Tin tặc tấn công khắp châu Âu, nhiều công ty khốn đốn

28/06/2017 07:08 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/6, các công ty khắp châu Âu cho biết trang web của họ đã bị tin tặc xâm nhập nghiêm trọng, gây ra tình trạng gián đoạn trên diện rộng.

Trong số các nước, Ukraine bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Giới chức Ukraine cho biết các cơ quan chính phủ, ngân hàng và mạng lưới điện Ukraine đã bị tin tặc tấn công.

Các công ty Ukraine như nhà sản xuất máy bay Antonov và hai cơ quan bưu chính cũng báo cáo gặp vấn đề với tin tặc.

Tại Nga, tập đoàn dầu khí Rosneft trở thành nạn nhân của đợt tấn công mới nhất của tin tặc.

Chú thích ảnh
Màn hình một điểm ATM của ngân hàng Oschadbank ở Ukraine hiển thị dòng chữ đòi tiền chuộc. Ảnh: Guardian

Tập đoàn đóng tàu Đan Mạch A.P. Moller-Maersk và công ty quảng cáo Anh WPP cũng nằm trong số hàng chục nạn nhân của tin tặc.

Ông Anders Rosendahl, phát ngôn viên của A.P. Moller-Maersk, nói: “Chúng tôi đang nói về một cuộc tấn công mạng. Nó đã ảnh hưởng tới mọi chi nhánh kinh doanh của chúng tôi cả ở trong và ngoài nước”. Tập đoàn này có nhiều trang web và cơ sở kinh doanh bị đóng cửa sau vụ tấn công.

Theo kênh CNBC, công ty vật liệu xây dựng Pháp St. Gobain, các văn phòng ở Tây Ban Nha của các tập đoàn đa quốc gia lớn như tập đoàn thực phẩm Mondelez, công ty luật DLA Piper cũng bị tấn công.

Phó Thủ tướng Ukraine Pavlo Rozenko ngày 27/6 đã đăng một bức ảnh chụp màn hình máy tính đen ngòm lên Twitter, nói rằng hệ thống máy tính tại trụ sở chính phủ đã bị sập.

Thủ tướng Ukraine Volodymyr Groysman gọi vụ tấn công mạng là chưa có tiền lệ nhưng cho biết các hệ thống quan trọng không bị ảnh hưởng.

Ngân hàng Quốc gia Ukraine đã phát cảnh báo tới các ngân hàng về một vụ tấn công của tin tặc từ bên ngoài nhằm vào các trang web một số ngân hàng Ukraine.

Tờ báo Ukraine Pravda đưa tin rằng các máy tính ở nhà máy hạt nhân Chernobyl đã bị nhiễm virus. Phát ngôn viên nhà máy cho biết hiện tại không có mối de dọa từ phóng xạ. Các nhân viên được yêu cầu tắt máy tính sau khi một số máy bị nhiễm virus.

Hiện có rất ít thông tin về thủ phạm đứng đằng sau vụ tấn công mạng khắp châu Âu này. Theo các chuyên gia công nghệ, vụ việc có dấu ấn của ransomware, một chương trình đánh cắp dữ liệu đòi tiền chuộc.

Tờ Guardian cho biết Petya chính là tên của ransomware đã ảnh hưởng tới khắp châu Âu. Đây là một chương trình được viết năm 2016.

SỐC: Tin tặc có thể khởi đầu chiến tranh hạt nhân

SỐC: Tin tặc có thể khởi đầu chiến tranh hạt nhân

Một báo cáo từ Hội đồng Thông tin An ninh Anh – Mỹ (BASIC) vừa chỉ ra các lỗ hổng an ninh nguy hiểm trong chương trình vũ khí hạt nhân của quân đội Anh.

Trung tâm Phân tích và Báo cáo thông tin Thụy Sĩ (MELANI) nhận định có dấu hiệu cho thấy Petya đang được lưu hành trở lại. Đây là virus khiến các hệ thống bị gián đoạn năm 2016.

Ông Robert Edwards, chuyên gia tội phạm mạng tại Hong Kong (Trung Quốc) nhận định: “Với mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công này và mức độ virus lây lan quy mô toàn cầu khắp các cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp, hiện gần như không thể ngăn chặn nó lây lan. Hậu quả của vụ việc có thể nghiêm trọng, từ đó đặt ra câu hỏi về tính an ninh của các thiết bị và cho thấy tin tặc có thể dễ dàng thực hiện các vụ tấn công”.

Theo ông Robert, nhiều công ty không hành động đủ mạnh để đảm bảo an toàn dữ liệu. Ông nói: “Chúng ta đang thấy một xu hướng đáng lo ngại về việc các biến thể của ransomware như Petya đang ngày càng trở nên phức tạp hơn và lây lan nhanh hơn”.

Trước đó vài tuần, thế giới đã chấn động vì đợt bùng phát ransomware mang tên WannaCry, ảnh hưởng tới ít nhất 150 quốc gia.

Theo Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm