Nước Pháp nổi đóa vì 'những đoàn tàu béo bụng'

22/05/2014 07:13 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Câu nói "sai một ly đi một dặm" đã vừa có một ví dụ minh họa không thể hoàn hảo hơn tại ngành đường sắt của Pháp, khi một tính toán nhầm lẫn với sai số rất bé, vẫn khiến giới chức Pháp đỏ mặt, đất nước chịu thiệt hại hàng chục triệu đô la còn người đóng thuế thì nổi đóa.

Công ty đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), nơi điều hành các đoàn tàu cao tốc TGV danh tiếng, đã khiến dư luận thấy buồn cười, kỳ cục và cả tức giận, sau khi cho sản xuất một thế hệ các đoàn tàu địa phương mới có bề ngang quá rộng, khiến chúng nhiều khả năng không đi vào được 1.300 nhà ga.

"Làm ơn hóp bụng"

Sự cố gây kinh ngạc này đã bị tuần báo trào phúng Le Canard Enchaine phanh phui hôm 21/5. Tờ báo đã đăng một bức hình biếm họa với cảnh rất đông hành khách đứng trên một sân ga đông người nhận được thông báo: "Đoàn tàu Paris-Brest đang vào ga. Làm ơn hóp bụng vào giùm".

Sai lầm nằm trong kế hoạch cải tổ Các đoàn tàu tốc hành địa phương của Pháp (TER) trị giá 15 tỷ euro. Dự án chế tạo các đoàn tàu mới sau đó được trao cho công ty sản xuất tàu hỏa Alstom của Pháp và công ty sản xuất tàu hỏa Bombardier của Canada. Các thiết kế mẫu tàu mới đã được dựa trên thông số do SNCF cung cấp.


Sự cố nằm trong dự án cải tổ tàu tốc hành địa phương của Pháp

Biết được rằng một số nhà ga địa phương ở Pháp có nhiều hình dạng và kích thước không thống nhất, SNCF đã yêu cầu nhà điều hành tàu hỏa địa phương là Reseau ferre de France (RFF), nơi phụ trách quản lý các đường ray trên toàn nước Pháp, tính toán thông số chuẩn cho các đoàn tàu mới.

Dựa trên thông tin tư vấn của RFF, rằng độ rộng giữa sân ga và đường ray ở các nhà ga chỉ khác biệt nhau chừng 10 cm, SNCF lập tức kết luận rằng những đoàn tàu mới có thể rộng hơn 20 cm so với tàu thế hệ trước.

Tuy nhiên khi đưa ra kết luận này, SNCF quên mất rằng khoảng 1.300 nhà ga ở Pháp đã được xây dựng cách đây hơn 50 năm và khoảng cách giữa đường ray với sân ga vì thế mà hẹp hơn nhiều so với tiêu chuẩn hiện nay. "Các kỹ sư thông thái của SNCF đã quên không đi khảo sát thực địa" - Le Canard châm chọc.

Chiếc Ferrari không vừa gara

SNCF từng nhận được cảnh báo của Hiệp hội các khu vực địa phương Pháp (ARF) về việc các đoàn tàu mới có thể bị mắc kẹt khi vào ga do thân chúng quá rộng. Tuy nhiên họ vẫn tiến hành sản xuất các đoàn tàu mới.

Hôm 21/5, SNCF cho biết họ mới chỉ đặt mua 341 đoàn tàu. Nhưng theo Le Canard, con số thực là 1.860 đoàn tàu. "SNCF mới chỉ tiết lộ về số đoàn tàu đã được bàn giao, bởi hoạt động sản xuất tàu bị trì hoãn nhiều lần và điều này giải thích sự khác biệt giữa thông tin của hai bên" - ông Alain Guede của tờ Le Canard cho biết.

Hiện nay khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các đoàn tàu béo bụng là Midi-Pyrenees nằm ở Trung Tây nước Pháp. Chính quyền trung ương mới chi có 500 triệu euro để hiện đại hóa mạng đường sắt nơi đây. Trong khi đó tại thành phố Lyon ở Đông Nam đất nước, các sân ga đã được mở rộng để tránh nguy cơ đoàn tàu mới mắc kẹt hoặc va chạm khi chúng di chuyển qua.

Sau khi bê bối được phát hiện, RFF âm thầm "cắt gọt" có hệ thống nhiều sân ga và tới nay đã xử lý khoảng 300 nhà ga. Tuy nhiên do bị Le Canard tung hê bí mật ra trước dư luận, SNCF và RFF đã phải thừa nhận rằng các đoàn tàu mới rộng rãi hơn, được chế tạo để "đáp ứng sự kỳ vọng của dư luận", đã làm phát sinh yêu cầu phải "hiện đại hóa 1.300 nhà ga trong tổng số 8.700 ga tàu thuộc mạng đường sắt của Pháp", với chi phí khoảng 50 triệu euro (68 triệu USD).

"Chúng tôi phát hiện vấn đề hơi muộn một chút" - Christophe Piednoel, phát ngôn viên RFF cho biết - "Chuyện giống như anh mua một chiếc xe sang Ferrari và muốn nhét nó vào trong gara, chỉ để nhận ra rằng gara không vừa, bởi trước đây anh chưa từng sắm một chiếc Ferrari. Nó cũng có nghĩa anh sẽ phải gọt bớt vài cm một sân ga hoặc di dời một hộp điện nằm quá gần mép sân ga”.

Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Bộ trưởng Bộ Giao thông Pháp Frederic Cuvillier đã gọi sự cố là "bi hài kịch". Ông đánh giá sự cố cho thấy "tình trạng không hoạt động bình thường" của hệ thống quản lý đường sắt ở Pháp hiện nay, trong đó SNCF và RFF là các thực thể riêng biệt, xem nhau như đối thủ không đội trời chung.

Một đề xuất hợp nhất 2 cơ quan này sẽ được gửi lên Quốc hội Pháp trong tháng tới, nhằm ngăn chặn các sự cố mất mặt tương tự. Tuy nhiên búa rìu chỉ trích đã thi nhau bay về phía SNCF.

Với việc Le Canard nói rằng chi phí sửa các sân ga sẽ còn lớn hơn mức 50 triệu euro mà SNCF công bố, chính khách Alain Rousset lãnh đạo ARF đã tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không trả một xu nào để giải quyết vấn đề này".

Jacques Rapoport, chủ tịch RFF, đã giảm nhẹ tầm nghiêm trọng của vụ việc, nói rằng sự cố sẽ không "ảnh hưởng gì tới các hành khách, giá vé hoặc người đóng thuế Pháp". Ông cũng nói rằng 50 triệu euro chỉ như "muối bỏ bể", chiếm vỏn vẹn 1% chi tiêu vào đường sắt của Pháp mỗi năm.

Tuy nhiên cách giải thích này đã không lọt lỗ tai Christophe Cambadelis, lãnh đạo Đảng Xã hội cầm quyền. “Thật điếng người. Tôi nghĩ rằng đội ngũ quản lý phải chịu trách nhiệm vì chuyện này. Khi một sai lầm như thế, gây tốn kém như thế, người ta phải rút ra các bài học".

Báo chí còn phản ứng giận dữ hơn nữa. "Đuổi cổ hết bọn họ đi" - là tiêu đề bài viết đăng trên tờ Le Point. “Viên sếp của một công ty tư nhân nếu phạm một sai lầm như thế sẽ phải xin lỗi trước hội đồng quản trị, người lao động và các cổ đông. Còn ở đây chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Đất nước phải trả giá và dĩ nhiên là người đóng thuế. Rồi các bạn sẽ thấy, trong 6 tháng nữa chi phí thực sẽ tăng gấp đôi" - bài báo viết.

Guede của tờ Le Canard cũng đánh giá tuyên bố sự cố chẳng ảnh hưởng tới người đóng thuế Pháp là một sai lầm. "Cuối cùng nhà nước sẽ phải móc tiền công ra trả" - ông nói.

Tường Linh (Theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm