Lễ giỗ danh thần Thoại Ngọc Hầu, người khai phá vùng đất Nam bộ

21/07/2015 17:04 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Thoại Ngọc Hầu là người đầu tiên có công khai phá vùng đất Nam bộ, khai khẩn đất hoang hóa, cải tạo đồng hoang thành làng mạc, lập nên 10 làng, ấp và xây nhiều đình chùa ở tỉnh Vĩnh Long và An Giang.

Ngày 21/7 (tức mùng 6/6 Âm lịch) tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Ban quản trị Lăng miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam cùng đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh An Giang đã tổ chức trang trọng lễ giỗ 186 năm ngày mất của danh thần Thoại Ngọc Hầu, người có công khai phá, xây dựng, phát triển vùng đất Nam bộ.

Hàng năm, tỉnh An Giang đã tổ chức ngày giỗ của danh thần Thoại Ngọc Hầu tại lăng Thoại Ngọc Hầu (nằm trong quần thể di tích cấp quốc gia Núi Sam) với đầy đủ các nghi lễ truyền thống, nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của danh thần Thoại Ngọc Hầu đối với sự hình thành và phát triển vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc, qua đó giáo dục truyền thống tốt đẹp “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tên thật là Nguyễn Văn Thoại), là người làng Diên Phước, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Từ nhỏ ông đã theo gia đình di cư vào Nam , định cư tại cù lao Dài, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.

Với lòng yêu nước, ông đã sớm bắt đầu cuộc sống binh nghiệp từ năm 16 tuổi và lập rất nhiều chiến công, được công nhận là vị “Khai quốc công thần” đánh Đông dẹp Bắc.

Ông là người đầu tiên có công khai phá vùng đất Nam bộ, khai khẩn đất hoang hóa, cải tạo đồng hoang thành làng mạc, lập nên 10 làng, ấp và xây nhiều đình chùa ở tỉnh Vĩnh Long và An Giang, nổi bật nhất là tiến hành đào hai con kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà dài trên 100 km từ An Giang ra tận Biển Tây, tạo thành tuyến thủy lộ nội địa quan trọng để vận chuyển hàng hóa, giúp dân đi lại dễ dàng, giao thương mua bán, chấm dứt tình trạng đi đường vòng bằng đường biển, đặc biệt là đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển du lịch.

Để tưởng nhớ công ơn của ông, sau khi danh thần Thoại Ngọc Hầu mất, nhân dân tỉnh An Giang đã an táng, lập đền thờ ông tại phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc và đưa di tích lăng Thoại Ngọc Hầu vào quần thể di tích kiến trúc lịch sử văn hóa cấp quốc gia gồm: Lăng Thoại Ngọc Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ, chùa Tây An, chùa Phước Điền (còn gọi là Chùa Hang).

Cùng ngày, tại Nhà thờ danh tướng Thoại Ngọc Hầu nằm trên địa bàn phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đã diễn ra lễ tưởng niệm 186 năm ngày mất của Thoại Ngọc Hầu.

Thoại Trung - Đinh Nhiều (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm