Tiễn đưa người cận vệ cuối cùng được Bác Hồ đặt tên Tạ Quang Chiến

13/06/2022 07:10 GMT+7 | Hồ sơ - Tư liệu

Ngày 14/6/2022, lễ viếng ông Tạ Quang Chiến - người cận vệ cuối cùng được Bác Hồ đặt tên sẽ diễn ra tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ông mất ngày 11/6/2022, hưởng thọ 98 tuổi. Xin vĩnh biệt người cận vệ cuối cùng đã hết lòng bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng kháng chiến gian truân nhất.

Hội thảo 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập-tự do-hạnh phúc'

Hội thảo 'Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập-tự do-hạnh phúc'

Sáng 31/8, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập-tự do-hạnh phúc” theo hình thức trực tuyến.

Ông Tạ Quang Chiến – người cận vệ kiên trung bên Bác   

Ông Tạ Quang Chiến tên thật là Nguyễn Hữu Văn, sinh ngày 2/5/1925 ở Thanh Hóa, nhưng quê gốc ở Hải Dương. Năm 10 tuổi, ông theo gia đình ra Hà Nội. Sớm giác ngộ cách mạng, ông tình nguyện tham gia tổ chức Thanh niên Cứu quốc, trước khi được tuyển vào Đội Tự vệ chiến đấu Hoàng Diệu.   

Năm 1945, ông được nhà cách mạng Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn vào tổ thư ký giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các ông Võ Chương, Vũ Long Chuẩn, Nguyễn Văn Lý, Văn Lâm, Ngọc Hà, Nguyễn Quang Chí và Trần Đình.   

Tháng 12/1946, sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… rời Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Đi cùng Bác chỉ có tám người, làm công tác văn phòng, thư ký, bảo vệ, liên lạc, hậu cần… phục vụ Bác.  

Chú thích ảnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí bảo vệ và giúp việc tại chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp

Sau hai tháng rời Hà Nội, Bác dừng chân tại một số địa điểm thuộc các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) và Phú Thọ, cùng Thường vụ Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.   

Đầu tháng 3/1947, Bác dừng chân ở xã Cổ Tiết, nằm bên sông Hồng, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Sáng 6/3/1947, Bác đã họp tất cả các đồng chí phục vụ, tháp tùng lại và nói: cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta mới bắt đầu và còn lâu dài, gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi. Từ hôm nay trở đi, để tỏ lòng quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và cũng là để giữ bí mật, Bác đặt tên cho các chú là Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi. ”. Anh thanh niên Nguyễn Hữu Văn mang tên Tạ Quang Chiến từ đó.   

Dù giữ vai trò cảnh vệ, song ông Tạ Quang Chiến cùng tổ cận vệ đảm nhiệm cả công tác văn phòng, thư ký, liên lạc và hậu cần với tinh thần một người thạo nhiều việc. Dù vậy, nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan trọng hơn cả.

Sinh thời, ông thường nói: "được Bác Hồ đặt lại tên là một kỷ niệm không thể nào quên và đó là niềm hạnh phúc lớn khi tôi được Bác khai sinh ra lần thứ hai".   

Suốt 12 năm, ông Tạ Quang Chiến cùng 7 thành viên khác của đội cận vệ hết lòng phục vụ và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày ở Việt Bắc, cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn và gian khổ. Ngoài trách nhiệm bảo vệ, ông Chiến cùng với đồng đội giữ cả nhiệm vụ lo cơm nước cho Bác và chăm sóc cho Bác những lúc ốm đau.   

Sau khi vinh dự bảo vệ và phục vụ Bác, năm 1957, ông được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về lịch sử Đảng, bảo vệ luận án tiến sĩ.   

Về nước, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như Vụ trưởng vụ Nghiên cứu Lịch sử Đảng thuộc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (1966-1973); Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (1981-1992). Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VII.   

Với sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang, ông đã vinh dự nhận được Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.   

75 năm đã trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đặt tên cho những người cận vệ là  “Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi” và cũng đã 53 năm Bác về với cõi người hiền, những người cận vệ bên Bác ngày nào cũng lần lượt ra đi. Và ngày 11/6/2022 ông Tạ Quang Chiến – người cận cuối cùng của Bác cũng đã qua đời.

Chú thích ảnh
Ông Tạ Quang Chiến

Tám người cận vệ được Bác đặt tên: “Trường-Kỳ-Kháng-Chiến-Nhất-Định-Thắng-Lợi”   

1. Người thứ nhất được Bác đặt tên Trường (Võ Trường), tên thật là Võ Chương, quê ở Huế. Trước cách mạng ông dạy học ở Thanh Hóa, tham gia Thanh niên cứu quốc rồi được điều động về bảo vệ Bác. Khi lên đến chiến khu Việt Bắc, ông chuyển sang làm tuyên huấn, bị bệnh nặng và mất năm 1949.

2. Người thứ hai tên Kỳ (Vũ Kỳ), tên thật là Vũ Long Chuẩn, quê ở Hà Đông, tham gia cách mạng từ năm 1941, bị bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945 vượt ngục, tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Ông làm thư ký cho Bác Hồ từ tháng 8/1945 cho đến khi Bác mất. Ông là Đại biểu Quốc hội khóa VIII, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông mất năm 2005.

3. Người thứ ba tên Kháng (Hoàng Hữu Kháng), quê ở Thái Bình, tên thật  là Nguyễn Văn Cao. Từng bị địch giam giữ tại nhà tù Sơn La, Chợ Chu (Thái Nguyên), sau vượt ngục, tham gia xây dựng chiến khu Việt Bắc. Từng là võ sư nên ông được giao làm đội trưởng đội bảo vệ Bác. Sau này, ông được phong thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ (Bộ Công an). Ông mất năm 1994.

4. Người thứ tư tên Chiến (Tạ Quang Chiến), tên thật là Nguyễn Hữu Văn. Ông có 12 năm bên Bác. Sau năm 1957, ông Chiến được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về lịch sử Đảng, bảo vệ luận án tiến sĩ rồi về làm Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Trong suốt cuộc đời hoạt động, ông cũng có hơn 50 năm trong vai trò là cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử khoa học xã hội và hiện nay là lịch sử tư tưởng Hồ Chí Minh.

5. Người thứ năm tên Nhất (Hồ Văn Nhất), dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn, tên thật là Hoàng Văn Phúc, là tự vệ căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, được điều động bảo vệ Bác từ tháng 5/1945 khi Bác từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Sau này, ông trở thành cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sau khi ông Võ Trường chuyển sang làm công tác khác, ông Hồ Văn Nhất được gọi là Hồ Văn Trường. Như vậy ông vừa có tên là Nhất vừa có tên là Trường. Sau này ông là cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông mất năm 1994.   

6. Người thứ sáu tên Định (Võ Viết Định), tên thật là Chu Phương Vương, là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, quê ở xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, được bảo vệ Bác từ tháng 8/1945, tới tháng 5/1952 chuyển công tác về địa phương.   

Sau này, có thời gian ông là Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Công ty Xây lắp cơ khí thuộc Khu liên hợp gang thép Thái Nguyên. Ông cũng đã mất.

7. Người thứ bảy được mang tên Thắng đầu tiên là ông Nguyễn Quang Chí, tức Nguyễn Văn Huy. Bảy tháng sau ngày được Bác Hồ đặt tên, ông chuyển công tác khác, nên ông Triệu Văn Cắt, tức Triệu Tiến Thọ, người dân tộc Mán, quê ở tỉnh Thái Nguyên được đặt tên thay, là Triệu Hồng Thắng.   

Sau năm 1954, ông Triệu Hồng Thắng được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Ông mất năm 1975.

8. Người thứ tám được Bác đặt tên Lợi (Trần Lợi), tên thật là Trần Đình, dân tộc Nùng, quê ở tỉnh Cao Bằng, nguyên là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bảo vệ Bác từ năm 1945 đến năm 1950 thì chuyển về địa phương. Ông mất trong kháng chiến chống thực dân Pháp.   

Ngọc Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm