Dịch COVID-19 ngày 16/11: Thế giới có hơn 54,97 triệu ca bệnh, 1.326.860 ca tử vong

16/11/2020 22:34 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang worldometers.info, tính đến 22h ngày 16/11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 54,97 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.326.860 ca tử vong. Hơn 38,243 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi trong khi vẫn còn hơn 15,407 triệu bệnh nhân vẫn đang điều trị.

Dịch COVID-19: WHO ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới kỷ lục từ khi bùng phát dịch

Dịch COVID-19: WHO ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới kỷ lục từ khi bùng phát dịch

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ghi nhận theo ngày trên thế giới đã lập mức kỷ lục mới vào cuối tuần qua. 

Ấn Độ - tâm dịch của châu Á thông báo số ca mắc COVID-19 đã lên tới 8.845.127 ca sau khi nước này ngày 16/11 ghi nhận 30.548 ca mắc mới. Số liệu mới nhất được Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 16/11 cũng cho thấy có thêm 435 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 130.070 ca. Hiện vẫn còn 465.478 bệnh nhân đang được điều trị trên cả nước.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah cho biết Ấn Độ sẽ điều động các bác sĩ từ các khu vực khác đến thủ đô New Delhi, đồng thời tăng gấp đôi số lượng xét nghiệm tầm soát COVID-19 được thực hiện tại đây và đảm bảo việc người dân thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 25/10/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong hơn 1 tuần qua, số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Ấn Độ đã được kiềm chế ở mức dưới 50.000 trường hợp - giảm gần 50% so với con số ghi nhận ở thời điểm đỉnh dịch. Mặc dù vậy, trong 5 ngày qua, số bệnh nhân mới tại thủ đô New Delhi vẫn lên tới hơn 7.000 trường hợp mỗi ngày - một con số cao kỷ lục. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cảnh báo tình hình dịch bệnh tại đây còn có thể "tiếp tục xấu đi trong vài tuần tới”.

Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này đã ghi nhận thêm 223 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 193 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 28.769 trường hợp. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 200 ca/ngày.

KCDA cho rằng chính sự gia tăng mạnh mẽ của các chuỗi lây nhiễm tập thể xuất phát từ các hoạt động sinh hoạt nhóm của các cá nhân và các cơ sở công cộng trên toàn quốc đã khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong việc truy vết cũng như ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Cơ quan này đang cân nhắc nâng mức giãn cách xã hội từ cấp 1 lên cấp 1,5 để kìm hãm đà lây lan của virus SARS-CoV-2. Hàn Quốc đã duy trì chương trình giãn cách xã hội cấp độ 1 theo hệ thống 5 cấp độ trên toàn quốc kể từ đầu tháng 11 này.

Tại Đông Nam Á, Indonesia, Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới trong ngày 16/11. Bộ Y tế Indonesia thông báo đã thêm 3.535 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 470.648 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 85 ca tử vong mới do dịch bệnh nguy hiểm này, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 15.296 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Nam Tangerang, tỉnh Banten, Indonesia, ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ Y tế Philippines cùng ngày cũng ghi nhận thêm 1.738 ca mắc và 7 ca tử vong. Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này lần lượt là 409.574 ca và 7.839 ca. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cảnh báo dù cố ca mắc có xu hướng đi xuống trong những tuần gần đây, song người dân không được chủ quan và vẫn cần cảnh giác, tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này cùng ngày cũng thông báo 1.103 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 48.520 ca. Ngoài ra, cũng đã có thêm 4 ca tử vong được ghi nhận, nâng số trường hợp không qua khỏi lên 313 ca.

Tại Australia, chính quyền thành phố Adelaide, bang South Australia ngày 16/11 thông báo đã phát hiện một ổ dịch mới COVID-19 khởi phát từ một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly hành khách trở về từ nước ngoài. Theo đó, giới chức bang South Australia đã ghi nhận thêm 17 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, sau 4 trường hợp được phát hiện trước đó 1 ngày. Có 15 người trong số 17 trường hợp trên trong cùng 1 gia đình, trong đó có người đang làm việc tại một khách sạn được sử dụng để làm nơi cách ly những hành khách trở về từ nước ngoài.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 5/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Iran- một trong những điểm nóng dịch bệnh của khu vực Trung Đông- ghi nhận thêm 13.053 ca mắc, mức cao nhất từng được ghi nhận, nâng tổng số ca mắc lên 775.121 ca. Ngoài ra, số ca tử vong cũng tăng thêm 486 ca và hiện là 41.979 ca. Iran hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông.

Tình hình dịch bệnh ở châu Âu vẫn diễn biến phức tạp. Nga thông báo thêm 22.778 ca mắc, mức tăng trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay tại quốc gia này. Trong đó có 6.360 ca ở thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên thành 1.948.603 trường hợp. Ngoài ra, đã có thêm 303 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi do dịch bệnh này lên 33.489 người.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 16/11 cho biết sức khỏe vẫn đang tốt và chưa xuất hiện triệu chứng nào, trong bối cảnh ông đang tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock cho biết Thủ tướng Johnson sẽ tiếp tục điều hành chính phủ thông qua ứng dụng Zoom. Đề cập đến vấn đề vaccine, ông Hancock cho biết cho dù công tác phát triển vaccine phòng COVID-19 đang được tiến hành khẩn trương, song việc tiêm chủng cho đa số người dân Anh có thể sẽ phải chờ tới năm sau.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Vienna, ngày 23/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ liên bang Đức và các bang của nước này đang cân nhắc triển khai các biện pháp chống dịch mới nhằm khống chế sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại nước này. Trong tháng này, Đức đã áp đặt một loạt biện pháp nhằm khống chế làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Nhờ đó, số ca mắc mới không còn tăng theo cấp số nhân, song tình hình dịch bệnh vẫn rất khó lường. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Đức đã phát hiện khoảng 520.000 ca mắc COVID-19 vào cuối tháng 10, song con số này đã tăng vọt 50% lên 780.000 ca trong 2 tuần đầu của tháng 11. Trong cùng giai đoạn, số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện của Đức cũng tăng 70%.

Sau khi khiến nhiều nước châu Âu phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, dịch COVID-19 đang tiếp tục buộc giới chức Mỹ phải hành động mạnh tay hơn. Các bang Michigan và Washington của Mỹ đã áp đặt một loạt hạn chế mới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong bối cảnh số ca mắc ở nước này đã vượt ngưỡng 11 triệu ca, chỉ hơn một tuần sau khi chạm mốc 10 triệu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer đã ra lệnh đóng cửa các trường cấp 3 và đại học, đồng thời cấm các nhà hàng phục vụ khách ở không gian trong nhà. Ngoài ra, các sự kiện công cộng không được phép diễn ra tại nhà hát, sòng bài, rạp chiếu phim và các tụ điểm công cộng khác, trong khi mọi hoạt động tụ tập trong nhà cũng bị hạn chế tối đa 10 người tham gia (từ mức tối đa 2 gia đình). Các quy định mới có hiệu lực trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 18/11 tới.

Tại bang Washington, Thống đốc Jay Inslee cũng ban bố lệnh cấm các nhà hàng và phòng tập gym mở không gian trong nhà, đồng thời yêu cầu các cửa hàng bán lẻ giảm công suất phục vụ xuống còn 25%. Các hoạt động tụ tập trong nhà cũng bị cấm nếu ngoài phạm vi gia đình, trong khi các hoạt động tụ tập ở không gian công cộng bị giới hạn tối đa 5 người tham gia. Các hạn chế mới được áp đặt trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ trong những ngày gần đây đã tăng hơn gấp đôi so với mức đỉnh dịch ghi nhận hồi giữa tháng 7 vừa qua.

Về tiến trình nghiên cứu và phát triển vaccine, Tập đoàn công nghệ sinh học Moderna Inc của Mỹ ngày 16/11 thông báo vaccine thử nghiệm của hãng này đã phát huy tới 94,5% hiệu quả trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2, trở thành tập đoàn dược phẩm thứ hai của Mỹ (sau Pfizer) trong vòng một tuần báo cáo kết quả thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả cao hơn mức dự báo. Một trong những ưu điểm lớn nhất của vaccine Moderna là không cần bảo quản cực lạnh như vaccine của Plizer, lợi thế dễ dàng phân phối hơn. Moderna hy vọng vaccine có thể ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở nhiệt độ âm 20 độ C (-20 độ C).

Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định chỉ riêng vaccine sẽ không đủ để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Ông Tedros nêu rõ: “Vaccine sẽ bổ sung cho những công cụ còn lại mà chúng ta có, chứ không thay thế được những công cụ đó. Chỉ riêng vaccine sẽ không chấm dứt được đại dịch”. Ông Tedros cho biết nguồn cung vaccine phòng COVID-19 ban đầu sẽ hạn chế bởi các nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có nguy cơ cao khác sẽ được ưu tiên tiêm phòng. Vaccine dự kiến sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong và giúp hệ thống y tế có khả năng đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, ông cảnh báo virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn có nguy cơ hoành hành, do đó người dân và các chính phủ vẫn cần cảnh giác.

    Lê Ánh (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm