Mafia Italy kiếm bộn tiền trên sinh mạng người nhập cư

20/04/2015 00:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Hàng nghìn người di cư bất hợp pháp đang tìm kiếm quy chế tị nạn trôi dạt vào Sicily đã giúp thúc đẩy kinh tế của hòn đảo này vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, thông qua việc biến các khách sạn thành các trung tâm dành cho người nhập cư với sự bảo trợ của nhà nước. Tuy nhiên, nguồn lợi từ việc này đang thu hút sự chú ý của mafia.

Những chiếc sofa và màn hình tivi rộng lớn sang trọng một thời trong một phòng của khách sạn Villa Mokarta ở Salemi đã được thay thế bằng những chiếc giường dành cho 8 người di cư, mà tài sản của họ chỉ là những chiếc ba lô, những đôi giày thể thao tồi tàn và những cuốn kinh...

Quản lý của khách sạn trên, ông Salvatore Cascia, 56 tuổi cho biết, do lượng phòng mà khách du lịch đặt đã giảm xuống dưới 50%, nên họ đã quyết định chuyển sang phục vụ những người nhập cư. Từ tháng 2 đến nay, ông Salvatore đã chịu trách nhiệm chăm sóc phúc lợi cho 140 người, trong đó chủ yếu là người Tây Phi và Bangladesh.

Khách sạn Villa Mokarta, cũng như hàng trăm cơ sở khác tương tự như vậy, được Chính phủ chi trả 30 euro cho mỗi người di cư và 2.50 euro tiền tiêu vặt trong một ngày, cũng như các chi phí khác như chỗ ngủ, bảng để học và các dịch vụ liên quan như các buổi học tiếng Italy, chăm sóc tâm lý và hỗ trợ pháp lý để xin quy chế tị nạn.

Theo Bộ Nội vụ Italy, ngành kinh doanh mới “mến khách” này, hiện đang cung cấp chỗ ở cho hơn 32.300 người di cư, với chi phí gần 1 triệu euro một ngày.


Mafia không chỉ kiếm tiền từ việc tổ chức cho người nhập cư trái phép vượt biển, mà còn kinh doanh các dịch vụ liênq quan đến họ khi họ đã được đưa lên đất liền.

Anh Ebou Cham, 21 tuổi người Gambia, nói với phóng viên hãng AFP, rằng, “ở đây chúng tôi được ăn, chơi thể thao và thư giãn đầu óc”, hiện anh đã giảm cân nhờ chơi thể thao cùng với huấn luyện viên trong một phòng tập Gym tạm thời trong khách sạn, được trang bị bàn bóng Bi-lắc, TV của kênh Sky, Wifi miễn phí và xổ số trả thưởng bằng rau do người di cư điều hành.

Anh Ebou Cham cũng cho biết thêm, việc tập luyện hàng ngày “giúp chúng tôi quên đi nhiều chuyện trong quá khứ và điều phải khiến chúng tôi đến đây”. Ebou Cham đến bờ biển Italy vào tháng 1 sau một hành trình 3 tháng đầy gian khổ qua sa mạc và biển.

Khách sạn Villa Mokarta là một trong 32 khách sạn trên đỉnh đồi gần bãi biển, các khu nghỉ dưỡng, trường học và nhà dân cũ ở khu vực Trapani, phía tây Sicily đã được chuyển đổi thành các trung tâm cho người di cư trong 12 tháng qua.

Ông Casia cho rằng công việc kinh doanh mới đang đem đến “một luồng sinh khí cần thiết” cho nền kinh tế địa phương ở phía Nam. Đây là khu vực phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, theo Trung tâm nghiên cứu kinh tế Fondazione Curella.

Tuy nhiên, cũng như nhiều khu vực khác ở Italy, Sicily đang phải đối mặt với sự bất bình ngày càng tăng của người dân đối với sự hiện diện của người nhập cư. Những ngôi nhà nhỏ trong trung tâm dành cho người nhập cư ở ngoại ô Rome đã phải rời đi để đảm bảo an toàn sau khi người dân địa phương tấn công trung tâm này.

Tính từ đầu năm tới nay, với hơn 150.000 người nhập cư đến Italy và có khả năng sẽ tiếp tục tăng, nhiều trung tâm dành cho người nhập cư như trên sẽ mọc thêm.

“Dòng tiền lớn”

Các tổ chức từ thiện đã cảnh báo rằng các nhóm tội phạm của các băng nhóm mafia nghèo nàn ở khu vực trung tâm có thể lợi dụng hệ thống để đút túi đa phần số tiền trợ cấp cho người nhập cư.

Thượng nghị sỹ của Sicily Mario Michele Giarrusso cho biết, hiện có một dòng tiền lớn, trị giá hàng triệu euro, được chi trả cho các cơ sở chăm sóc người di cư mà không được giám sát và không kiểm tra xem các cơ sở này đã có giấy chứng nhận chống mafia hay chưa. Do vậy, đây là một bê bối lớn và là nguy cơ không thể tin được, đặc biệt là ở vùng đất như Sicily. Ông Giarrusso cũng cho biết hiện cảnh sát đang điều tra các trung tâm bị phát hiện là cho người di cư ở trong không gian tù túng, trên những chiếc giường bẩn thỉu và chỉ cho họ ăn cơm không.

Ông Don Sergio, phụ trách chi nhánh của tổ chức Caritas ở Palermo khẳng định, nhiều người không chỉ kiếm tiền từ những người nhập cư khốn khổ mà họ còn cắt xẻo các khoản chi phí trong các dịch vụ dành cho người di cư như chăm sóc tâm lý, đặc biệt là từ những người nhập cư bỏ chạy từ các vùng chiến sự và bị khủng bố. Ông Sergio cũng cho biết: “Những người nhập cư là những người bị bóc lột, cưỡng hiếp – không chỉ có phụ nữ. Họ đến Italy để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn, nhưng nếu không được giúp đỡ, họ có thể bị kích động và đi đến kết thúc trong bạo lực”.

Chuyên gia tâm lý Ambra Lumia cho biết, bệnh lý và chấn thương về tâm lý hay tâm lý tự sát của những người nhập cư tìm kiếm nơi tị nạn cần được chăm sóc đặc biệt, nhưng họ lại không nhận được điều này trong các trung tâm vì lợi nhuận.

Tòa án Nhân quyền châu Âu, Cơ quan về người tị nạn của Liên Hiệp quốc và Hội đồng châu Âu đã lên tiếng cảnh báo trong tháng này rằng Italy đã nhiều lần bị cáo buộc là thiếu các điều kiện đảm bảo cần thiết cho những người nhập cư tìm kiếm nơi tị nạn.

Một trong vấn đề mà Italy bị phàn nàn nhiều nhất là quá trình chờ đợi quá lâu để được xem xét yêu cầu xin tị nạn và cấp phép tị nạn. Trong khi đó, Italy lại đổ lỗi cho việc này là do sự ùn đống của công việc giấy tờ.

Theo một số liệu được công bố, thành phố Rome đã nhận được 25.401 đơn xin tị nạn trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2014, gần bằng số lượng của cả năm 2013 cho thấy mức độ "tăng trưởng" của số đơn xin tị nạn lớn đến thế nào.

Lamin Colley, một người nhập cư 22 tuổi, hiện đang ở trong khách sạn Villa Mokarta cho biết, đã ở trong khách sạn này 9 tháng và đã chán ngấy với việc suốt ngày ăn rồi ngủ. Colley bày tỏ rằng “tôi nợ người dân Italy, họ đã cứu tôi từ biển và tôi muốn đi làm và đóng góp”.

Ông Giarrusso cho rằng vấn đề phức tạp hơn, chứ không chỉ là vấn đề quan liêu. Ông Giarrusso khẳng định một trùm mafia địa phương – sinh ra ở khu vực Trapani và là một trong những tên tội phạm bị cảnh sát Italy truy nã gắt gao nhất, hiện đang đứng đằng sau các trung tâm bảo trợ người di cư – đang mọc lên hàng ngày. Lợi ích của bọn chúng là mở càng nhiều trung tâm càng tốt và giữ những người di cư ở đó, và thời gian lưu giữ càng dài thì bọn chúng càng kiếm được nhiều tiền.

Ông Giarrusso cũng cho biết thêm, hiện có nhiều báo cáo cho thấy một số tình nguyện viên ở các trung tâm bảo trợ người di cư đang bị theo dõi lén lút và bị đe dọa nếu họ cố gắng tiết lộ thông tin về tham nhũng.

Ông Giarrusso tuyên bố, hoạt động kinh doanh của các trung tâm bảo trợ không có vấn đề gì, nhưng vấn đề là những người di cư chết ở eo biển Sicily chỉ để mang lại hàng triệu euro cho mafia.

Phạm Đức Hòa (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm