Tọa đàm báo chí tại TP.HCM: Nhà báo nói thẳng, nói thật về báo chí

29/06/2017 22:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29/6, Đại học Văn Lang (TP.HCM) đã tổ chức tọa đàm chủ đề “Báo chí góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM” với sự tham dự của nhiều lãnh đạo, nhà báo, nhà quản lý báo chí lâu năm của TP.HCM.

Bên cạnh ghi nhận nhiều thành tựu báo chí TP.HCM đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng Dương Trọng Dật cũng cảnh báo: “cùng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, báo chí TP.HCM chưa có một cuộc bứt phá nào đáng kể, không những thế có vẻ còn tụt lùi so với yêu cầu thông tin và tụt lùi so với chính chúng ta”.

Những biểu hiện rõ nhất là: tư duy làm báo xơ cứng, làm báo kiểu hành chính quan liêu, tuyên truyền áp đặt, thiếu thuyết phục; thông tin đời sống kinh tế, xã hội thành phố còn nhạt nhòa, thiếu sức lay động; đang có một bước lùi trong vai trò phản biện xã hội, vốn là thế mạnh của báo chí TP.HCM.

Chú thích ảnh
Tọa đàm “Báo chí góp phần xây dựng và phát triển TP.HCM”

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải hoài niệm về một thời báo chí làm việc trong mối quan hệ dân chủ với lãnh đạo thành phố: “Các đồng chí lãnh đạo TP.HCM như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… rất thân thiết với anh em báo chí, có thể cùng bàn bạc những vấn đề lớn đóng góp vào những chính sách cho thành phố".

"Tôi nhớ những cuộc giao ban báo chí “nảy lửa” với một thế hệ lãnh đạo nhận thức được sức mạnh của truyền thông và biết phát huy sức mạnh đó và một thế hệ lãnh đạo báo chí oanh liệt, máu lửa và hay cãi. Tất cả giúp báo chí TP.HCM phát triển mạnh mẽ cả trên và sau mặt báo với hàng loạt chương trình lan tỏa rộng rãi trong xã hội, như: Nghĩa tình Trường Sơn và Học bổng Nguyễn Trường Toản (Sài Gòn giải phóng), Hàng Việt Nam chất lượng cao (Sài Gòn Tiếp thị), Duyên dáng Việt Nam (Thanh Niên), Ngôi nhà mơ ước (HTV)…” - bà Hải nhớ lại.

Ông Lê Hoàng (Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ) cho rằng để báo chí phát triển bền vững cần lấy lại vai trò nổi bật của báo chí là phản biện xã hội. Mà “sự phản biện xã hội cần sự đồng hành của những lãnh đạo như ta đã từng có trong một giai đoạn khó khăn - những người khát khao đổi mới, tác phong dân chủ, chịu cọ xát - đôi khi phải “cắn răng” nghe báo chí nói. Phải làm sao để trở lại ngày xưa, để báo chí có được sự đồng hành, hỗ trợ của lãnh đạo và trở thành sức mạnh của lãnh đạo, của chính quyền...”

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: 14.000 hiện vật đang chờ ra mắt

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: 14.000 hiện vật đang chờ ra mắt

Ở thời điểm việc thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã đến rất gần, khá nhiều độc giả đặt ra câu hỏi: Công trình ấy sẽ có những gì để phục vụ người xem?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh (nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn tiếp thị, người khởi xướng chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao”) đặt ra vấn đề lớn cho báo chí hiện nay nếu không muốn bị tụt hậu và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của TP, của đất nước thì: “Báo chí và các nhà báo phải tư duy lại về sự phát triển của Việt Nam và luôn bám sát tình hình thực tế của Việt Nam và thế giới”.

Trên vai trò một người từng làm công tác quản lý, PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho rằng báo chí phải làm đúng chức năng của mình là tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng - Nhà nước và đặc biệt phải “đưa thực tiễn vào Nghị quyết”, tức là phải phản ánh được hơi thở cuộc sống của người dân vào trong Nghị quyết, chứng tỏ những chủ trương đó xuất phát từ đời sống thực tiễn chứ không chỉ trong phòng máy lạnh.

“Báo chí thì phải biểu dương cái đẹp, luôn luôn ủng hộ cái mới, phát triển cái mới, sao cho cái mới vốn rất nhỏ lúc ban đầu trở thành xu hướng chung” - PGS-TS Phan Xuân Biên nhấn mạnh.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm