Ngộ độc TLĐT: Cần gọi đúng tên là ngộ độc ma túy

11/08/2022 10:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Vụ việc nữ bệnh nhân K.N (20 tuổi) vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai rạng sáng 26-7 trong tình trạng nặng, hôn mê sâu do ngộ độc ma túy trộn trong thuốc lá điện tử đã một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo: thuốc lá thế hệ mới đang bị “thả rông” ngoài vòng pháp luật quá lâu!

Ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Được biết, xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử (TLĐT) bệnh nhân sử dụng đã tìm thấy chất cần sa tổng hợp là ADB- BUTINACA, một loại ma túy thế hệ mới. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà thực tế là thời gian qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận không ít các trường hợp ngộ độc chất ma túy, chất kích thích được trộn vào bên trong tinh dầu TLĐT dùng để hút.

Chú thích ảnh
Các vụ ngộ độc TLĐT thời gian qua đều là ma tuý, chất cấm “núp bóng” TLĐT

Các chuyên gia giải thích, TLĐT liên quan đến các vụ việc nói trên đều là loại hệ thống mở, nên người dùng có thể bổ sung các hợp chất theo ý muốn, dẫn đến ngộ độc chất cấm trộn vào (chứ không phải ngộ độc nicotine). Thậm chí hiện nay bọn buôn lậu ma túy còn dùng phương pháp được nâng tầm: ngụy trang hàng bên trong vỏ bọc nhìn giống như thiết bị TLĐT nhưng bên trong là các chất ma túy, cần sa, cỏ Mỹ… PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy từng cho biết, phân tích các mẫu nghi ma túy thu được cho thấy, các tinh dầu dùng trong vỏ bọc TLĐT có chứa chất 5F-MDMB-PICA. Các đối tượng đã hòa tan chất hướng thần này vào các vỏ chai, lọ đựng dung dịch thuốc lá điện tử mà vẫn giữ nguyên, màu sắc, mùi vị. Đây là một thủ đoạn tinh vi mà đến lực lượng chức năng ở các địa phương cũng khó phát hiện.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo, ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi mà không dễ nhận biết. 

Được biết, trên thế giới cũng từng diễn ra những vụ việc tương tự, trong đó đáng chú ý nhất là vụ việc xảy ra ở Mỹ vào năm 2019 với hàng loạt ca "bệnh tổn thương phổi do sử dụng TLĐT" (gọi tắt là EVALI). Theo đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và FDA sau đó đã có kết luận chính thức rằng, vitamin E acetate là hóa chất được dùng trong các hộp chứa tinh dầu có chất THC trái phép là nguyên nhân gây bệnh EVALI."

Cần luật để ngăn chặn sử dụng sai mục đích

Đây được xem là lý do mà đến nay, loại TLĐT duy nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kiểm nghiệm và cho phép thương mại là loại hệ thống đóng (Closed END system), đi kèm với tinh dầu hương thuốc lá. Động thái này nhằm ngăn chặn việc người dùng tự ý pha trộn thêm các chất khác, tránh được các rủi ro liên quan đến việc lạm dụng sản phẩm và sử dụng sai mục đích.

FDA cũng khẳng định, không phải tất cả các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới mà chỉ có một số loại phù hợp với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng mới được FDA cho phép thương mại hoá.

Được biết, ngoài loại TLĐT nêu trên, đến nay FDA chỉ cho phép kinh doanh một sản phẩm thuốc lá làm nóng (Heated tobacco product) và một vài sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sử dụng qua đường uống (Oral tobacco). 

Hiện thông tin của FDA cũng khẳng định rõ, các sản phẩm được FDA cho phép đều là những sản phẩm có ít chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu. Do đó việc công bố của FDA không khuyến khích hành vi hút thuốc mà chỉ nhằm mục đích thay thế dần thuốc lá điếu gây hại cho những người đang hút thuốc. FDA cũng liên tục theo dõi các hoạt động tiếp thị của những sản phẩm được FDA chấp thuận để đảm bảo các sản phẩm này không hướng đến tiếp cận giới trẻ hoặc những người không hút thuốc.

Riêng với TLĐT và thuốc lá làm nóng (TLLN), FDA có phân biệt rõ sự khác nhau về mặt cấu tạo và bản chất sản phẩm. TLLN là thiết bị làm nóng dùng kèm nguyên liệu thuốc lá tự nhiên là được làm nóng ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ khi đốt thuốc lá điếu để tạo ra khí hơi (aerosol) cho người dùng hít vào. Người dùng chỉ có thể sử dụng kèm với nguyên liệu thuốc lá được cung cấp bởi nhà sản xuất, dành riêng cho thiết bị mà không thể pha trộn bất kỳ nguyên liệu nào khác.

Chú thích ảnh
Điều 1, khoản (f) định nghĩa “các sản phẩm thuốc lá” có nghĩa là các sản phẩm tạo ra từ vật liệu lá thuốc. Nguồn: Chương trình Phòng chống Tác hại của Thuốc lá - Công ước Khung - Giới thiệu (vinacosh.gov.vn)

Câu hỏi đặt ra, tại sao TLĐT, TLLN mặc dù xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ mấy năm về trước, nhưng đến nay vẫn chưa chịu sự quản lý của Luật PTCTTL hiện hành. Theo luật sư Tạ Minh Trình (Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM) thì vào thời điểm năm 2012, các nhà lập pháp chưa dự liệu được hết các dạng của thuốc lá hiện đại.

Được biết, cơ sở về mặt luật pháp để xếp một sản phẩm thuộc hay không thuộc nhóm "thuốc lá" cần dựa trên việc sản phẩm đó có "được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá" hay không. 

Căn cứ vào định nghĩa này, các luật sư cho rằng, hiện tại chưa đủ cơ sở để xếp TLĐT thuộc nhóm "thuốc lá", vì sản phẩm này không có nguyên liệu thuốc lá, mà chỉ làm hóa hơi dung dịch có chứa hoặc không có chứa nicotine. 

Nhưng với TLLN, do có chứa nguyên liệu thuốc lá trong sản phẩm đặc chế hoạt động bằng cách làm nóng nguyên liệu bên trong để tạo ra nicotin vànên hoàn toàn thuộc nhóm "thuốc lá dạng khác" theo định nghĩa của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, luật sư Phạm Sĩ Hải Quỳnh, luật sư thành viên của Công ty VILAF Hồng Đức TP.HCM cho biết. 

Được biết, từ 2019, nhằm góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá, bao gồm thuốc lá thế hệ mới, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Bộ Công thương và các cơ quan ban ngành liên quan sớm xây dựng hành lang pháp lý phù hợp cho TLĐT, TLLN. Theo đó, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương đã đề xuất xem xét chính sách quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm TLTHM cần đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý Nhà nước đối với mặt hàng này và phù hợp với thông lệ quốc tế. 

D.K.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm