Giá trông giữ xe tại trung tâm Hà Nội: Nhà giàu cũng khóc, Grab Uber sẽ nở rộ

04/01/2018 11:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân, thành phố Hà Nội đã đồng loạt áp dụng tăng mức giá sử dụng lòng đường, hè phố mới khá cao bắt đầu từ ngày 1/1. Tại một số điểm trông giữ xe, lượng phương tiện sụt giảm khá lớn so với trước khi tăng giá.

Nhiều chủ xe ôtô tỏ ra phàn nàn vì giá trông giữ xe cao ngất ngưởng, đồng thời cũng tính toán đến hướng sử dụng taxi công nghệ như GrabUber làm phương tiện đi lại cho giảm chi phí bãi đỗ, xăng xe.

Nhà giàu cũng… “khóc”

Theo đó, mức phí sử dụng lòng đường hè phố sẽ tăng khoảng 300% đối với các tuyến phố cần hạn chế, hầu hết nằm trên 12 tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm. Các khu vực tính từ trung tâm thành phố đến đường vành đai 3 cũng tăng dao động từ 130-250%; giữ nguyên mức phí từ ngoài vành đai 3 đến khu vực ngoại thành.

Riêng đối với các điểm ứng dụng công nghệ trông giữ xe thông minh (iparking), được đề xuất thu phí theo tỷ lệ 30% doanh thu. Mức phí trông giữ phương tiện xe máy tăng 3.000-5.000 đồng/xe/lượt, ôtô tăng 30.000-50.000 đồng/xe/lượt. Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1,7 triệu đồng lên 2,6 triệu đồng/ôtô. Các trung tâm thương mại, tòa nhà, giá trông giữ phương tiện vẫn giữ nguyên.

Chú thích ảnh
Nhằm hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân, thành phố Hà Nội đã đồng loạt áp dụng tăng mức giá sử dụng lòng đường, hè phố mới khá cao. Ảnh: Nguyễn Hằng/Vietnam+

Đỗ gọn chiếc xe nhãn hiệu Toyta Vios sát lòng đường Lý Thường Kiệt, anh Trần Văn Thắng, làm việc tại tòa nhà trên phố này bảo, trước đây, đỗ 2 tiếng mất 30.000 đồng nhưng giờ áp dụng quy định mới thì giá tăng gấp đôi. Chưa kể, chủ xe đỗ từ giờ thứ 3 và thứ 4 thu 35.000 đồng; từ giờ thứ 5 trở đi mỗi giờ thu 45.000 đồng.

Do đặc thù công việc phải sử dụng ôtô đi lại nhiều nên anh Thắng ước tính, mỗi ngày nếu chỉ để xe khoảng chừng 8-9 tiếng thì phải móc hầu bao khoảng trên dưới 300.000 đồng/ngày.

“Điểm trông giữ xe ở tuyến đường này trước đây rất đông, từ khi giá trông giữ xe tăng, lượng xe vào gửi giảm hẳn. Giá cao ‘cắt cổ’ như này sẽ khiến nhiều chủ xe phải ‘chùn tay’ khia ra đường vì cần tính toán đến thu nhập để trang trải chi phí ngoài xăng xe còn giá bến bãi đỗ,” anh Thắng chia sẻ.

Thở dài và lắc đầu ngao ngán, anh Thắng cũng tính đến chuyện sẽ chuyển sang sử dụng đi taxi công nghệ như Uber hay Grab bởi lượng xe này nhiều, hơn nữa lại có nhiều chương trình khuyến mại và giảm giá nhằm thu hút hành khách đi xe.

Tại các điểm trông giữ xe dọc tuyến đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, lượng khách vắng hẳn đi sau khi giá gửi xe tăng từ ngày đầu năm nay, chỉ được một nửa so với trước.

Theo một nhân viên trông giữ ở tuyến đường này, trước đây, đường này xe ra vào gửi tấp nập, thậm chí còn không có chỗ gửi ban ngày do xe đông. Hiện giờ, xe gửi chủ yếu là theo tháng nhưng giá cũng lên tới 2 triệu đồng nên một số chủ xe cũng đang cân nhắc, tính toán không biết tháng sau sẽ ra sao.

Riêng với xe máy, mức giá trông giữ tăng nhẹ nên đa phần các chủ xe ít phản ứng.

Xe cá nhân có giảm?

Thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện nay tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố là 91,1ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe. Trong khi đó, hiện Hà Nội có khoảng 5,5 triệu phương tiện, mỗi năm tăng thêm 17% lượng ôtô, 11% lượng xe máy tạo nên áp lực giao thông rất lớn.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, việc tăng giá để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, thúc đẩy vận tải công cộng phát triển.

Một số chuyên gia giao thông cho rằng, ùn tắc giao thông đang là vấn nạn tại các đô thị trên thế giới. Ngoài các giải pháp phát triển hạ tầng, vận tải công cộng, thu phí vào nội đô giờ cao điểm, ứng dụng giao thông thông minh.. thì việc tăng giá dịch vụ trông giữ xe cũng là một biện pháp mạnh để hạn chế xe cá nhân.

“Xe cá nhân sẽ giảm nhưng hiện nay lượng xe Grab, Uber đang ‘nở rộ’ dù các tỉnh thành đều đủ khả năng và thẩm quyền để khống chế về số lượng xe thí điểm hợp đồng điện tử này. Do đó, việc hạn chế xe cá nhân chỉ giảm được quá ít. Cái quan trọng đó là số lượng xe máy hiện đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt và là một trong các thủ phạm gây ùn tắc giao thông đô thị trong bối cảnh hạ tầng chưa được cải thiện nhiều,” vị chuyên gia này phân tích.

Hơn nữa, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia cũng nhìn nhận, hạ tầng hiện nay không đủ sức để gánh thêm lượng xe buýt gia tăng trên mặt đường. Xe buýt chỉ là kết nối với các tuyến đường sắt đô thị. Do đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị khối lượng lớn đã được phê duyệt và quy hoạch đi qua các quận mới là giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Hà Nội thí điểm iParking thanh toán phí trông giữ xe ôtô qua điện thoại

Hà Nội thí điểm iParking thanh toán phí trông giữ xe ôtô qua điện thoại

iParking hỗ trợ nhiều phương thức thanh toán thuận tiện như thẻ thanh toán quốc tế, thẻ ATM nội địa, tin nhắn SMS

Việt Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm