Mỹ: Tỷ phú 'bóp mũi' triệu phú về độ ăn chơi

18/11/2014 06:56 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Philip Rushton đã bán máy bay phản lực tư nhân cho người giàu trong nhiều thập kỷ. Ông quen với việc thị trường tăng giảm đều đều, phụ thuộc vào sự phình ra hay co lại liên quan tới túi tiền của người giàu. Tuy nhiên gần đây, ông kinh ngạc khi thấy thị trường chia làm hai nửa rõ rệt.

Theo đó, hoạt động bán máy bay phản lực tư nhân cỡ lớn và đắt tiền đang tăng lên rất mạnh.

Người giàu cũng có nhiều loại

Khách hàng trả nhiều tiền hơn và chấp nhận chờ lâu hơn để có hàng. Trong khi đó, các máy bay phản lực cỡ nhỏ, rẻ hơn, lại nằm chất đống trong các sân bay tư nhân. Dù được giảm giá rất mạnh, vẫn có ít người ngó tới chúng.

“Nhu cầu thực sự chỉ nằm ở nhóm đầu" - Rushton nói - "Những tay chơi lớn, các tỷ phú, có rất nhiều tiền và họ đang mua vào. Nhưng những người giàu ở tầm trung và thấp lại phục hồi chậm hơn sau khủng hoảng (nên cũng tiêu ít hơn)".


Các du thuyền có kích cỡ từ 70 m trở lên được tiêu thụ rất mạnh ở Mỹ

Có thể thấy đã hình thành một khoảng cách lớn ngay trong nhóm những người giàu nhất Mỹ. Do thu lợi kinh tế ngày càng nhiều, nhóm 0,01% người giàu nhất đơn giản là bỏ xa nhóm 1% những người rất giàu. Sự phân cấp này đã tạo ra 2 thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ trong cộng đồng những người giàu: một dành cho người có của cải và một dành cho người sở hữu vô cùng nhiều của cải.

Cho dù sản phẩm là du thuyền, kim cương, tranh nghệ thuật, rượu vang hay thậm chí là túi xách, thị trường chỉ tăng trưởng mạnh và mang về lợi nhuận lớn nhờ sức tiêu thụ của các tỷ phú đô la hoặc triệu phú ngấp nghé thành tỷ phú, thay vì các triệu phú thông thường.

Theo một bài viết gần đây của các nhà kinh tế Emmanuel Saez thuộc Đại học California và Gabriel Zucman thuộc Trường kinh tế London, gần như mọi sự gia tăng về bất bình đẳng ở Mỹ trong vòng 30 năm qua đều có liên quan tới sự "tăng lên về độ giàu của 0,01 % các gia đình giàu nhất nước".

Nhóm 1% những người giàu nhất có tốc độ tăng trưởng gia sản trung bình 3,9 % mỗi năm, kéo dài từ năm 1986 tới năm 2012. Tuy nhiên nhóm 0,01 % lại có tốc độ tăng trưởng gia sản cao gấp đôi con số này. Cụ thể, 16.000 gia đình nằm trong nhóm đầu bảng - với mỗi gia đình có tài sản ít nhất 111 triệu USD - đã chứng kiến tài sản của họ tăng gần gấp đôi kể từ năm 2002. Cùng nhau, họ chiếm 11,2% tài sản của nước Mỹ.

Càng to, càng đắt tiền, càng bán chạy

Saez và Zucman viết rằng những người siêu giàu ở Mỹ đang ngày càng giàu hơn nhờ "hiện tượng tuyết lở". Theo đó, những người siêu giàu có được những khoản thu nhập khổng lổ, hình thành một phần từ hoạt động buôn bán cổ phiếu. Các khoản thu này tiếp tục được họ đổ vào tiết kiệm hoặc đầu tư mới, giúp sinh thêm nhiều của cải hơn nữa.


Gulfstream G650, chiếc máy bay phản lực tư nhân cỡ lớn được giới nhà giàu Mỹ ưa chuộng bậc nhất

Rushton là một trong những người đã trực tiếp chứng kiến tác động do hiện tượng "tuyết lở" tạo ra. Trong cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2009, ông gần như không có vị khách nào. Tuy nhiên ngày hôm nay, khách hàng đã lại đổ xô tới chỗ ông, đặt mua những chiếc máy bay tư nhân mới, cỡ lớn. Vấn đề là các máy bay tư nhân cỡ trung và cỡ nhỏ vẫn ế khách như trước đây.

Theo một báo cáo về thị trường máy bay tư nhân do Ngân hàng Citi công bố, hoạt động bán những chiếc máy bay phản lực tư nhân hạng nhẹ - chỉ những mẫu máy bay cỡ nhỏ và giá rẻ trong năm 2013 - đã giảm 17 % so với năm trước đó và 67% so với thời kỳ đỉnh cao hồi năm 2008. Tuy nhiên hoạt động bán máy bay cỡ lớn lại tăng 18% trong năm ngoái.

Nhu cầu sử dụng máy bay tư nhân cỡ lớn, với mẫu G650 do hãng Gulfstream sản xuất (có giá 65 triệu USD mỗi chiếc) được nhiều người giàu thèm khát, đã mạnh tới mức một số chủ nhân G650 quyết định bán chiếc máy bay họ đang dùng để thu lời hàng chục triệu USD. Đơn cử là trường hợp của Bernie Ecclestone, một tỷ phú đua xe F1, đã bán chiếc G650 của ông vào mùa Thu năm ngoái để lấy 75 triệu USD, sau khi mới nhận chiếc máy bay được có vài tuần.

Hoạt động bán máy bay chở khách kích cỡ rất lớn cũng diễn ra mạnh. Boeing hiện đã nhận vài đơn đặt hàng cá nhân cho mẫu 777-300ER (thường chở theo 400 hành khách) và thậm chí là mẫu 747-800 khổng lồ.

Không ngại vung tay chi tiêu

Xu hướng tương tự cũng xuất hiện trong hoạt động kinh doanh du thuyền. Trong nhiều thập kỷ, hoạt động kinh doanh du thuyền diễn ra đều đều, không phân hạng. Nhưng nay, người giàu chỉ chuộng các siêu du thuyền.

Hoạt động bán và đặt mua du thuyền có chiều dài hơn 100 mét đang ở mức cao chưa từng thấy. Trong khi đó, giá của du thuyền có chiều dài từ 30 - 50 mét lại giảm tới 50% so với thời kỳ đỉnh cao.

Henk de Vries, giám đốc điều hành công ty đóng tàu Feadship, nói rằng giới nhà giàu hiện đang rất chuộng các du thuyền dài hơn 70 mét. Công ty đã chuẩn bị bàn giao chiếc du thuyền lớn nhất với chiều dài 110 mét và có giá hơn 250 triệu USD cho khách hàng. Gần đây công ty đã mở rộng xưởng đóng tàu để làm ra những con thuyền lớn hơn nữa.

Jonathan Beckett, giám đốc điều hành công ty môi giới bán du thuyền Burgess đánh giá: "Những người giàu ở nhóm đầu cảm thấy như họ đã ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế mà không bị ảnh hưởng gì. Họ là nhóm khá tự tin và nghĩ rằng nếu muốn có du thuyền, họ phải mua sắm cho ra trò".

Tường Linh (Theo NY Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm