Vì sao phụ nữ Ấn Độ thi nhau sinh con ở tuổi xế chiều?

03/11/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay Rajo Devi 75 tuổi. Tuy nhiên đứa con đầu lòng của bà, bé Naveen, mới chỉ 5 tuổi. Ở Ấn Độ, nơi độ tuổi trung bình của phụ nữ chỉ 68 tuổi, Rajo Devi nói rằng bà rất may mắn khi được làm mẹ ở độ tuổi 70.

Naveen được sinh ra thông qua phương thức thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện gần làng bà Devi ở bang Haryana.

Bất chấp rủi ro để có con

Giống nhiều đứa trẻ khác, cô bé đôi khi rất bướng bỉnh và thích thu hút sự chú ý của người ngoài. Nhưng không giống các bà mẹ bình thường, Rajo Devi thấy sự hiếu động của Naveen là thách thức lớn với mình. Bà khó có thể chạy theo và quản lý con. Tuổi tác rõ ràng đã có ảnh hưởng lớn tới chuyện này.

Thực tế, Devi cảm thấy mệt mỏi từ trước khi Naveen được sinh ra, bắt đầu từ giai đoạn thai nghén, vốn đã lấy đi rất nhiều sức khỏe của bà. Sau khi Naveen chào đời, bà bị u nang buồng trứng và tiếp theo là một căn bệnh về ruột.


Bà Rajo Devi, 75 tuổi, bên cạnh đứa con gái Naveen, 5 tuổi

Tiến sĩ Allan Pacey thuộc Đại học Sheffield của Anh nói rằng phụ nữ ở trong độ tuổi 70 như Devi vẫn có thể có thai nếu họ tiến hành thụ tinh ống nghiệm nhờ trứng hiến tặng từ một người phụ nữ trẻ tuổi. “Tuy nhiên vẫn có những mối nguy hiểm đe dọa sức khỏe của bà mẹ và đứa trẻ” – ông nói.

Vậy thì tại sao Rajo Devi lại bất chấp rủi ro và hiểm nguy để có con? “Chuyện này rất quan trọng” – bà giải thích đơn giản. Khát vọng có con mạnh tới mức khi Rajo Devi không thể sinh con sau 15 năm kết hôn, chồng bà là Bala Ram đã cưới em gái bà. Nhưng cô em cũng không thể sinh con.

Động cơ thừa kế gia sản

Khả năng làm mẹ là điều được tôn thờ ở Ấn Độ - đất nước vẫn được gọi là “Mẹ Ấn Độ”. Khi một người phụ nữ không thể sinh con, đặc biệt là ở vùng nông thôn Ấn Độ, cô sẽ bị xem thường.

Ngoài ra còn một vấn đề nữa là chuyện thừa kế. Thực tế, Bala Ram nói rằng thừa kế là lý do duy nhất ông và vợ đồng ý tiến hành thụ tinh ống nghiệm để có con, dù đã cao tuổi. "Nếu chúng tôi chết đi mà không có người thừa kế, toàn bộ tài sản của chúng tôi sẽ được chia sẻ cho các anh em tôi hoặc hàng xóm” – ông nói.

Bala Ram đang sở  hữu hơn 40.000 m2 đất canh tác rất màu mỡ và 2 con bò. Ông trồng lúa gạo, lúa mỳ, bông và cây mù tạt trong suốt năm, kiếm được trung bình 5.000 USD mỗi năm. Hiển nhiên cặp vợ chồng muốn có một đứa con trai để thừa hường gia sản và tiếp tục nuôi dưỡng cái tên của dòng tộc, trong khi đứa con gái rồi sẽ kết hôn và về sống với chồng.


Bà Bhateri Devi (phải) đã sinh 3 đứa con ở tuổi 64

Nhưng Bala Ram chẳng có nhiều sự lựa chọn. “Ngay khi con gái tôi ra đời, bác sĩ nói rằng Rajo Devi quá yếu để thụ tinh ống nghiệm và sinh con thêm một lần nữa. Vì thế với chúng tôi, Naveen là con gái nhưng cũng là đứa con trai” – ông nói.

Được biết trong các cuộc thụ tinh ống nghiệm thông thường, bác sĩ sẽ lấy tinh trùng của người chồng để khiến trứng của người vợ thụ tinh. Phôi tạo ra sau đó sẽ được cấy trở lại tử cung của người phụ nữ để hoạt động mang thai tiếp diễn.

Tuy nhiên trong trường hợp nhà Devi, chuyện đã khác rất nhiều. Cả Devi và em bà đều đã qua tuổi tiền mãn kinh và họ đều không còn trứng để sinh sản. Ngoài ra, do em gái Devi quá yếu và không thể tham gia làm IVF, bà buộc phải là người mang bầu. Các bác sĩ đã lấy trứng của một người phụ nữ khác và dùng tinh trùng của ông Bala Ram để thụ tinh và tạo ra phôi.

Cặp vợ chồng nói rằng họ không hiểu rõ lắm các quy trình phức tạp này và thực sự thì họ chẳng quan tâm. “Giờ chúng tôi đã có một gia đình hạnh phúc” – bà Rajo Devi phấn khởi nói – “Dân làng đã đối xử với chúng tôi theo cách thức khác hoàn toàn”.

Phụ nữ chẳng có sự  lựa chọn

Ở nhiều làng quê của Ấn Độ, các trường hợp phụ nữ cao tuổi sinh con như Devi hiện không hiếm. Bác sĩ Anurag Bishnoi, người đang điều hành một bệnh xá ở Haryana, cho biết mỗi năm đã thực hiện thụ tinh ống nghiệm trên khoảng 1.000 phụ nữ. 1/3 trong số  này có độ tuổi từ 50 – 70.

“Đã có lúc tôi đều trị cho hơn 100 cặp vợ chồng già mỗi tháng. Họ tới đây với hy vọng rất lớn mà chúng tôi không thể đáp ứng. Vì thế chúng tôi phải lựa chọn cẩn thận và giảm bớt số cặp vợ chồng được nhận điều trị” – ông nói.

Bhateri Devi đã 64 tuổi khi bà bắt đầu tham gia điều trị với bác sĩ Bishnoi vào năm 2010. Kết quả là bà đã sinh hạ 3 đứa con, gồm 2 con gái và 1 con trai. Một đứa con gái đã qua đời chỉ vài tuần sau khi sinh, nhưng những đứa còn lại giờ đã tới tuổi học mẫu giáo.

Mỗi ngày giờ đều trở nên rất dài và mệt mỏi với Bhateri Devi. Những đứa trẻ 3 tuổi rất nghịch ngợm và bà phải dồn hết sức lực để đưa đón chúng tới trường học. Tuy nhiên bà và chồng Deva Singh vẫn khẳng định nỗ lực sinh con ở tuổi xế chiều đáng tới từng xu. "Chúng tôi từng bị gọi là những kẻ không có con và chẳng ai muốn thấy mặt chúng tôi vào sáng sớm. Họ sợ gặp chúng tôi sẽ bị xúi quẩy trong việc có con” – ông Deva Singh kể.

Sau khi sinh con, Bhateri Devi cũng gầy mòn đi như Rajo Devi. Rõ ràng hoạt động mang thai và sinh nở lúc đã cao tuổi khiến họ phải trả giá. Nhưng cả 2 đều không thừa nhận thực tế này. "Trong bất kỳ tình huống nào thì cơ thể của một người phụ nữ chỉ là để phục vụ việc sinh con. Không cần biết tuổi tác bạn ra sao, việc sinh con chưa từng dễ dàng - bà Bhateri Devi nói.

“Đây là thế giới của đàn ông” – bà Rajo Devi cất lời – “Ở đây, phụ nữ chẳng có sự lựa chọn nào cả”.

Tường Linh (Theo BBC)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm