Một năm sau cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều: Tiến trình đàm phán vẫn bế tắc

11/06/2019 07:36 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây một năm, ngày 12-6-2019, sau rất nhiều nỗ lực, thiện chí, và cả sóng gió, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore, đã kết thúc tốt đẹp.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 phụ thuộc vào quyết định của Triều Tiên

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 3 phụ thuộc vào quyết định của Triều Tiên

Khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 3 tùy thuộc vào động thái sắp tới của Bình Nhưỡng. Đây là tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris đưa ra ngày 22/4 trong một cuộc họp báo ở Seoul.

Cuộc gặp này là minh chứng cho thấy hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia từng có gần 7 thập kỷ đối địch đã vượt qua “phép thử” của lòng tin và cùng nhau tạo một “cú hích” cho hòa bình và thịnh vượng lâu dài trên bán đảo Triều Tiên cũng như  đảm bảo an ninh cho toàn khu vực Đông Bắc Á.   

Một năm sau cuộc gặp lần thứ nhất, dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã tiếp tục có cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, song với những nghi kỵ còn tồn tại giữa hai bên, tiến trình đàm phán về hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên hiện vẫn đang lâm vào thế bế tắc.   

Hãy cùng nhìn lại các diễn biến liên quan một năm sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Singapore ngày 12/6/2018: Khoảnh khắc bước ngoặt Mỹ - Triều   

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump, cái bắt tay của nhà lãnh đạo hai nước Mỹ và Triều Tiên chính là khoảnh khắc mà cả thế giới đã trông đợi từ rất lâu, được nhiều tờ báo lớn của khu vực và thế giới đánh giá là “khoảnh khắc bước ngoặt của chính trị Đông Á”.   

Sau cuộc hội đàm tại Singapore vào ngày 12-6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã ký Tuyên bố chung. Bản tuyên bố chung lịch sử được Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un ký kết khi kết thúc cuộc gặp chỉ dài hơn một trang giấy nhưng đã phản ánh đúng những điều như ông Trump khẳng định rằng đây là văn kiện “tốt đẹp và toàn diện”. Văn kiện này bao gồm 4 điểm chính:    

Chú thích ảnh
Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. Ảnh: Reuters

1. Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập quan hệ song phương thể theo nguyện vọng của người dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng;       

2. Mỹ và Triều Tiên sẽ cùng tham gia các nỗ lực xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên;      

3. Tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom được đưa ra ngày 27-4-2018, Triều Tiên cam kết hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên;       

4. Mỹ và Triều Tiên cam kết tìm hài cốt tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA), và sẽ lập tức đưa những những bộ hài cốt đã được nhận dạng về nước.   

Vào thời điểm cách đây một năm, cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Singapore đã được xem là một “cú hích” vô cùng quan trọng và quý giá cho các bước đi tiếp theo trên con đường bảo đảm an ninh khu vực, thiết lập hòa bình lâu dài cũng như thịnh vượng cho bán đảo Triều Tiên. Các nhà phân tích khẳng định, tinh thần nổi bật nhất toát lên trong toàn bộ cuộc gặp lịch sử ngày 12-6-2018, đó chính là việc hai nhà lãnh đạo của hai quốc gia đối địch đã trao gửi lòng tin cho nhau.

Hà Nội ngày 27 và 28/2/2019: Tạo đà giải quyết mâu thuẫn     

Những gì hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được tại cuộc gặp đầu tiên ở Singapore đã trở thành tiền đề quan trọng để 8 tháng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un quyết định gặp nhau lần thứ 2 (vào ngày 27 và 28-2-2019 tại Hà Nội). Trong vòng 8 tháng đó, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã thực hiện một số bước đi, tạo đà cho nỗ lực giải quyết những mâu thuẫn dai dẳng nhiều thập niên.   

Về phía Triều Tiên, nước này đã phá hủy một số đường hầm và cơ sở ở địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri trước sự chứng kiến của các nhà báo quốc tế; tháo gỡ một số cơ sở ở trung tâm phóng vệ tinh Sohae. Đặc biệt, phía Mỹ cũng ghi nhận Triều Tiên đã không tiến hành một vụ thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa nào nữa, đồng thời cam kết tháo dỡ các cơ sở làm giàu plutoni và urani…   

Về phía Mỹ, sau cuộc gặp lần đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đáp lại bằng tuyên bố hủy, hoãn hoặc giảm quy mô nhiều cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, vốn từ trước đến nay luôn bị Bình Nhưỡng chỉ trích là nhằm chuẩn bị cho cuộc xâm lược Triều Tiên...   

Chú thích ảnh
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại cuộc gặp ở Hà Nội ngày 27/2/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tuy nhiên, những bước đi trên được đánh giá chủ yếu mang tính xây dựng lòng tin, chưa đủ mạnh để phá vỡ bế tắc liên quan đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi Triều Tiên muốn phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn và Mỹ phải giảm nhẹ lệnh trừng phạt đối với nước này, thì Mỹ lại yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn, với việc làm đầu tiên là Triều Tiên phải bàn giao bản danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận.   

Trong bối cảnh đó, cả hai nước đều đã hy vọng sẽ có những "đột phá mới" tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội. Và cho dù được kỳ vọng rất nhiều, nhưng điều đáng tiếc là hội nghị này đã không ra được Tuyên bố chung và hai bên cũng không ký kết bất kỳ văn bản nào.   

Kết quả duy nhất của hội nghị lần 2 chỉ là việc Tổng thống Mỹ Trump cam kết rằng Washington sẽ không gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un thì khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Kết quả duy nhất này được dư luận đánh giá là mới chỉ giúp hai bên hiểu nhau hơn và giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách khác biệt về cách thức giải quyết các vấn đề then chốt trong tiến trình phi hạt nhân hóa.   

Cũng kể từ sau hội nghị lần 2 tại Hà Nội, tiến trình đàm phán giữa hai nước đã bị rơi vào bế tắc do Mỹ và Triều Tiên liên tục thể hiện quan điểm bất đồng về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mỹ thì vẫn hối thúc từ bỏ vũ khí sát thương hàng loạt, còn Triều Tiên thì giữ vững lập trường giải quyết vấn đề theo từng bước một.   

Có thể thấy rõ, kể từ sau cuộc gặp lần 2, thông điệp mà Mỹ đưa ra là cánh cửa đàm phán luôn để ngỏ nếu Triều Tiên có thiện chí, nhưng "thiện chí" mà Mỹ muốn, là Triều Tiên phải tuân thủ những cam kết trong việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trước khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trong khi đó, thông điệp từ phía Triều Tiên cũng được cho là rất rõ ràng: duy trì đối thoại tích cực, tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mới để “mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” là ưu tiên, nhưng phải luôn kèm điều kiện “có đi có lại”.  

Con đường phi hạt nhân hóa: Đòi hỏi nỗ lực từ hai phía   

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đang bị đình trệ, kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, Triều Tiên đã nhiều lần thể hiện sự “bất mãn” của mình với Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặt ra một thời hạn chót là đến cuối năm nay Mỹ phải thay đổi yêu sách trong đàm phán phi hạt nhân hóa với nước này. Song song với đó, Triều Tiên đã thực hiện một số vụ phóng tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông, như vụ thử vũ khí mới ngày 18-4-2019, hay vụ phóng các vật thể bay về phía biển Nhật Bản từ ngày 4 đến 9-5-2019…   

Giới phân tích nhận định đây là những động thái cứng rắn, nhưng được xem như là bước đi chiến thuật của Triều Tiên nhằm gây sức ép buộc Mỹ mềm dẻo hơn trong đàm phán hạt nhân, ít nhất là dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt hiện nay. Một mặt, đây là cách Triều Tiên gây sức ép đối với Mỹ nhằm hối thúc Mỹ phải có hành động cụ thể trong vấn đề đàm phán hạt nhân. Với mục tiêu này, các hành động quân sự của Triều Tiên chỉ là một phần, bên cạnh đó Triều Tiên còn gây sức ép ngoại giao khi nước này còn củng cố mối quan hệ và phối hợp hành động với các nước như Nga hay Trung Quốc.

Mặt khác, đằng sau những vụ thử vũ khí mới đã được lên kế hoạch của Triều Tiên này còn cho thấy một thông điệp rằng Triều Tiên có đủ tiềm lực quân sự mạnh mẽ, đủ khả năng để đương đầu với các mối đe dọa từ bên ngoài ngay cả khi tiếp tục đàm phán với Washington về vũ khí hạt nhân.   

Thời gian gần đây, Triều Tiên tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng các cuộc đàm phán hạt nhân sẽ “không bao giờ được nối lại” nếu Mỹ không chấm dứt “những hành động thù địch” và yêu sách đòi Triều Tiên phải “đơn phương” từ bỏ vũ khí hạt nhân. Triều Tiên hối thúc Mỹ đưa ra cách thức mới để phá vỡ thế bế tắc trong vấn đề hạt nhân.   

Ngay trước thềm kỷ niệm 1 năm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore, ngày 4-6-2019, Triều Tiên tiếp tục hối thúc Mỹ từ bỏ "sự tính toán hiện nay" và đưa ra đề xuất mới để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ Mỹ nên nghĩ tới "lựa chọn chiến lược đúng đắn" để duy trì các thỏa thuận mà hai bên đạt được trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên vào tháng 6-2018, trước khi quá muộn. Theo người phát ngôn, Mỹ nên thay đổi phương thức tính toán và đáp ứng đề nghị của Triều Tiên sớm nhất có thể, bởi sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng là có giới hạn.   

Đáp lại những lời cảnh báo của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lập trường kiên định về Tuyên bố chung đã ký giữa lãnh đạo hai nước tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore, trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo này. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này luôn sẵn sàng cho một cuộc thảo luận mang tính xây dựng với Triều Tiên để thúc đẩy tiến trình này.   

Cho đến nay, những tiến bộ ít ỏi trong đàm phán Mỹ-Triều còn đang gây trở ngại cho cả mối quan hệ liên Triều, làm đình trệ các dự án hợp tác xuyên biên giới quan trọng trong nhiều tháng. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc đang thể hiện vai trò tích cực nhằm phá vỡ bế tắc trong đàm phán phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Hiện Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều mới. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa phản hồi về đề xuất đối thoại này.   

Ngày 9-6-2019, Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố đã đến lúc phải hành động nhằm tạo bầu không khí tích cực cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều tiếp theo. Theo Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yoen-chul, đối với chính quyền Hàn Quốc, giờ là lúc phải nỗ lực hết sức để nối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào thời điểm sớm nhất. Điều quan trọng là Mỹ và Triều Tiên phải có một cuộc gặp thượng đỉnh khác sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.   

Chưa rõ, liệu Mỹ và Triều Tiên có vượt qua được những rào cản để đi đến được một thỏa thuận cuối cùng hay không. Nhưng dù còn nhiều bất đồng thì nhìn chung các nhà phân tích đều nhận định rằng nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều sẽ tìm kiếm một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 3 trong năm nay. Nhưng để tiến tới một hội nghị thượng đỉnh thứ 3 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên như dư luận mong đợi, chắc chắn còn rất nhiều rào cản và thách thức.   

Rõ ràng, việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là một vấn đề nan giải mà bất đồng cơ bản nhất của Mỹ và Triều Tiên là cách tiếp cận đối với việc phi hạt nhân hóa của mỗi bên. Tuy nhiên, chừng nào hai bên vẫn duy trì thiện chí đối thoại và hai nhà lãnh đạo tiếp tục "giữ cái đầu lạnh" để giải quyết bất đồng, thì tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Cơ hội cho các cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo nhằm tiến tới một thỏa thuận làm hài lòng cả hai bên và giải quyết triệt để vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vẫn còn ở phía trước.   

Và vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử đầu tiên (vào tháng 6-2018) và cuộc gặp thứ hai ở Hà Nội (vào tháng 2-2019) vẫn được xem là minh chứng cho sự đúng đắn của cách tiếp cận mang tính xây dựng, đó là “đối thoại” thay cho “đối đầu”.

TTXVN/Trọng Đức (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm