Công dân Việt Nam sang Trung Quốc bị ép ký thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc

30/05/2014 14:14 GMT+7 | Thế giới

Mới đây thông tin về việc người Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn buôn bán hay du lịch, khi nhập cảnh trở lại Việt Nam thì bị ép phải ký thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc.

Vi phạm quy định chung của hai nước

Khoảng hơn 1 tuần nay, tin tức trên mạng rộ lên chuyện các tiểu thương hay du khách Việt Nam sang Trung Quốc làm ăn, buôn bán hoặc nghỉ ngơi khi quay trở lại Việt Nam bị phía hải quan Trung Quốc ép buộc phải ký bản đồ, thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc thì mới được nhập cảnh về Việt Nam. Những vụ việc trên diễn ra ở các cửa khẩu như Lào Cai…

Mới đây, trong phiên họp Quốc hội, tại buổi thảo luận tổ, trưởng đoàn đại biểu Lào Cai, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai, ông Phạm Văn Cường đã xác nhận điều này vào sáng 23/5. Ngoài ra, khi nhắc lại bài học cuộc chiến biên giới xương máu năm 1979, đại biểu Phạm Văn Cường không khỏi bức xúc: “Trung Quốc quá thâm nho, họ cố tình làm mất uy tín của dân tộc Việt Nam và sỉ nhục mình khi bắt ký vào bản đồ mới cho về. Trung Quốc chơi bài dùng máy quay, chụp ảnh ghi hình lại, để nói người dân Việt Nam thừa nhận Hoàng Sa là của họ”.

Được biết, những diễn biến trên mới chỉ xảy ra khoảng 1 tuần trở lại đây, bắt đầu từ ngày 20-21/5. Phóng viên đài RFA liên lạc với một số doanh nghiệp tại Hà Nội nhập hàng từ Trung Quốc qua đường cửa khẩu Lào Cai và được chủ một doanh nghiệp là anh Đại cho biết những gì diễn ra: “Tôi thỉnh thoảng cũng sang Trung Quốc đánh hàng quần áo, cách đây khoảng 10 ngày, khi về thì không có vấn đề gì như bình thường, nhưng cách đây mấy ngày, bạn bè đánh hàng giống như tôi lúc xuất cảnh về Việt Nam, họ kể lại là ngoài một số giấy tờ thông thường thì biên phòng Trung Quốc đưa thêm một số giấy tờ giống như bản đồ tiếng Trung Quốc, bắt mọi người ký vào, một số người thắc mắc vì không hiểu Trung Quốc dựa trên luật nào mà lại bắt người Việt Nam ký vào tờ đó, nên người Việt Nam không ký”.

Tại cửa khẩu Lào Cai, hải quan Trung Quốc ép buộc người dân Việt Nam phải ký bản đồ, thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc thì mới được nhập cảnh về Việt Nam.

Phóng viên đài RFA cũng cố gắng liên lạc với Sở Công thương Lào Cai để tìm hiểu thêm về những gì đang diễn ra tại địa bàn, liệu có ảnh hưởng đến đời sống tiểu thương trong vùng hay không, nhưng không nhận được câu trả lời.

Nhận xét về hiện tượng ép buộc người Việt Nam phải thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc rồi mới cho công dân Việt Nam trở về nước, TS Nguyễn Minh Phong, một nhà kinh tế ở Hà Nội cho biết quan điểm của ông: “Thực ra, công dân của Việt Nam ai cũng cho rằng điều đó là vô lý và không có cơ sở pháp lý, không những là không đúng với tình cảm của người Việt Nam mà càng không có lý để bắt họ thực hiện điều đó. Nếu gây sức ép thì thành ra là vi phạm những quy định chung của việc đi lại giữa hai nước cũng như trên thế giới, chẳng có nước nào bắt làm động tác đó cả. Tôi cho rằng, nếu điều đó là có thật, thì thứ nhất là nó không có lý, thứ hai là không đúng với bất kỳ tình cảm của người Việt Nam nào khi họ phải làm điều ký bắt buộc như vậy, tôi tin chắc rằng cũng chẳng có ai ký cả”.

Dùng “chiêu trò” khi có xung đột

Mặc dù, có thể chuyện Trung Quốc ép buộc người Việt ký thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc rồi mới cho về nước là chuyện chưa được dư luận hay truyền thông nhắc đến nhiều, nhưng nếu lật giở lại những “chiêu trò” mà Trung Quốc áp dụng đối với Việt Nam thì thấy rõ. Những mánh khóe, gian lận đó không chỉ diễn ra khi có xung đột về mặt quân sự, chính trị, hải phận mà thậm chí ngay cả trong những thương vụ làm ăn bình thường, về mặt kinh tế hay xã hội thì bao giờ Trung Quốc cũng gây ra những khó khăn cho phía Việt Nam.

Trong một lần trả lời phỏng vấn với phóng viên đài RFA, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế ở Hà Nội không khỏi bức xúc khi nhìn lại những gì Trung Quốc làm đối với người nông dân Việt: “Thực tế làm ăn với Trung Quốc mấy năm vừa qua cho thấy đã không ít trường hợp người Trung Quốc vào Việt Nam mua các sản phẩm khác nhau, ví dụ như họ mua móng trâu bò, mua rễ của các loại cây không phải là loại dễ trồng để phát triển. Sau một thời gian họ mua với giá cao, làm cho một số người do lòng tham của mình mà đem tháo móng trâu bò ra để bán hoặc là đào cả cây lên để lấy rễ bán và kết quả là một loạt loại cây đó khó có thể tăng trưởng, sau đó các thương lái người Trung Quốc sẽ không mua nữa hoặc là mua với giá rẻ như bèo.

Đến lúc đó, những người nào đã trót tham gia vào vụ mua bán đó sẽ bị hụt hẫng và không thể bán được nữa. Trong khi những loại cây đó, nếu để sống lâu dài có thể mang lại những giá trị thương mại khác, hay là con trâu con bò cũng vậy, vừa dùng làm phương tiện giúp cho người nông trong việc cày bừa và đồng thời cũng có thể mang lại những lợi ích khác trong ngành chăn nuôi. Thậm chí, những lô hàng sau một vài lần mua trả tiền sòng phẳng, người Trung Quốc nói cứ giao hàng cho họ, họ trả tiền sau, nhưng họ trốn luôn, không trả tiền nữa”.

Thực tế câu chuyện Trung Quốc yêu cầu công dân Việt Nam phải thừa nhận Hoàng Sa thì mới cho nhập cảnh không phải là thiếu cơ sở, nếu nhìn vào “lịch sử” mà Trung Quốc đã làm với quốc gia láng giềng khác là Philippines. Khi tranh chấp ở bãi cạn Scarborough lên tới đỉnh điểm, đột nhiên Trung Quốc cho ngừng nhập khẩu chuối từ Philippines, khiến người dân nước này bị thiệt hại đến hàng trăm triệu USD. Nhưng lý do Trung Quốc đưa ra lại rất “khéo” để che mắt dư luận là kiểm dịch.

Được biết, mới đây một số tin đồn rộ lên vì chuyện giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc đặt trên Vùng EEZ của Việt Nam mà các cửa khẩu biên giới như Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn) hay Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ bị đóng cửa. Nhưng thực tế, báo chí trong nước đưa tin hoạt động thương mại và du lịch tại những cửa khẩu đường biên vẫn diễn ra bình thường, theo quy định, trong trường hợp phải đóng cửa khẩu thì 2 quốc gia phải thông báo và thống nhất với nhau qua đường ngoại giao ít nhất 5 ngày.

Theo Đài RFA/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm