Giá điện sẽ “tiệm cận” mức giá thị trường

15/03/2012 10:38 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Để các thành phần kinh tế tăng cường đầu tư phát triển ngành điện thì giá điện phải đảm bảo bù đắp được chi phí sản xuất và có lợi nhuận hợp lý. Tuy nhiên giá điện như hiện nay lại thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Đó là vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường” do Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 14/3, tại Hà Nội.

Tăng giá nhưng phải minh bạch

Theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, trong 10 năm qua, nước ta đã điều chỉnh giá điện tăng 7 lần, với mức điều chỉnh năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể từ năm 2002 đến 2011 đã tăng 75,7% nhưng nếu quy đổi sang USD thì giá điện chỉ tăng 29,9%. Giá điện thấp là một trong những nguyên nhân đẩy cầu về điện lên cao và khuyến khích người sử dụng điện một cách lãng phí. Giá điện rẻ không chỉ tạo điều kiện sử dụng điện lãng phí ở quy mô lớn, doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu tiêu tốn điện năng nhiều mà còn hạn chế việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác.

Giá điện sẽ tăng tiệm cận giá thị trường

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, dù giá điện đã từng bước được điều chỉnh theo lộ trình nhưng vẫn chưa phản ánh hết được biến động của các chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào hợp lý. Giá điện phải dần bù đắp được các chi phí thực tế, hợp lý khi bỏ ra sản xuất và kinh doanh điện; trong đó có cả các chi phí sản xuất, kinh doanh điện còn "treo" lại chưa được tính vào phương án giá điện như hiện nay. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ cho hộ sử dụng điện là hộ nghèo, hộ thu nhập thấp cần tiếp tục được thực hiện, đồng thời thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định và công bố công khai để bảo đảm sự minh bạch, tạo đồng thuận trong xã hội.

Đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Điện là một mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, dù giá có tăng bao nhiêu thì người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể chấp nhận những áp đặt thiếu minh bạch, không hợp lý. Giá điện chỉ có thể tăng khi các vật tư đầu vào như: dầu khí, than... tăng nhưng không thể tăng để bù lỗ cho những hoạt động quản lý yếu kém và trả lương không hợp lý cho ngành điện. Muốn để cho người tiêu dùng có thể thông cảm với việc tăng giá điện, thì mọi hoạt động của ngành điện cần phải được công khai minh bạch hơn.

Chưa có đề xuất tăng giá điện

Về thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng phương án điều chỉnh giá bán điện trong năm nay, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Đặng Huy Cường cho biết, hiện nay, Bộ Công thương chưa nhận được bất kỳ một đề xuất nào về tăng giá điện từ EVN. Trong Quyết định 24/2011 của Thủ tướng về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá điện phải tránh điều chỉnh thường xuyên nhưng cũng tránh để quá lâu, do đó mới mở ra cơ chế cho phép 3 tháng có thể điều chỉnh một lần nếu đầu vào biến động mạnh. Về lý thuyết là một năm EVN có thể điều chỉnh giá điện 4 lần nhưng phải tùy theo tình hình cụ thể, sức chịu đựng của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ tham khảo, thống nhất việc điều chỉnh giá điện của EVN.

Lý giải về việc giá điện chỉ có tăng, chưa bao giờ giảm, ông Đặng Huy Cường cho rằng, việc tăng giảm giá điện hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào. Từ trước đến nay EVN chưa bao giờ được các đơn vị bán điện giảm giá bán, trong khi các yếu tố đầu vào liên tục tăng qua các năm nên khó có thể giảm giá bán điện.

Ông Đặng Huy Cường khẳng định, các khoản lỗ không phải do đầu tư vào điện thì EVN sẽ không được thu hồi thông qua giá điện. Tuy nhiên, năm 2010, EVN lỗ do kinh doanh 8.000 tỷ và lỗ do chênh lệch tỷ giá 15.000 tỷ nữa, khoản lỗ này phải bù vào giá điện, Bộ Công thương sẽ bàn bạc với Bộ Tài chính để xin ý kiến Chính phủ. Nhưng khoản lỗ này thu hồi trong bao nhiêu năm cũng chưa thể khẳng định ngay được.

Tại hội thảo, đại diện Bộ Tài chính một lần nữa nhấn mạnh, theo lộ trình đến năm 2013 thì các mặt hàng thiết yếu trong đó có điện sẽ tiệm cận giá thị trường, tức là cũng phải có lộ trình tăng giá điện để đến năm đó giá điện tiệm cận giá thị trường.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm