Hậu bầu cử 'Siêu thứ Ba': Đường đua tập trung vào Biden và Sanders

05/03/2020 21:06 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sau ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” năm nay, đường đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ đã trở nên rõ nét với 2 gương mặt ứng cử viên sáng giá là cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.

Bầu cử Mỹ 2020: Ứng cử viên Joe Biden, Bernie Sanders tiếp tục phân chia chiến thắng

Bầu cử Mỹ 2020: Ứng cử viên Joe Biden, Bernie Sanders tiếp tục phân chia chiến thắng

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục giành chiến thắng tại bang Tennessee và Oklahoma, nâng tổng số bang ông giành chiến thắng tính đến thời điểm này lên con số 5 trong ngày bầu cử "Siêu thứ Ba" 3/3 (theo giờ Mỹ).

Định hình cuộc đua song mã

Ngày 3-3 là ngày bầu cử sơ bộ lớn nhất trong tiến trình bầu cử Mỹ. Trong ngày “Siêu thứ Ba” năm nay, vùng lãnh thổ Samoa và 14 bang của Mỹ đã tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ theo hình thức họp kín (caucus) hay bỏ phiếu (primary) nhằm tìm ra gương mặt đại diện đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng năm nay. Các ứng cử viên tham gia tranh cử gồm cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, cựu Thị trưởng thành phố South Bend Pete Buttigieg, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, cựu Thị trưởng thành phố New York, tỉ phú Michael Bloomberg, bà Elizabeth Warren. Tuy nhiên cựu Thị trưởng Indiana Bend Pete Buttigieg, Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg đã tuyên bố rời khởi cuộc đua.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden còn rất được lòng các cử tri là tầng lớp lao động da trắng, nhóm người đã giúp Tổng thống đương nhiệm Donald Trump giành chiến thắng vào năm 2016

Kết quả bỏ phiếu sơ bộ ngày bầu cử “Siêu thứ ba” được công bố ngày 4-3 cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã giành lợi thế áp đảo trước Thượng nghị sĩ Bernie Sanders với thắng lợi liên tiếp tại 10 bang gồm Texas, Virginia, Alabama, Oklahoma, Tennessee, Minnesota, Arkansas, Bắc Carolina, Massachusetts và Maine. Trong đó, chiến thắng ở Bắc Carolina và Virginia là những kết quả rất quan trọng vì đây là những bang "chiến lược" mang tính quyết định trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Không chỉ giành chiến thắng liên tiếp ở các bang bầu cử, cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden còn nhận được sự ủng hộ của các ứng cử viên khác hiện đã rời khỏi cuộc đua như Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar, cựu Thị trưởng Indiana Pete Buttigieg, cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg và một số người khác.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Vermont Sanders đạt kết quả khiêm tốn hơn khi chỉ về nhất tại các bang Colorado, Utah, California và Vermont, vốn được xem là "sân nhà" của ông. Tuy nhiên, chiến thắng tại California hết sức đặc biệt bởi đây là bang có số đại biểu lớn nhất của đảng Dân chủ với 415 đại biểu.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Joe Biden giành được 566 phiếu đại biểu, trong khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders giành được 501 phiếu. Ngoài ra, trong ngày "Siêu thứ Ba", cựu Thị trưởng thành phố New York - ứng cử viên Michael Bloomberg đã giành chiến thắng tại vùng lãnh thổ Samoa.

Như vậy, sau ngày bầu cử “Siêu thứ Ba” năm nay, chặng đua sắp tới của cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ dường như sẽ chỉ còn tập trung vào hai ứng cử viên “ngang tài, ngang sức” là cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.

Ứng cử viên Biden

Với kết quả của ngày "Siêu thứ Ba", ứng cử viên Biden, ứng cử viên có lập trường ôn hòa được dự đoán sẽ là ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí đề cử của đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump của đảng Cộng hòa trong ngày tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 11 tới nhờ bề dày và kinh nghiệm chính trị sâu rộng của mình trong suốt hơn 40 năm qua. Không những vậy, ông Joe Biden còn rất được lòng các cử tri là tầng lớp lao động da trắng, nhóm người đã giúp Tổng thống đương nhiệm Donald Trump giành chiến thắng vào năm 2016. Như vậy, nếu ông Joe Biden được bầu chọn là ứng cử viên tổng thống chính thức của đảng Dân chủ, cả hai sẽ phải cạnh tranh tại các tiểu bang Trung Đông Bắc được xem là vùng vành đai công nghiệp và Trung Tây - nơi ông Trump đã giành chiến thắng trước phe Dân chủ bằng cách tập trung khai thác vấn đề khó khăn kinh tế tại bang này.

Bên cạnh đó, cựu Phó Tổng thống Biden còn có lợi thế khi nhận được sự ủng hộ phần lớn từ các cộng đồng người Mỹ gốc Phi và những cử tri trung lập, không chỉ ở bang South Carolina mà còn ở một số bang khác như Alabama và đây chính là lý do giúp ông giành chiến thắng tại bang này trong ngày “Siêu thứ Ba”. Ngoài ra, việc hai ứng cử viên nặng ký là Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và cựu Thị trưởng Indiana Pete Buttigieg cùng tuyên bố rời khỏi cuộc đua một ngày trước cuộc bầu cử "Siêu thứ Ba" và công khai ủng hộ cựu Phó Tổng thống Biden đã giúp ông có được sự ủng hộ của các cử tri từng ủng hộ cho hai ứng cử viên này.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước của ông Biden vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức để có thể cạnh tranh vị trí dẫn đầu với đối thủ nặng ký của mình là Thượng nghị sĩ Sanders.

Ứng viên Sanders

Nếu như ông Biden nhận được sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Phi thì Thượng nghị sĩ Sanders, ứng cử viên có tư tưởng tả khuynh, được coi là "lực hút" hấp dẫn với cử tri theo quan điểm tự do, trong đó có nhóm người Mỹ gốc Latinh. Hơn nữa, ban vận động tranh cử của ông đã thiết lập được một liên minh đa thế hệ, đa chủng tộc nhằm khai thác hiệu quả sự ủng hộ của các cử tri trẻ và có nguồn lực tài chính khá dồi dào. Những yếu tố này được xem là điểm tựa vững chắc để Thượng nghị sĩ bang Vermont Sanders tiếp tục tiến xa hơn nữa. Tính đến sáng 1-3, ông Sanders cho biết đã gây quỹ được 46,5 triệu USD trong tháng 2, số tiền lớn nhất trong số các ứng cử viên.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Sanders đã tập trung vào lời hứa về một hệ thống y tế “Medicare cho tất cả”, xóa nợ y tế và nợ sinh viên, xây dựng hệ thống cao đẳng công lập, đại học, trường dạy nghề miễn phí; song song với các biện pháp đánh thuế giới nhà giàu. Ông Sanders còn có một chiến dịch tranh cử bài bản, với nhiều nội dung đã được triển khai từ năm 2015, cùng một mạng lưới các nhà tài trợ và tình nguyện trải dài trên toàn nước Mỹ.

Tuy nhiên, việc ông Sanders tự nhận mình là “nhà xã hội dân chủ” là điểm gây lo ngại khi sự đoàn kết và thống nhất được xem là yếu tố then chốt cần có nếu đảng Dân chủ muốn đánh bại Tổng thống Donald Trump. Cùng với đó, sự cứng nhắc trong tư tưởng của ứng cử viên này là yếu tố chính hạn chế lực lượng ủng hộ ông, khiến ông khó lòng củng cố nền tảng cử tri của mình.

Sau cuộc bầu cử “Siêu thứ Ba”, các cuộc bầu cử của đảng Dân chủ tiếp tục diễn ra ở các bang khác trên toàn nước Mỹ cho tới hết tháng 6 trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ được tổ chức từ ngày 13 đến 16-7 tại nhà thi đấu đa năng Fiserv Forum, thành phố Milwaukee thuộc tiểu bang miền Trung Tây Wisconsin. Để được bầu làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho Đảng Dân chủ, một ứng cử viên phải giành được tối thiểu 1.991 phiếu đại biểu trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ. Điều này đòi hỏi hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders phải đưa ra chiến lược rõ ràng nhằm phát huy lợi thế để có thể tiếp tục chiến thắng trong các bang bầu cử còn lại, hướng tới Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ.

Thanh Lâm - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm