Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu: Hòa hợp là mẫu số chung của dân tộc

13/04/2015 20:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - “Sự kiện ngày 30/4/1975 là một trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử Việt Nam… Tình yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải, theo đại nghĩa và vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất. Vậy nên, mỗi người Việt Nam hôm nay cần phải coi trọng việc hòa hợp dân tộc là một trách nhiệm lịch sử tự nguyện”.

Đó là quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người cách đây gần 40 năm từng là Phụ tá Phó tổng thống đặc trách hòa đàm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thực hiện nhiệm vụ điều đình với đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc ngừng bắn, tiến tới thống nhất đất nước.

* Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, theo quan sát của ông thì từ năm 1954, hòa hợp và hòa giải dân tộc ở nước ta đã diễn ra như thế nào?

- Từ năm 1951 - 1954, tôi ở Pháp cùng một số anh em khác nên không nắm vững về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc ở trong nước diễn ra như thế nào, được thực hiện ra sao? Tôi chỉ có thể nói là khi ở Pháp, cùng với Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích, chúng tôi đã nỗ lực ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, chống chiến tranh bằng cách tuyên truyền cho công chúng Pháp, những người yêu hòa bình đứng về chính nghĩa, phản đối sự phi nghĩa của chiến tranh đang diễn ra tại Việt Nam.

Đến năm 1954 tôi cùng với Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích sang Genève (Thụy Sĩ) gặp Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhân dịp ông là Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Hiệp định Genève về Đông Dương. Lúc bấy giờ, Thủ tướng Đồng cho biết, chúng ta mới chỉ giành được độc lập từ vĩ tuyến 17 trở ra, còn từ vĩ tuyến 17 trở vào sẽ có hiệp thương thống nhất sau hai năm nữa. Nếu vậy ở miền Nam cần có một chính quyền thân Pháp thì dễ điều đình hơn. Vì vậy nhóm chúng tôi đã vận động cho ông Trần Văn Hữu ra làm Thủ tướng miền Nam Việt Nam.


Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, “hòa hợp dân tộc là một trách nhiệm lịch sử tự nguyện”

* Nhưng “đề cử” ngày ấy đã không thành, vì sau đó người nắm quyền ở miền Nam là Ngô Đình Diệm!

- Vào thời điểm ấy, ảnh hưởng quốc tế rất nặng nề. Mỹ không những không ký Hiệp định Genève mà còn dùng ảnh hưởng của mình để đưa ông Ngô Đình Diệm lên nắm quyền tại miền Nam Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo chúng tôi hãy về Việt Nam càng sớm càng tốt để cùng với các anh em, đồng chí khác trong nước đẩy nhanh việc hiệp thương thống nhất.

Đầu năm 1955 tôi cùng một số anh em khác từ Pháp trở về Việt Nam. Qua quan sát về cách nắm quyền của Ngô Đình Diệm ở miền Nam, tôi phải nói thực, đó là một người có tâm hồn dân tộc. Ông ấy quan tâm sâu sát đến vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng với chính trị lại rất độc tài. Vì thế, chính người miền Nam đã chống lại chính sách của ông ấy...

* Còn ông thì sao? Ông nghĩ gì về Ngô Đình Diệm?

Tôi là người Công giáo. Ngày ấy, nhiều người vẫn hay gọi những người như tôi là thành phần thứ 3. Nghĩa là tôi không phải người của nền cộng hòa, cũng không phải người của cộng sản. Tôi chỉ là người vì lương tâm hòa bình và hòa hợp dân tộc, nên đã tự giao cho mình nhiệm vụ tích cực vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cộng đồng người công giáo hãy nghe theo lời kêu gọi của Giáo hoàng Phaolô Đệ lục lúc bấy giờ, rằng cần phải ngưng chiến để dân tộc độc lập, nhân dân hòa hợp, nếu không chiến tranh sẽ phá hủy và cướp đi tất cả.

* Vậy khi giữ vai trò Phụ tá Phó tổng thống đặc trách hòa đàm của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào những ngày cuối cùng của tháng 4/1975 thì ông “nghiêng” về bên nào?

- Tôi nghiêng về hòa bình cho dân tộc Việt Nam!

Ngày ấy, chính xác là sáng ngày 29/4 luật sư Huyền (Nguyễn Văn Huyền, Phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa - PV) yêu cầu tôi phải thành lập một phái đoàn để đi gặp đại diện Chính phủ Cách mạng Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Tân Sân Nhất. Được sự chấp thuận của Tổng thống Dương Văn Minh và nội các, tôi đã lên danh sách phái đoàn gồm ông Nguyễn Văn Diệp, ông Nguyễn Văn Hạnh là người có liên lạc với kháng chiến và một người nữa có chân trong tình báo là ông Tô Văn Cang. Nói là điều đình nhưng thực ra phía Việt Nam Cộng hòa biết mình sẽ thua, việc chính quyền mới thành lập được một ngày, không có ý sẽ tiếp tục kháng chiến mà là để thi hành Hiệp định Paris là chính.

Chúng tôi từ Tân Sơn Nhất trở về, gặp Tổng thống Dương Văn Minh đang đứng ở ngoài sân. Chúng tôi báo cáo với ông ấy việc điều đình về dân sự không đạt được kết quả. Ông Minh tỏ ra bất lực. Ngay sau đó, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền giao cho tôi soạn thảo bản tuyên bố “Chấp nhận điều kiện ngừng bắn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”. Dự thảo viết xong lúc 16 giờ và ngay sau đó được Phó tổng  thống  Huyền  trình  lên  tổng  thống.  Tướng  Dương  Văn  Minh  chấp  thuận cho ông Huyền công bố bản dự thảo này trên Đài Phát thanh Sài Gòn lúc 17 giờ ngày 29/4/1975.

Sáng ngày 30/4 tôi cùng ông Huyền lên gặp Tổng thống Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu tại số 6 đường Thống Nhất (đường Lê Duẩn ngày nay) để bàn về vấn đề ngưng chiến. Đến 9 giờ, Tổng thống Minh ra một tuyên bố phía Việt Nam Cộng hòa sẽ ngưng tiếng súng, chờ cách mạng tới để giao lại quyền hành.

Đến 11h30 quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập thì lúc bấy giờ nhiệm vụ của tôi cũng chấm dứt nên tôi rời khỏi dinh...

* Ông đã không rời khỏi Việt Nam như nhiều tri thức khác ngày ấy. Tại sao?

- Thứ nhất, tôi tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ ngày lịch sử ấy cách đây gần 40 năm. Thứ nữa, như lúc đầu tôi tâm sự, tôi đã có một vài năm sống ở nước ngoài, đến thời điểm ấy tôi cũng đã lớn tuổi, không muốn đi nữa. Nhưng lý do quan trọng hơn cả là tôi tin lời Bác Hồ, rằng toàn dân tộc sớm muộn cũng đoàn kết lại và điều đó đã đúng, dù thời gian hơi dài và cũng phải trải qua không ít những khó khăn.

* Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông có nhận xét gì về việc hòa hợp, hòa giải dân tộc bằng văn hóa trong 40 năm qua?

- Nếu không có một nền văn hóa dân tộc mạch lạc, không biết  tôn trọng, đoàn kết và thương yêu nhau thì không thể tồn tại cho đến ngày nay. Và, bảo vệ sự hòa hợp dân tộc bằng văn hóa chính là bảo vệ Tổ quốc, xây dựng văn hóa cũng là xây dựng đất nước.

Theo quan sát của tôi, nền văn hóa chúng ta đã, đang và chắc chắn sẽ được bảo vệ, duy trì và khuếch trương. Nhưng nền văn hóa ấy cần tiếp tục được làm cho sáng rõ để cùng nhau tiến bước trên con đường hòa hợp dân tộc, phát triển đất nước tốt hơn nữa.

* Ông vẫn nói “nhưng”, nghĩa là còn chưa hài lòng?

- Tôi thấy về vấn đề đoàn kết dân tộc bằng văn hóa chúng ta mới có những chỉ thị. Còn nền văn hóa của Việt Nam mang bản sắc như thế nào thì chưa làm sáng rõ ra được. Vì thế, chúng ta cần phải giáo dục, xây dựng không chỉ con người khoa học, con người kinh tế mà cả con người văn hóa nữa. Dù mỗi người có một đường hướng, khuynh hướng chính trị khác nhau, nhưng mẫu số chung là, đều vì tương lai của đất nước Việt Nam.

Có như thế, người Việt Nam mới luôn giữ được bản sắc riêng của mình trong thời đại mới. Bản sắc ấy chính là tình yêu quê hương và lòng tự tôn dân tộc. Tình yêu quê hương, lòng tự tôn dân tộc luôn giúp cho người Việt Nam hành động thuận theo lẽ phải, theo đại nghĩa và vượt qua những thử thách hiểm nghèo nhất. Vậy nên, mỗi người Việt Nam hôm nay cần phải coi trọng việc hòa hợp dân tộc là một trách nhiệm lịch sử tự nguyện.

Đất nước thống nhất không chỉ là sự thống nhất về địa lý, mà quan trọng hơn, là thống nhất lòng người

Huy Thông (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm