờ lại được quyền mặc quần và để râu. Dĩ nhiên Paul không phải người duy nhất hưởng lợi từ luật mới: thống kê chưa đầy đủ cho thấy 63.000 lính Pháp đào nhiệm. Câu chuyện “nàng Suzy” cũng được công khai, và nó lý thú đến nỗi báo chí đua nhau kể lể và độc giả quan tâm đặc biệt. Khôi hài ở chỗ đại đa số thư bạn đọc đến từ phụ nữ muốn hỏi kinh nghiệm… làm sao triệt được râu ria!

Sau nhiều năm lẩn trốn trước nhà chức trách, Paul đột nhiên thành người của công chúng, đi thuyết trình về cuộc đời cũ của mình và ký tặng chân dung (trong vai Suzy) cho người hâm mộ. Ông thậm chí khoe với báo giới là đã từng “chiếm hữu 3.000 phụ nữ.”   

Nhưng cuộc hồi đầu cũng không thiếu hệ quả tai hại. Xã hội Paris từng biết đến và bao dung cặp đôi đồng tính Suzy/Louise, nay tỏ ra bỉ báng cuộc sống của Louise với một kẻ đào ngũ, chủ nhà dăm ba bữa lại doạ cắt hợp đồng thuê nhà. Sau nhiều năm đội lốt phụ nữ, hình như chính Paul cũng khó hoà nhập vào tình cảnh mới. Ông nghiện rượu, luôn mất việc, thậm chí đánh đập cả người phụ nữ phải nuôi sống gia đình. Nay họ có một con trai, và cuộc sống vốn nghèo khổ càng vất vả hơn.     

Đêm 21/7/1928 kết thúc như ta đã biết. Louise ngồi tù đợi xử, trong thời gian đó con trai của hai người cũng qua đời. Khi nghe tuyên án tha bổng tại chỗ, cả pháp đình vang dội tiếng vỗ tay tán thưởng. Louise Grappe kết hôn lần nữa và sống đến 1981 ở Paris bằng công việc từng cột chặt số mệnh mình: nghề tô màu lính chì.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm