Tâm thần học đường (Kỳ 2): Nỗi ám ảnh... thi cử

27/07/2010 07:43 GMT+7 | Thế giới

Quy luật học vấn tại nước ta được gói gọn như sau, tốt nghiệp tiểu học thì học tiếp THCS,  hết THCS thì nhào qua THPT, xong THPT lên tiếp đại học. Và ra trường. Mệnh đề sau khi ra trường là thất nghiệp hay có việc làm thì còn phải tùy năng lực của từng người. Nhưng, yếu tố tiên quyết nhất là vào THCS mà phải là trường chuyên, THPT trường điểm rồi lên tiếp đại học.

Chính vì chuyện "thi đại học bất thăng... nhãn", "bất trường điểm không thành học sinh" này, đã khiến nhiều học sinh phải nhập viện vì... tâm thần(!).

1. Câu chuyện của thí sinh (TS) Nguyễn Hồ Phương Anh, TS dự thi vào Học viện Hàng không trong đợt tuyển sinh đại học vừa qua khiến nhiều người phải suy nghĩ về kỳ thi mà đa phần các học sinh đều cho rằng đây là bước ngoặt của cuộc đời mình.

Nguyễn Hồ Phương Anh đi thi tuyển sinh trong tình trạng bị viêm ruột thừa cấp. Chẩn đoán của BS Bệnh viện Hoàn Mỹ: "Viêm ruột thừa cấp giờ thứ 15". Theo hồ sơ bệnh án thì trong ngày 4/7 em sẽ phải lên bàn mổ lúc 16h. Chính Phương Anh cũng biết mình bị viêm ruột thừa, nhưng em  khẩn khoản xin Hội đồng thi cho mình thi xong môn Lý và sẽ sang bệnh viện để mổ nội soi vào lúc 16h. 15h30’, TS này bước ra khỏi phòng thi, thì 16h, Phương Anh phải lên bàn mổ nội soi để cắt bỏ phần ruột bị viêm.

Trước khi lên bàn mổ, Phương Anh còn xác tín với Hội đồng thi rằng, sáng mai em sẽ có mặt để thi môn cuối cùng. Bởi, Phương Anh tin rằng chuyện mổ nội soi cũng đơn giản như chuyện...  sát trùng vết thương. Nhưng hơn hết, chính là chuyện Phương Anh không muốn bỏ lỡ kỳ thi quan trọng này.

Sáng hôm sau, Phương Anh đến phòng thi rất đúng giờ, mang theo cả vết thương mới mổ chiều qua. Làm bài được hơn một giờ, thì Phương Anh có dấu hiệu bị suy nhược cơ thể, tụt huyết áp. Ngay lập tức, TS này được các cán bộ ở hội đồng thi cùng nhân viên an ninh đưa đi bệnh viện.

Không chỉ Phương Anh, theo Cơ quan Đại diện Bộ GD&ĐT  tại TP HCM cho biết thì ở điểm thi tại Đại học TP Cần Thơ, cũng có trường hợp một TS đi thi sau khi vừa mổ cấp cứu cách đó... 2 ngày. Hay tại điểm thi THCS Cù Chính Lan thuộc Hội đồng thi Đại học Giao thông - Vận tải vào 8h15’, một trường hợp TS bị ngất ngay trong giờ làm bài. Đó là TS Nguyễn Văn Khuyến, SBD: TS A 05156 (ngụ huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Khuyến đã được đưa lên chăm sóc tại phòng hội đồng và sau khi tỉnh lại đã tiếp tục xin quay trở lại phòng làm bài cho tới khi kết thúc giờ thi toán.


Mệt mỏi, một thí sinh ngủ ngay tại phòng thi trong kỳ thi đại học vừa qua

Nghĩa là rất nhiều TS mang nặng trọng trách là sự kỳ vọng của gia đình cho cuộc thi quan trọng như "sinh mệnh" này. Và cứ sau mỗi kỳ thi đại học, giới truyền thông lại loan tin ở địa phương này một nam sinh tự tử vì rớt đại học, một nữ sinh kia nhảy cầu tự vẫn vì không có tên trúng tuyển... Từ một cuộc thi sát hạch kiến thức, sự kỳ vọng của các bậc làm cha mẹ và của cả xã hội đã biến nó thành một cửa ải đầy cam go dường như chỉ dành cho những học sinh có tinh thần thép và một thể lực tương đương với... vận động viên cử tạ. Nhiều trường hợp TS thi đại học, đang thi giữa chừng thì... ngất xỉu vì mệt. Sau khi xuống phòng y tế nằm chốc lát, tỉnh lại, TS này nhanh chóng trở lại phòng để... thi tiếp.

Nguyễn Minh Hải vừa tốt nghiệp THPT, quê ở Đồng Nai, bố mẹ đều là nông dân. Hải được gia đình gom góp cho một ít tiền, vài chục ký gạo, một ít khô cùng bạn bè lên Sài Gòn... luyện thi cấp tốc để hy vọng vào Đại học Kinh tế.

Một tuần trước khi kỳ thi diễn ra, Hải về quê thăm gia đình. Và ngay thời điểm này, gia đình Hải đã linh cảm chuyện bất thường xảy ra với con trai mình. Hải thường lảm nhảm một mình và nghi ngờ có người đang muốn "lấy mạng" Hải để trả thù chuyện gì đó. Hải làm căng thẳng đến độ đi lòng vòng trong xóm, Hải cũng thủ... dao theo người để phòng thân. Cực chẳng đã, gia đình Hải phải vội vã thuê xe, mang Hải lên TP HCM nhờ sự can thiệp của bác sĩ. Kết quả, Hải bị tâm thần phân liệt thể hoang tưởng loại nhẹ.


Dò hỏi, bạn bè Hải cho biết từ khi lên Sài Gòn, gần như Hải thức suốt đêm để học. Bất cứ khi nào, cậu cũng than vãn về cảnh nghèo của gia đình mình, về sự cực khổ của bố mẹ khi chạy vạy khắp nơi kiếm tiền cho cậu lên thành phố luyện thi, nếu mà đợt này thi rớt, Hải sẽ... đi chết để tạ tội với người thân.

Thêm chuyện khác. Một năm trước, Phan Tín Viễn thi trượt đại học. Điều đáng buồn nhất là trong những năm học phổ thông, Viễn học tại một trường chuyên ở TP HCM, ngôi trường mà tỉ lệ đậu đại học của các học sinh bao giờ cũng suýt soát trên 90%, thì đen đủi thay, Viễn lại nằm trong số 10% thí sinh trượt đại học.

Sau cú sốc thi trượt ấy, Viễn chỉ ở lì trong phòng mình. Tuyệt nhiên không hề tiếp xúc với bất kỳ thành viên nào trong gia đình, kể cả bạn bè. Vài tháng sau, Viễn mang khuôn mặt hân hoan xuống phòng ăn của gia đình và trịnh trọng tuyên bố "Tớ là VIP (nhân vật quan trọng) thứ thiệt".


Rồi gần như từ sáng đến chiều, Viễn chỉ ở ngoài đường. Khi thì đi xe máy đâu đó, lúc thì đi xe ôm. Gia đình ban đầu cho rằng Viễn chỉ đi chơi cho vui, càng về sau, họ càng lo lắng trước cơn hưng phấn bất thường của Viễn. Một thành viên trong gia đình được cắt cử theo dõi Viễn. Kết quả, là rất bất ngờ.

Hóa ra, sáng nào Viễn cũng ăn mặc trịnh trọng, phóng xe một mạch đến một trường đại học gần nhà. La cà ở các quán cà phê cóc, vào cả căng-tin trường để trò chuyện với các sinh viên. Câu chuyện xoay quanh chuyện... gián điệp.

"Tui là gián điệp của Hy Lạp. Tui đang làm nhiệm vụ rất quan trọng, các người hãy ngồi im nghe tui nói. Có khả năng tui sẽ bị thủ tiêu nên câu chuyện của tui kể cho các người rất bí mật. Hiện tại, tui đang giữ một hồ sơ để chế tạo... bom nguyên tử. Tui sẽ chuyển cho các người trong nay mai. Đặc biệt phải giữ bí mật. Bố mẹ tui cũng là gián điệp cho một số nước thuộc... Liên Hiệp Quốc", nói xong Viễn bỏ đi trước cặp mắt kinh ngạc đến... hốt hoảng của các sinh viên.

Sau khi nghe "thám tử bất đắc dĩ" báo cáo lại toàn bộ câu chuyện. Gia đình Viễn cấp tốc đưa Viễn vào bệnh viện tâm thần để điều trị. Với họ, giờ là chuyện giành lại sự tỉnh táo cho Viễn, chứ không phải là chuyện chăm chăm vào... tấm thẻ sinh viên như họ từng mơ ước.


2.  Còn rất nhiều những câu chuyện bi hài liên quan đến chuyện thi cử, học hành của học sinh trước con mắt "kiêu hãnh” của các bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, dưới con mắt của các chuyên gia, các bác sĩ thì đã đến lúc, câu chuyện "tâm thần học đường" cần thiết phải được quan tâm đúng mức.

Tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Viện Y tế vệ sinh công cộng tổ chức ngày 25/6 ở TP HCM, BS Hồ Hữu Tính cho biết: Nghiên cứu của Công ty Hoffmann - La Roche năm 2002, 52% người bị stress trong cả nước, ở Hà Nội và TP HCM là 55% và 52%. Đó là chuyện chung, còn chuyện riêng của học sinh thì rất đáng quan ngại.

Xác định "thực trạng stress lo âu và những liên quan đến stress lo âu" của học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu, Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào tháng 4/2009 của BS Tính cho thấy qua nghiên cứu khảo sát 297 học sinh tại 25 lớp 12, mỗi lớp trung bình 45 học sinh, tỉ lệ stress lo âu: chiếm 38% học sinh. Lo âu nhiều vấn đề: stress lo âu với giới tính; có stress lo âu về học lực; lo âu vì sức khỏe người thân; nhất là với những áp lực (kỳ vọng) học tập từ gia đình, áp lực học tập cũng như áp lực thi cử.

Cuộc khảo sát do Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe (TTTTGDSK) (Sở Y tế TP HCM) phối hợp với Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM thực hiện gần đây cũng cho thấy: 21% học sinh trung học bị trầm cảm. Một nghiên cứu khác của BS Nguyễn Công Khanh cho thấy, có 17,74%-18,81% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu. Hay một nghiên cứu của BS Nguyễn Thị Hằng Phương thể hiện 13,14% học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội có biểu hiện lo âu.

Tất nhiên là những con số đáng lo ngại liên quan đến "cơn bấn loạn sách vở" không chỉ dừng lại ở những con số. Các câu chuyện không riêng biệt liên quan đến những bi kịch học sinh cho phép nhìn nhận lối chuộng bằng cấp tại một đất nước coi trọng khoa cử như ở nước ta.

Chưa có con số thống kê đầy đủ nhưng theo thông tin từ Bệnh viện Tâm thần TP HCM -  Khoa Tư vấn tâm lý và TTTTGDSK  mỗi năm có khoảng 10.000 trẻ mắc bệnh hoặc có liên quan tới vấn đề sức khỏe tâm thần tới xin khám, điều trị và tư vấn.

Một khảo sát cách đây không lâu của Trường đại Học Y Dược TPHCM và Khoa Tâm lý Bệnh viện Tâm thần TP HCM trên 1.000 học sinh tại 9 trường THCS tại quận 1, yếu tố gây sang chấn tâm thần sau stress ở học sinh do cha mẹ la rầy chiếm gần 50%. Triệu chứng đầu tiên là đau bụng, đau đầu... dần tới không ngủ hay ngủ li bì, bỏ ăn, chán chường... nói cười vô cớ, có hành động bất thường... và khi mức độ sang chấn quá nặng không được tư vấn tâm lý trị liệu dẫn tới hành động nhảy lầu tự tử, nhảy sông, uống thuốc sâu, thuốc ngủ...

BS Nguyễn Ngọc Quang (Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM) nói vui: Muốn bệnh nhân hết triệu chứng "khinh người" không thèm nói thì phải "mồi" kích thích nếu không thì bệnh nhân chẳng thèm nói chuyện với ai, chẳng ăn uống cũng chẳng có biểu hiện đòi hỏi gì! Thần kinh bị ức chế khiến những bệnh nhân mắc chứng rối loạn trầm cảm ở lứa tuổi học trò thường không nói, mắt vô hồn. Có em ngồi trầm ngâm như một pho tượng cả ngày. Mà có khi đứng suốt cả ngày như vậy ngã vập người  xuống thì thôi. BS có cố gắng điều trị bằng giải pháp tâm lý để bệnh nhân đi vệ sinh, ăn cơm, uống nước hay trả lời vài câu nhưng tất cả đều chỉ là những phản xạ vô hồn, không còn bình thường.


Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang


Theo BS Ngọc Quang, trước hết gia đình cần quan tâm sâu sát tới con. Phát hiện ra những triệu chứng bất thường đầu tiên ở con mình. Khóc, cười vô cớ, rối loạn giấc ngủ, thức khuya, mất trí nhớ, rối loạn tiêu tiểu, hay rối loạn tư duy như: nói nhiều, nói linh tinh... cần đưa tới Bệnh viện Tâm thần chuyên khoa để điều trị.

BS Quang cũng cảnh báo tới các bậc phụ huynh:  tránh tâm lý mặc cảm là đưa con vào Bệnh viện Tâm thần là vào trại thương điên. Cần nhất là không được hoảng sợ mà cần hợp tác trước hết với những đòi hỏi của con, thuyết phục tới bệnh viện cho bác sĩ kiểm tra. Những thống kê cho thấy vì đa số ngại không đưa con tới BV Tâm thần mà tự điều trị không chuyên khoa nên khi đem tới bệnh viện đã quá muộn, điều trị rất khó.

Còn theo BS Lê Minh Công, Phó khoa Tâm lý lâm sàng thuộc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, mỗi trường hợp điều trị các chứng thuộc dạng "tâm thần học đường" đều cần sự tận tâm và lâu dài (nếu đã mắc phải một rối loạn tâm thần). Và khi điều trị, các bậc phụ huynh thật sự phải là nơi chia sẻ của con cái, để các em có thể giãi bày những khó khăn và áp lực của cuộc sống.

“Riêng với ngành giáo dục, tôi nghĩ rằng cần phải cải tiến chế độ đánh giá thi cử một cách rõ ràng và minh bạch. Làm sao tạo điều kiện để các em học hành và thi cử một cách thoải mái. Về phần mình, các bậc phụ huynh nên biết rằng, vấn đề di chứng của các rối loạn stress ở học sinh không thể nói trước vì mỗi ca có một tiên lượng khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, môi trường sống, sự cải thiện sau quá trình điều trị, yếu tố nhân cách của người bệnh mà bác sĩ và cả gia đình cần phối hợp chặt chẽ mới có hiệu quả", BS Công nói.

Cũng theo BS Công, giáo dục hiện tại quá coi trọng đào tạo tri thức mà quên đào tạo đạo đức, giá trị sống, các kỹ năng mềm,...  Như vậy, các em sẽ rất khó khăn trong việc ứng xử với các tình huống cuộc sống. Vô hình trung, học sinh sẽ sống xa rời thực tế và không có các kỹ năng tạo dựng cuộc sống tốt đẹp.

"Bên cạnh đó, việc thành lập các phòng tham vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, đến nay xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục vẫn chưa thật sự quan tâm một cách sâu sắc. Nhiều trường hợp nếu được hỗ trợ tâm lý từ trường học thì các em sẽ không rơi vào các tình trạng đau lòng. Vì thế, tôi cho rằng, đã đến lúc phải làm một cách thực sự việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh thông qua các phòng tâm lý học đường", BS Công kiến nghị.

(Theo CAND)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm