Thế giới gần 190 triệu ca mắc Covid-19, hơn 4 triệu người chết

15/07/2021 12:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 15/7 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận 189.134.884 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.074.004 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 172.775.449 người.            

Thế giới hơn 188 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 4 triệu người đã chết

Thế giới hơn 188 triệu ca nhiễm Covid-19, hơn 4 triệu người đã chết

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 14/7 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận 188.571.671 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.065.192 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 172.402.091 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 623.810 ca tử vong trong tổng số 34.847.492 ca nhiễm. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố số liệu mới nhất cho thấy hơn 160 triệu người ở nước này đã được tiêm chủng đầy đủ.

Theo dữ liệu của CDC, hiện có 160.126.516 người được tiêm chủng đầy đủ, tương đương 48,2% tổng dân số Mỹ. Tốc độ tiêm chủng hiện nay trong mức tính trung bình 7 ngày là 316.906 người được tiêm chủng đầy đủ/ngày. Cũng theo CDC, mỗi ngày có 548.045 liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng.       

Sau Mỹ là Ấn Độ với 30.986.803 ca bệnh và 412.019 ca tử vong; Brazil có 537.498 ca tử vong trong số 19.209.729 bệnh nhân.  

Tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư nước này Luhut Binsar Pandjaitan cho biết Tổng thống Joko Widodo trong ngày 15/7 sẽ phát động chương trình gửi thuốc cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ. Ông Pandjaitan nêu rõ 300.000 gói thuốc sẽ được phân phát hàng tuần cho 210.000 bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/ TTXVN

Cụ thể là loại thứ nhất dành cho những người không có triệu chứng (chiếm 10%), loại thứ hai dành cho những người bị sốt và mất khứu giác (60%) và loại thứ ba dành cho những người bị sốt và ho (30%). Đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 2.670.046 ca mắc, trong đó có 69.210 ca tử vong.       

Tại Israel, giới chức y tế đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine của Pfizer/BioNTech thứ ba cho các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này tăng trở lại trong những ngày gần đây do biến thể Delta. Đối tượng được tiêm bao gồm những người từng được ghép tim, phổi, thận hoặc có bệnh nền như ung thư, dễ bị nhiễm virus. Trung tâm Y tế Sheba – bệnh viện lớn nhất tại Israel - đã trở thành nơi thực hiện tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech mũi thứ ba đầu tiên trên thế giới.          

Đến nay, Israel đã hoàn thành việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho gần 60% dân số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 300.000 thiếu niên trong độ tuổi 12-15 và 100.000 người 16-19 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine. Biến thể Delta đang khiến số ca nhiễm COVID-19 mới tại Israel tăng mạnh sau một thời gian dài giảm xuống mức gần như đã được kiểm soát. Đặc biệt, trong 2 ngày qua số ca mắc mới tại nước này vẫn trên mức 550 ca. Hiện Israel ghi nhận 848.322 ca mắc với 6.441 ca không qua khỏi.       

Tại Séc, Bộ Y tế cho biết ngày 13/7 nước này đã ghi nhận thêm 317 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Kể từ ngày 8/6, đây là lần đầu tiên mức tăng hằng ngày vượt quá 300 ca. Hệ số lây nhiễm tăng trở lại lên con số cao nhất trong năm nay là 1,45. Tỷ lệ người bị nhiễm trên toàn quốc trong tuần qua ở mức 16/100.000 dân, cao hơn 200 ca so với cùng thời điểm tuần trước. Tuy nhiên, ngày 6/7 là sau kỳ nghỉ lễ và ít xét nghiệm hơn.

Các phòng thí nghiệm đã thực hiện khoảng 84.000 xét nghiệm trong tuần này, tăng so với khoảng 39.000 của tuần trước. Từ khi bùng phát dịch vào tháng 3/2020, Séc ghi nhận tổng số 1.670.073 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.637.367 người đã bình phục. Kể từ khi bắt đầu tiêm chủng vào tháng 12/2020, ngành y tế nước này đã tiêm 9.156.505 liều vaccine và gần 3,9 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.       

Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh chương trình tiêm chủng khi cho rằng việc tiêm đủ 2 liều vaccine của các hãng dược phẩm đã được cấp phép lưu hành là rất quan trọng để có thể bảo vệ tối đa trước biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.          

Nhận định Delta là "biến thể đáng quan ngại", EMA cho biết biến thể này đang lây lan nhanh chóng tại châu Âu và có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đã đạt được. Do đó, EMA kêu gọi các quốc gia phải tăng tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 để giảm nguy cơ xuất hiện thêm các biến thể mới.

Nguyễn Hằng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm