Du lịch Thái Lan 'sống sót' thế nào trước biến động chính trị?

23/05/2014 08:10 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) – Trên hầu hết các thành phố và thủ đô Bangkok của Thái Lan, lính vũ trang, xe quân sự đã phong tỏa trên khắp các đường phố sau khi quân đội nước này – đây được xem là dấu hiệu đáng báo động trong tình hình chính trị của quốc gia Đông Nam Á này. 

Năm 1932, Thái Lan chính thức chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến. Kể từ đó, quốc gia này đã trải qua ít nhất 18 lần tiếp quản quân sự. 

Kể từ tháng 10/2013, các cuộc biểu tình và đe dọa bạo lực lan rộng trên khắp cả nước, đặc biệt là thủ đô Bangkok khiến người dân ở đây không còn quá lạ lẫm với tình trạng rối ren và hỗn loạn này.

Sau khi lệnh thiết quân luật được ban hành hôm 20/5, dường như Thái Lan vẫn không có gì thay đổi ngoài sự kiểm soát hoàn toàn của quân đội trên cả nước. Vẫn là những buổi sáng người đi làm hối hả vì ùn tắc giao thông hay học sinh chen chúc trên những chiếc xe buýt đông nghịt người.
 
Như thường ngày, người dân địa phương dễ dàng bắt gặp hình ảnh các binh lính hay nhân viên quân sự uy nghiêm cầm súng. Ở các phương tiện truyền thông xã hội, không khó để tìm thấy những dòng trạng thái như “Hãy cho tôi thấy bạn là một người lính đáng yêu” kèm theo những hình ảnh đẹp về các binh lính trên Twitter. 
 
Du lịch Thái Lan lao đao

Các cuộc biểu tình trên đường phố, các cuộc tấn công bằng lựu đạn hay thiết quân luật giờ đây đã trở thành “một phần” cuộc sống của người dân Vương quốc Chùa Vàng. Tuy nhiên những tháng gần đây, các cuộc xung đột chính trị đã ảnh hưởng nặng nề và gián tiếp giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp du lịch nước này.

Lượng khách du lịch tới Thái Lan giảm 17% so với cùng kì năm trước trong giai đoạn 1/11/2013 đến 18/3/2014 và giảm 21% trong giai đoạn từ ngày 1/1 năm nay, Olivier Jager - Giám đốc điều hành công ty du lịch ForwardKeys cho hay.
 
Tuy nhiên, ông Olivier cũng cho biết dù lệnh ban bố thiết quân luật có tác động đến tỷ lệ này hay không thì ngành công nghiệp không khói đã có một dấu hiệu tích cực mạnh mẽ, và tự khẳng định sự phục hồi chậm tuy chậm chạp nhưng chắc chắn trong những tuần gần đây.

“Thực tế, trong tháng 4, tỷ lệ khách du lịch đến Thái Lan chỉ còn giảm 6% so với năm ngoái”, Giám đốc điều hành ForwardKeys nói.

Một nhân viên văn phòng đi qua binh lính có vũ trang bên ngoài tòa nhà văn phòng Shinawatra Tower 2 tại Bangkok vào ngày 20/5.

Hiện nay, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực du lịch chỉ còn biết hy vọng điều này sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng.

“Người dân Thái chỉ còn biết chờ đợi, quan sát và hy vọng sự ổn định chính trị sẽ trở về với đất nước  càng sớm càng tốt”, Mason Florence, giám đốc điều hành Văn phòng Điều phối du lịch Mê Kông chia sẻ.
 
“Trong những năm qua, Thái Lan đã chứng minh sức sống và sự chịu đựng bền bỉ của mình sau rất nhiều cuộc đảo chính, thiên tai hay khủng hoảng chính trị. Có lẽ nhiều người sẽ ra các đặt câu hỏi… nhưng chắc chắn là tôi sẽ tiếp tục trở lại đây”.

Florence nói thêm, ngoài Thái Lan, nhiều du khách quốc tế còn muốn đặt chân khám phá tới những vùng đất khác như Campuchia, Lào và Myanmar.
 
“Trước đây, hầu như các tour du lịch vòng quanh các nước trong khu vực sông Mekong sẽ có điểm bắt đầu và kết thúc hành trình tại thủ đô Bangkok, nhưng trong những năm gần đây, sự hợp tác du lịch giữa các nước ngày càng phát triển, giúp du khách ngày càng có nhiều lựa chọn hơn. Vì vậy, Thái Lan sẽ phải cố gắng hơn nữa để có thể giữ lại lợi thế cạnh tranh của mình trong khu vực”.
 
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới, năm 2013, du lịch Thái Lan đã đóng góp 2,4 nghìn tỷ baht (73,8 tỷ USD) cho GDP của nước này, tương đương 20% tổng GDP quốc gia.

Cũng trong năm 2013, ngành công nghiệp này còn tạo ra 2.563.000 việc làm trực tiếp – tương đương 6,6% tổng số việc làm trong tất cả các lĩnh vực và dự báo sẽ giảm 7,2% xuống còn 2.377.500 trong năm 2014.

Bangkok ảnh hưởng nặng nề 

Trao đổi với hãng tin CNN, một số khách du lịch Bangkok cho biết có thể dễ dàng để tránh các cuộc biểu tình bằng cách cập nhật tin tức thường xuyên. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, hàng chục quốc gia đã cảnh báo về tình hình đầy biến động và nguy hiểm ở thủ đô Thái Lan đồng thời khuyến cáo công dân nước mình hạn chế du lịch tới khu vực này. 

Thay vào đó, các nước đưa ra gợi ý các địa điểm du lịch an toàn khác ở Thái Lan như Chiang Mai, Koh Samui hay Phuket để du khách có thể có thêm lựa chọn.

Không đáng ngạc nhiên khi kết quả cho thấy các khách sạn Bangkok báo cáo tỷ lệ khách du lịch quốc tế trong quý đầu tiên của năm 2014 đã giảm đáng kể và ảnh hưởng trực tiếp đến tổng thu nhập của cả quốc gia, theo số liệu của công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường ngành khách sạn STR Global.

Tỷ lệ đặt phòng ở thủ đô đất nước Triệu Voi đã giảm xuống 55,2% trong quý 1 năm 2014 (so với 79,7% trong quý 1 năm 2013).

Binh sĩ Thái Lan đứng gác tại một trạm kiểm soát ở ngoại ô Bangkok ngày 22/5.

“2013 là một năm tốt đẹp cho các khách sạn ở Bangkok, tuy nhiên, 2014 đã có một khởi đầu đầy khó khăn. Trong tháng 2 và tháng 3, Bangkok đã có một báo cáo về số liệu thu nhập thấp nhất kể từ tháng 8/2010. Mối quan tâm lơn nhất khiến nhiều công ty du lịch đau đầu hiện nay là cho đến bao giờ cuộc xung đột sẽ đến hồi kết thúc?”, Elizabeth Winkle, Giám đốc điều hành STR Global cho biết.

Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn ở Thái Lan đã không ngăn chân được nhiều du khách đến với quốc gia Đông Nam Á này.

Maeve Nolan, quản lý chung chuyên gia du lịch Du lịch Châu Á Backyard Travel nói rằng rất nhiều khách du lịch đã không hủy bỏ các chuyến bay đến Thái Lan khi tình hình chính trị ở quốc gia này bắt đầu nóng lên từ cuối tháng 11 năm ngoái. 

“Tôi nghĩ rằng các khách sạn nhất định sẽ bị phụ thuộc vào thương mại châu Á, tuy nhiên chúng tôi chưa thấy bất kỳ tác động tiêu cực nào đến công việc kinh doanh. Một yếu tố khác là chúng tôi bán các tour du lịch được liên kết tổ chức nhiều ngày trên khắp Thái Lan nên khách hàng có thể linh hoạt thay đổi hành trình nếu muốn tránh tình hình hỗn loạn ở Bangkok”, bà Maeve Nolan tiết lộ thêm.

Tại Hoa Kỳ, Asia Transpacific Journeys (ATJ) - một công ty du lịch chuyên về các chuyến đi đến châu Á cho biết việc đặt vé sang Thái Lan vẫn ổn định trong suốt đợt biến động này hay thời gian bất ổn khác.

“Đối với Thái Lan, con số về du lịch hiện nay vẫn giống như những gì thu được trong hai năm qua. Công ty không nhận được bất kì yêu cầu hủy tour nào trước tình hình chính trị căng thẳng như hiện nay”, Eric Kareus - giám đốc bán hàng công ty nhận định. 

“Chúng tôi đã nghe nhiều doanh nghiệp châu Âu tại Thái Lan than phiền về tình hình sút giảm tỷ lệ khách hàng nhưng may mắn thay, công ty chúng tôi không có bất kỳ biến động nào”. 

Kareus nói mỗi năm, công ty của ông tổ chức 3000 tour du lịch đến châu Á, trong đó có đến khoảng 40% lượng du khách chọn Thái Lan là địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng.

“Khách du lịch xem Thái Lan như một cửa ngõ để đến các quốc gia khác ở châu Á. Họ có thể ở lại Bangkok trong 3 hoặc 4 đêm hoặc ở lại Thái Lan hàng tuần”.

ATJ xem Thái Lan là thị trường chính nên công ty này vẫn đề ra các chính sách tư vấn cho khách hàng hay thận trọng hơn về hướng phát triển gần đây để không ảnh hưởng đến thương mại du lịch chung. 

 “Năm 2008, sự kiện những người biểu tình Thái Lan đóng cửa sân bay thực sự là một cơn ác mộng cho chúng tôi, không chỉ riêng về vấn đề an toàn du lịch mà nó còn nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp trong ngành công nghiệp này”, Giám đốc bán hàng ATJ cho biết . 

“Nhưng trong các cuộc biểu tình tháng 11/2013 và tháng 3/2014, ATJ không nhận được bất kỳ yêu cầu hủy tour nào. Chúng tôi rất lo ngại cho khách hàng nhưng họ vẫn tiếp tục kế hoạch du lịch đến Thái Lan”. 

Tuy nhiên, một số quốc gia đã đưa ra cảnh báo cho khách du lịch là công dân của nước mình kể từ khi thiết quân luật được ban bố vào ngày 20/5. 

“Công dân Mỹ nên cảnh giác, thận trọng và theo dõi sát sao các phương tiện truyền thông. Các bạn nên làm theo hướng dẫn của chính quyền Thái Lan”, một thông báo an ninh được Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok đưa ra trước tình hình rối ren đang xảy ra ở Vương quốc Chùa Vàng. 

Hải Yến
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm