Tạm ứng 18 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa phục vụ Tết

01/11/2019 13:56 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch tạm ứng vốn ngân sách địa phương với kinh phí 18 tỷ đồng hỗ trợ 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vay với lãi suất 0% trong vòng 3 tháng, để mua hàng hóa thiết yếu dự trữ.

Dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán

Những năm gần đây, tình hình biến động giá cả tương đối ổn định, kể cả dịp lễ, Tết. Để chủ động nguồn hàng và đảm bảo giá cả trong dịp cuối năm, ngay từ tháng 9, 10, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ dịp lễ, Tết.

Điều này nhằm góp phần bình ổn giá; đồng thời đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là người dân vùng nông thôn, miền núi trong dịp Tết.

UBND tỉnh Ninh Thuận xác định, hàng hóa thực hiện bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán được tập trung vào 8 nhóm mặt hàng thiết yếu, là: gạo, gạo nếp, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau, củ, quả tươi.

Tất cả sản phẩm tham gia bình ổn phải được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn chất lượng, giá cả phù hợp, ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu và đáp ứng nhu cầu của người dân kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

Các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi chủ động thực hiện dự trữ hàng hóa, đảm bảo cung ứng đủ cho thị trường trong dịp Tết; ưu tiên khai thác nguồn hàng của doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh; đồng thời chủ động khai thác hàng hóa của các tỉnh bạn, nhằm bù đắp lượng hàng thiếu hụt của tỉnh.

Chú thích ảnh
Người dân mua sắm tại siêu thị. Ảnh: Đỗ Phương Anh-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết, ngoài nguồn vốn vay ưu đãi trên, UBND tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, doanh nghiệp, các hợp tác xã được vay vốn với hạn mức và lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh để sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối phục vụ bình ổn theo chương trình bình ổn giá của tỉnh.

Được tiếp cận vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp, hợp tác xã phải cam kết sử dụng vốn đúng mục đích, cam kết cung ứng đúng, đủ, đảm bảo lượng hàng tham gia bình ổn. Nếu vi phạm phải hoàn trả toàn bộ vốn vay cho tỉnh đúng hạn, nếu không sẽ phải chịu mức lãi suất nợ quá hạn (bằng 150% lãi suất cơ bản) theo quy định pháp luật hiện hành.  

UBND tỉnh Ninh Thuận khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển mạng lưới điểm bán hàng, đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng; chú trọng phát triển điểm bán tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, chú trọng thực hiện nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn phục vụ người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh.

Công Thử/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm