Ô nhiễm sông Thị Vải: Bao giờ Vedan hết “đắng”?

12/05/2009 08:33 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, BR-VT, TP.HCM và Cty Vedan hôm qua tại TP.HCM, lãnh đạo Bộ TN&MT cũng như các tỉnh đều nhận xét: Thời gian qua Vedan đã nỗ lực khắc phục hậu quả gây ô nhiễm môi trường và đã có tín hiệu tốt từ sự “hồi sinh” của sông Thị Vải, nhưng những nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh và ảnh hưởng đến môi trường của Vedan còn cao.

Bộ trưởng TN&MT Phạm Khôi Nguyên xem xét thủy sản trên sông Thị Vải


Theo báo cáo, sau 6 tháng, Tổ công tác liên ngành đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả vi phạm của Cty Vedan. Đến nay, Vedan đã nộp 267, 5 triệu đồng tiền phạt vi phạm hành chính và 50% số phí bảo vệ môi trường trốn nộp trong năm 2008 và quí I/2009, tương đương với khoảng 78 tỷ đồng. Vedan đã tháo bỏ toàn hệ thống ống ngầm dài trên 2.200m, 4 máy bơm và 3 họng xả chất thải ngầm cắm sâu xuống sông Thị Vải khoảng 10m, dừng việc thải nước thải vào hệ thống 21 hồ sinh học không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và tháo bỏ các tang vật vi phạm khác. Về đầu tư bổ sung công trình xử lý chất thải, Vedan đã và đang thực hiện cải tạo và nâng cấp 4 công trình xử lý nước thải cũ đã có và xây dựng mới 2 công trình xử lý nước thải với công suất 2.500 m3/ngày đêm. Vedan cũng đã lập và trình duyệt 9 đề án bảo vệ môi trường và 2 báo cáo đánh giá tác động môi trường lên Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai. Chất lượng nước sông Thị Vải đang dần được cải thiện.

Kết quả quan trắc cho thấy các thông số như: ôxy hòa tan (DO), nhiệt độ, độ muối, độ đục…đã cho thấy sự “hồi sinh” của sông Thị Vải đang tiến triển nhanh và khẳng định nguồn ô nhiễm đã được hạn chế đáng kể. Nhưng sự cải thiện này chưa hoàn toàn đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn nhà nước về môi trường (TCVN 5945:2005, cột B).


Đối với hệ thống 21 hồ sinh học (trên diện tích 14 ha), Vedan đã ngừng sử dụng hệ thống các hồ này và đang thử nghiệm các biện pháp cải tạo hiệu quả xử lý trong giai đoạn phòng thí nghiệm, chưa có kết quả sau cùng. Ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng bộ TN&MT cho biết: tình trạng 21 hồ sinh học yếm khí chứa nước thải không được xử lý, đây là nguồn độc hại tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và có thể gây bệnh. Do vậy, cần phải nhanh chóng đưa công nghệ xử lý ngay. Bên cạnh đó, phải xem xét lại việc sử dụng 14 ha đất này của Vedan có lãng phí hay không. Mặt khác, việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường cho nông dân, Vedan đã có văn bản số 0370/09/CV-VDN ngày 9/4/2009, trong đó đồng ý mức chi hỗ trợ trực tiếp là 20 tỷ và hỗ trợ gián tiếp là 5 tỷ cho nông dân thuộc 3 tỉnh, thành (TP.HCM, BR-VT và Đồng Nai). Thế nhưng mức hỗ trợ này chưa được đông đảo người dân đồng tình. Bên cạnh đó, việc chỉ sử dụng cụm từ “hỗ trợ” trong văn bản trên là chưa rõ được trách nhiệm của Công ty Vedan.

Hiện nay, tại tỉnh BR – VT có khoảng 3.000 người dân bị ảnh hưởng bởi sai phạm của Công ty Vedan. Ông Huỳnh Ngọc Thới, cho biết sắp tới sẽ phân loại rõ đối tượng nào là được Vedan đền bù hoặc hỗ trợ. Tổng Cục môi trường đã đề nghị chuyển toàn bộ kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí bảo vệ môi trường trốn nộp của Vedan về Quỹ Bảo vệ môi trưởng Việt Nam trong quý II năm 2009.

Anh Đức – Phan Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm