Thụy Sĩ chia sẻ dữ liệu tài khoản ngân hàng với 66 quốc gia trong năm 2020

10/10/2020 14:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cục Thuế Liên bang Thụy Sĩ ngày 9/10 thông báo nước này đã chia sẻ chi tiết tài khoản tài chính với 66 quốc gia đối tác trong năm nay như một phần của hiệp ước trao đổi thông tin tự động toàn cầu.

Thụy Sĩ chi hơn 300 triệu USD để mua vaccine phòng COVID-19

Thụy Sĩ chi hơn 300 triệu USD để mua vaccine phòng COVID-19

Chính phủ Thụy Sĩ ngày 20/5 cho biết Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng nước này sẽ dẫn đầu những nỗ lực nhằm có được vaccine phòng bệnh COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Cục Thuế Liên bang Thụy Sĩ tiết lộ rằng họ đã cung cấp thông tin chi tiết về khoảng 3,1 triệu tài khoản ngân hàng do người nước ngoài (hoặc những người có hộ khẩu ở nước ngoài) nắm giữ cho quốc gia xuất xứ hoặc nơi cư trú của họ.

Khoảng 8.500 tổ chức tài chính như ngân hàng, quỹ tín thác và công ty bảo hiểm đã tham gia. Kỷ nguyên "bí mật" thông tin khách hàng của ngành ngân hàng Thụy Sĩ đã kết thúc kể từ năm 2017 khi nước này quyết định thực hiện một thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn chặn việc trốn thuế.

Chú thích ảnh
Trụ sở ngân hàng UBS ở Zurich, Thụy Sĩ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cục Quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ tuyên bố: "Thông tin nhận dạng, tài khoản và tài chính được trao đổi, bao gồm tên, địa chỉ, quốc gia cư trú và mã số thuế, cũng như thông tin liên quan đến báo cáo tổ chức tài chính, số dư tài khoản và thu nhập vốn".

Đổi lại, Thụy Sĩ cũng nhận được thông tin về chi tiết tài chính ngân hàng của khoảng 815.000 tài khoản do công dân/cư dân Thụy Sĩ ở 86 quốc gia đối tác nắm giữ. Con số này thấp hơn nhiều so với năm trước khi Thụy Sĩ nhận được dữ liệu về 2,4 triệu tài khoản ở 75 quốc gia đối tác.

Điều này là do 38 quốc gia đã hoãn chia sẻ dữ liệu với Thụy Sĩ do những khó khăn kỹ thuật vì đại dịch COVID-19 gây ra. Dự kiến, những quốc gia này sẽ cung cấp dữ liệu vào cuối năm.

Bên cạnh đó, Thụy Sĩ đã nhận được thông tin từ 20 quốc gia nhưng không đáp lại “do các quốc gia đó chưa đáp ứng các yêu cầu quốc tế về bảo mật và an toàn dữ liệu (9 quốc gia) hoặc vì họ đã chọn không nhận dữ liệu (11 quốc gia)”.

Trao đổi thông tin tự động sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền thông tin của người nộp thuế từ quyền tài phán xuất xứ sang quyền tài phán cư trú của người nộp thuế. Nó sẽ giúp các cơ quan quản lý có thông tin về thuế từ các chủ tài khoản không cư trú.

 Tố Uyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm