Dịch COVID-19: Chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính SARS-CoV-2

28/08/2020 21:42 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng đã xuất hiện ca tái dương tính đầu tiên sau khi khỏi bệnh, xuất viện. Trước đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội… cũng ghi nhận một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh.

Hà Nội đã có ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ phát trong cộng đồng

Hà Nội đã có ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ phát trong cộng đồng

Sáng 9/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý thông tin, đến nay Hà Nội đã xuất hiện ca lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cộng đồng, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên thế giới và tại Việt Nam cũng ghi nhận khá nhiều trường hợp tái dương tính (thường là dương tính "yếu") sau khi đã xuất viện.

Trên thế giới đã có báo cáo khả năng tái nhiễm SARS-CoV-2 ở 3 trường hợp bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau 4-6 tháng xuất viện và cần được tiếp tục theo dõi để xác nhận vấn đề này.

“Hiện chưa có bằng chứng về khả năng lây nhiễm của các trường hợp tái dương tính ở mẫu ngoáy họng sau hồi phục, chưa phân lập được virus sống trong mẫu, cho dù lúc đầu bệnh nhân nhiễm các chủng có khả năng lây lan mạnh. Đồng thời tất cả các trường hợp tiếp xúc và tiếp xúc gần với ca tái dương tính đều có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm thứ phát sau tái dương tính”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân thông tin.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Đà Nẵng.
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Đà Nẵng.

Các khảo sát tại Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh khi tiến hành xét nghiệm phân lập virus cũng cho thấy những mẫu bệnh phẩm dương tính “yếu” đều không ghi nhận có virus sống sau nuôi cấy, nghĩa là không lây nhiễm hoặc khả năng lây nhiễm rất thấp. Điều này có ý nghĩa trong việc điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng xử lý kịp thời.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân cũng cho rằng, trong trường hợp cần thiết, các xét nghiệm phân lập virus, giải trình tự toàn bộ gen, xét nghiệm huyết thanh học và miễn dịch học nên được xem xét chỉ định thực hiện để hỗ trợ cho việc biện luận kết quả, đánh giá diễn tiến bệnh để có thể kết luận và đáp ứng kịp thời.

“Đến nay sự hiểu về COVID-19 của giới chuyên môn vẫn chưa đầy đủ, đặc biệt liên quan đến đột biến gen của virus. Để đảm bảo hạn chế, loại bỏ mầm bệnh trong cộng đồng, trong giai đoạn hiện nay đối với mỗi trường hợp tái dương tính đều cần phải xử lý như 1 ca bệnh dương tính”, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 27/8, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những trao đổi về một số trường hợp tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, cho về nhà.

Theo quyền Bộ trưởng, những kết quả nghiên cứu của Việt Nam và các nước trên thế giới, chưa có trường hợp nào tái dương tính có thể lây nhiễm trong cộng đồng. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, việc tái dương tính với SARS-CoV-2 là tình trạng bệnh nhân còn sót lại các vật liệu di truyền.

Trên tinh thần hết sức thận trọng, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở điều trị COVID-19, trong tiêu chuẩn công bố khỏi bệnh là bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất 3 lần. Khi về nhà, bệnh nhân cũng cần theo dõi thêm 14 ngày, đảm bảo an toàn tuyệt đối với các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm