Có 356 phát hiện mới về khảo cổ học năm 2018

29/09/2018 20:14 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Thông báo về khảo cổ học lần thứ 53, năm 2018, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức, chiều 29/9, tại Thừa Thiên - Huế.

Đây là sự kiện đánh dấu sự phát triển liên tục của Khảo cổ học Việt Nam trong suốt 53 năm qua và cũng là diễn đàn khoa học lớn nhất trong năm, dịp để các nhà khoa học cùng nhau gặp gỡ, trao đổi về những phát hiện mới, những kết quả nghiên cứu mới của mình.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Đức cho biết: Có 356 thông báo phát hiện mới về khảo cổ lần này, đề cập đến mọi lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ, với rất nhiều các phát hiện nghiên cứu cụ thể. Bên cạnh đó, việc bảo vệ di sản văn hóa và phát huy các giá trị của di sản trong đời sống xã hội, đời sống cộng đồng đang ngày càng được quan tâm đặc biệt mà di sản văn hóa trong lòng đất do khảo cổ học đem lại có vị trí hết sức quan trọng. Rất nhiều hội thảo về vấn đề bảo vệ di sản ở các cấp đã được tổ chức. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam rất quan tâm đến công tác khảo cổ học Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã được trang bị điều kiện làm việc tốt hơn, được tăng cường các thiết bị nghiên cứu hiện đại, phòng thí nghiệm chuyên sâu về khảo cổ học cũng được xây dựng và trang bị các phương tiện nghiên cứu. Một chương trình nghiên cứu lớn về khảo cổ học ở Tây Nam Bộ Việt Nam đã và đang triển khai. Mới đây nhất, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chỉ đạo Viện Khảo cổ học xây dựng chương trình nghiên cứu: Xây dựng bản đồ khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham quan trưng bày những kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực khảo cổ học. Ảnh: Tường Vi - TTXVN.

Viện trưởng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Giang Hải nhấn mạnh, Hội nghị Thông báo khảo cổ học lần này được trình bày tại 4 tiểu ban: Khảo cổ học Tiền sử, Khảo cổ học Lịch sử, Khảo cổ học Champa – Óc Eo và Khảo cổ học Dưới nước. Nội dung các báo cáo đề cập đến rất nhiều vấn đề trong khảo cổ học, đó là: kết quả các cuộc điều tra, khai quật, thông tin về các phát hiện mới, các nghiên cứu mới như các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê được phát hiện từ năm 2014 nhưng hằng năm những công bố mới về nhóm di tích này vẫn mang tính thời sự, hay như việc phát hiện mũi khoan đá ở Hoa Lộc trong một cuộc khai quật mới nhất được thực hiện bởi các nhà Khảo cổ học Việt Nam và Úc; những kết quả phân tích đầu tiên của chương trình hợp tác nghiên cứu về Đông Nam Á trong Khảo cổ học giữa Việt Nam và Đan Mạch… Hoàng Thành Thăng Long sau 11 năm phát hiện và nghiên cứu: Những giải pháp mới cho việc bảo tồn. Năm nay, tiếng nói của công luận, của cộng đồng về tình trạng các di chỉ khảo cổ học bị xâm hại cũng đã có kết quả, buộc các nhà quản lý không thể lẩn tránh trách nhiệm của mình như các trường hợp di chỉ Vườn Chuối hay khu hào thành Cổ Loa. Đã đến lúc Việt Nam cần có nhiều hơn các hoạt động liên quan đến Khảo cổ học cộng đồng, hướng đến việc tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham quan trưng bày những kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực khảo cổ học. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đánh giá về hoạt động nghiên cứu khaỏ cổ học toàn quốc năm 2018, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho rằng các nghiên cứu khoa học đã bổ sung những tư liệu rất mới, quý trong nghiên cứu diễn trình hình thành và phát triển dân tộc Việt Nam, sự xuất hiện và hoàn thiện con người Việt Nam. Góp phần xứng đáng vào việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam. Những thông báo của chúng ta cùng chung mục tiêu nghiên cứu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông. Những tư liệu từ các nhà khoa học là minh chứng khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.

Thông qua các báo cáo tại hội nghị mà các đại biểu đã đưa ra về những phát hiện khảo cổ học mới, các đại biểu cùng nhau thảo luận, chia sẻ kết quả khai quật ở An Khê (Gia Lai); vấn đề liên quan đến văn hoá Champa - Óc Eo ở Nam Bộ..., đồng thời bổ sung những tư liệu mới, góp phần xứng đáng vào công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Hà Nội kiểm tra thông tin san lấp di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối 

Hà Nội kiểm tra thông tin san lấp di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối 

Chiều 17/7, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND xã Kim Chung khẩn trương kiểm tra hiện trạng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối trước thông tin phản ánh về tình trạng san ủi, đổ phế thải tại đây. 

Lý Thanh Hương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm