Tân Thủ tướng Anh Theresa May: 'Tôi không phải là một chính trị gia màu mè'

13/07/2016 06:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bà Theresa May (59 tuổi) đã trở thành nhà lãnh đạo mới của Đảng Bảo thủ và ngày 13/7 bà trở thành nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử của nước Anh. Bà đảm trách vai trò này trong giai đoạn chính trị nhiều biến động khi nước Anh đang rời Liên minh châu Âu (EU).

Đáng lẽ ra bà phải đợi đến ít nhất là năm 2018 mới có thể bước chân vào Dinh Thủ tướng ở phố Downing. Tuy nhiên, sau khi nước Anh rời khỏi EU sau cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng David Cameron tuyên bố rời nhiệm sở vào ngày 13/7 và sau sự rút lui của bà Bộ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom, bà May đã trở thành người kế nhiệm ông David Cameron.


Thủ tướng mới của nước Anh Theresa May

Cứng rắn trong chính trị

Bà May sinh ngày 1/10/1956. Bà kết hôn với giám đốc ngân hàng Philip May năm 1980. Vợ chồng bà đều có sở thích nhảy cricket và họ gặp nhau tại một bữa tiệc khiêu vũ của đảng Bảo thủ hồi năm 1976.

Bà May tốt nghiệp trường Đại học Oxford và năm 1986, bà bắt đầu hoạt động chính trị. Tham vọng chính trị bà May đã được nuôi dưỡng từ khi bà còn ngồi trên giảng đường đại học và điều này vẫn được bạn học của bà nhớ đến. Năm 1997, bà được bầu làm thành viên Quốc hội của đảng Bảo thủ. Bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ hồi năm 2010.

Khi mới bước vào chính trường, bà đã nổi tiếng về gout thời trang tinh tế, đặc biệt là cách lựa chọn giày dép. Tạp chí Vogue là ấn phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của bà.

Nhiều người ở Downing Street từng lo lắng rằng Bộ Nội vụ trở thành “thái ấp” riêng của bà, song bà đã gây dựng được lòng tin của các bộ trưởng và được xem là người “không thể lung lay”. Cách nói chuyện cứng rắn của bà cũng nhận được sự ủng hộ của công chúng. Bà tạo nên vị thế chính trị của mình bằng tính bền bỉ và sự cứng rắn trong nhiều vấn đề.

Thời gian bà làm Bộ trưởng Nội vụ, số tội phạm ở Anh cũng giảm đáng kể và đất nước cũng tránh được các cuộc tấn công khủng bố lớn. Năm 2013, bà đã trục xuất giáo sĩ cực đoan Abu Qatada, một hành động được coi là cứng rắn. Hồi năm 2014, bà từng gây kinh ngạc tại hội nghị thường niên của Liên đoàn Cảnh sát khi đề cập đến những chuyện tham nhũng và cảnh báo sẽ tước bỏ quyền tuyển dụng nhân viên của liên đoàn cảnh sát nếu như tình trạng tham nhũng tiếp diễn.

Cách nhìn nhận xã hội khá “thoáng”

Bà May hiếm khi cởi mở nói về cuộc sống riêng của mình, tuy nhiên, năm 2013, bà tiết lộ đã bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường mức 1 và hàng ngày phải tiêm thuốc insulin 2 lần. Nhưng bà khẳng định căn bệnh này không làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của bà.

Trái ngược với các quan điểm chính trị, cách nhìn nhận xã hội của bà lại khá “thoáng”. Bà ủng hộ hôn nhân đồng giới. Hồi năm 2012, bà lên tiếng kêu gọi nới lỏng lệnh cấm phá thai. Hay cùng với nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ khác, bà đã bỏ phiếu chống lại lệnh cấm săn cáo.

Có điều không thể chối cãi là ở tuổi 59, bà May sẽ là nhà lãnh đạo lớn tuổi nhất bước vào Dinh Thủ tướng, kể từ sau khi James Callaghan giữ cương vị này hồi năm 1976, ở tuổi 68. Và bà sẽ là Thủ tướng Anh đầu tiên không có con sau Ted Heath.

Giống như bà đầm thép Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến 1990, bà May là một người cực kỳ ham mê công việc. “Tôi không phải là một chính trị gia màu mè. Tôi không đi hết đài truyền hình này tới đài truyền hình khác. Trong giờ ăn trưa, tôi không bàn tán về người khác. Tôi không đi uống ở các quán bar quanh Nghị viện. Tôi là Theresa May. Tôi nghĩ mình là người xuất sắc nhất để lãnh đạo đất nước này” - tờ Telegraph trích đăng lời của bà May.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm