“Giải cứu” vỉa hè đô thị Việt Nam

04/12/2010 19:40 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nhằm đưa ra các giải pháp cải tạo, xây mới vỉa hè phù hợp với cấu trúc đô thị, bảo tồn nét cổ kính khu vực phố cổ, phố cũ... Chiều 3/12, buổi tọa đàm Cà phê Kiến trúc mang tên Vỉa hè đô thị do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn tổ chức đã phần nào đưa ra được những giải pháp cho vấn đề trên.

Trải qua gần trăm năm phát triển đô thị, phần lớn các vỉa hè trở nên chật trội, tổ chức lộn xộn, thiếu an toàn, thẩm mỹ... làm nhếch nhác đô thị, ách tắc giao thông (vỉa hè là quán ăn, giải khát, siêu thị khổng lồ, cơ quan thông tin, phòng ngủ, toa-lét, nhà máy nước, công viên, ga-ra, lòng đường...).

Vỉa hè là bậc tam cấp giữa lòng đường với nhà

KTS Lê Thị Bích Thuận chỉ ra rằng: “Các đô thị hiện đại trên thế giới hiện nay đang đánh mất dần xu hướng giao lưu cộng đồng qua vỉa hè. Nếu đến những nước phát triển, chúng ta không thấy mấy người đi trên vỉa hè nữa. Còn ở Việt Nam, vỉa hè là cả một cộng đồng rất vui vẻ và người ta đã khai thác vỉa hè một cách triệt để. Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác được cho là tốt thì vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ, cả người bình thường cho đến những người khuyết tật thường rất khó khăn đi lại được trên vỉa hè ở Việt Nam vì vỉa hè đã được tận dụng cho các dịch vụ khác như gửi xe, ăn uống.

Bà Thuận nhắc lại lời của KTS Nguyễn Văn Tất: “Paris là kinh đô của ánh sáng mà cho tới giờ người ta vẫn giữ những sạp báo lề đường, những ki-ốt bán sách cũ dọc sông Seine... Đó là những hình ảnh mộc mạc vô cùng nổi tiếng trên bản đồ thế giới. Vậy mà thành phố mình, nổi tiếng năng động, từ anh xích lô đến người dân bình thường sáng nào chưa đọc báo coi như chưa súc miệng, nhưng cả thành phố có rất ít những chỗ bán báo đàng hoàng! Chủ yếu là bán báo dạo, dù tiện nhưng lại cho thấy hiện đang có rất nhiều người thất nghiệp, thu nhập thấp ở các tỉnh lẻ lên thành phố bán báo... Rồi chuyện lát gạch dày kín không còn chỗ thấm nước, rất may là khi tiếng nói của giới kiến trúc sư lọt vào tai lãnh đạo thành phố, chỉ hai tuần sau có “chuyển động”. Nhưng chuyện đó lại ẩn chứa một nguy cơ khác: một mét vuông hoa đắt hơn một mét vuông gạch, lấy tiền đâu để nuôi hoa?


“Quán cóc” vỉa hè là nét đặc trưng của các đô thị Việt Nam

KTS Nguyễn Thị Hồng Vân (Phòng NC Phát triển Đô thị & Công trình Kiến trúc) đưa ra quan điểm: “Khi phương tiện giao thông cơ giới phát triển, vỉa hè là không gian kỹ thuật được xây dựng gắn liền với đường phố. Ngoài là không gian thiết yếu của người đi bộ, vỉa hè là nơi lắp đặt các thiết bị đường phố và bố trí các công trình hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh bóng mát và cây xanh trang trí đường phố. Nó không chỉ là không gian đệm ngăn cách giữa đường giao thông cơ giới và công trình mà còn là không gian giao tiếp công cộng lớn nhất và quan trọng nhất của cư dân đô thị, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, các sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động kinh doanh ở một mức độ nhất định, là bộ mặt của đường phố.

Tuy nhiên, khi đô thị phát triển và mở rộng, đặc biệt là tại các đô thị lớn: sự cân bằng vốn có bị phá vỡ, vỉa hè trở thành phần lòng đường mở rộng, vai trò của vỉa hè ngày nay chỉ như là cái bậc tam cấp ngăn giữa lòng đường với ngôi nhà...”.

Cần có một công ty quản lý vỉa hè

Nhiều ý kiến của các KTS cho rằng, nếu có cái nhìn khác đi, thay vì giải tỏa với khối lượng vô cùng lớn để mở rộng đường và xây công trình, hãy để dành mở rộng vỉa hè và để trống cho một số sinh hoạt cộng đồng khác.

Khi đã chủ động sắp xếp thì Nhà nước đủ sức để quy hoạch và cho thuê vỉa hè. Từ nguồn thu này có thể đầu tư nâng cấp nhiều thứ cho vỉa hè. Đối với từng vỉa hè hiện hữu, cần có những quy định sử dụng khác nhau, và tùy theo tính chất phố thị, độ rộng hẹp của vỉa hè mà có cách quản lý khác nhau. Nói cách khác, Nhà nước phải sở hữu hóa quyền sử dụng lề đường, cái nào cấm, cái nào được sử dụng, được đấu giá...

KTS Lê Thị Thúy Hà đưa ra ví dụ: “Việc thu phí kinh doanh vỉa hè ở Hội An diễn ra nề nếp và chỉn chu, không phải chỉ vì quy mô buôn bán kinh doanh nhỏ và đơn giản mà vì chính quyền Hội An đã rất nghiêm khắc, quy định cụ thể với từng gia đình chịu trách nhiệm không gian kinh doanh trước nhà mình. Nếu những ai vi phạm vượt quá phạm vi cho phép thì chủ hộ sẽ bị phạt. Có thể có hẳn một công ty chuyên quản lý việc kinh doanh, khai thác vỉa hè đô thị. Từ việc khai thác hợp lý, vỉa hè sẽ đáp ứng công năng sinh hoạt đô thị. Tất nhiên là phải tùy theo cấu trúc hiện trạng của từng vỉa hè, từng con phố mà nghiên cứu cách sử dụng khác nhau”.

Bà Hà dẫn chứng: “Liên sở Tài chính và Giao thông Vận tải TP.HCM vừa hoàn tất dự thảo thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè - lòng - lề đường trên địa bàn. Theo đó, mức thu dự kiến trên các tuyến phố chính từ 10.000 đến 50.000 đồng/m2/tháng.

Trường hợp sử dụng vỉa hè - lòng - lề đường để giữ xe, đậu xe công cộng có thu phí thì mức thu đề xuất 20.000 đến 70.000 đồng/m2/tháng. Riêng sử dụng vỉa hè - lòng - lề đường để xe tự quản, phục vụ kinh doanh trong nhà, mức thu đề xuất 10.000 - 35.000 đồng/m2/tháng”.  

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm