Choáng với cuộc sống phấn son của những quý ông, 'oppa' Hàn Quốc

13/05/2015 05:48 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khi bàn tới chuyện chăm sóc da dẻ, Lee Woo-jung còn tỉ mẩn, cẩn thận hơn cả các cô gái. Anh dùng sữa rửa mặt, nước hoa hồng, kem làm ẩm da, kem BB, phấn phủ vừa để chống nắng, vừa che lấp khiếm khuyết trên da mà lại không khiến lớp trang điểm trở nên quá dày.

“Mọi người nhìn nhận khác hẳn khi tôi chăm sóc da mình” – Lee, 27 tuổi, người đang sở hữu một phòng tập thể hình, đã chia sẻ với phóng viên tờ Washington Post khi đi dạo cùng bạn gái ở quận Hongdae ở Seoul. “Ngoại hình đẹp khiến công việc của tôi rất thuận lợi. Như khi tôi tiếp cận ai đó, họ thường tỏ ra cởi mở hơn” – anh chia sẻ.

Một hệ quả từ làn sóng Hàn

Cao ráo, với mái tóc được chăm sóc tới hoàn hảo và gương mặt hình chữ V mà nhiều người thèm muốn, Lee khẽ nghiêng đầu duyên dáng khi trả lời các câu hỏi. Ngoại hình dễ khiến người khác ngây ngất của anh có thể là hiện tượng hiếm gặp, nhưng hoạt động trang điểm của anh lại chẳng có gì khác người.

Quy trình trang điểm như những gì Lee làm đã trở thành tiêu chuẩn trong nhóm các thanh niên ưa chuộng ngoại hình đẹp, ở độ tuổi 20, tại Hàn Quốc. Nói cách khác thì phần lớn nam giới Hàn Quốc trong độ tuổi 20 đều trang điểm.

Lee Woo-jung với gương mặt láng mịn nhờ dùng mỹ phẩm thường xuyên

Mấy năm gần đây, Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng vì các sản phẩm chăm sóc da dành cho phụ nữ. Nay đàn ông, một số trẻ trung và số khác chẳng trẻ lắm, cũng bị cuốn vào cơn sốt làm đẹp đã ám ảnh cả đất nước này.

“Tại Hàn Quốc, trẻ trung và năng động được xem là các đặc điểm rất hấp dẫn. Trẻ trung đồng nghĩa với việc có khả năng. Anh sẽ được thêm điểm cộng tại Hàn Quốc nếu trông trẻ trung” -  Eric Min, Phó Tổng biên tập tạp chí Luel dành cho đàn ông, nhận xét. Min đã 41 tuổi, nhưng ông có một làn da trắng sáng, mịn màng, thậm chí còn chẳng có lấy một nếp nhăn nhỏ nhất.

Ngành mỹ phẩm Hàn Quốc bỏ túi khoản doanh thu thường niên tới 10 tỷ USD, thông qua nhiều chuỗi cửa hàng lừng danh như Nature Republic, Etude House, Missha và Tony Moly. Không chỉ phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu mỹ phẩm sang Trung Quốc và châu Á cũng tăng với tốc độ chóng mặt. Thậm chí nhiều vị khách du lịch đã lao tới các cửa hàng mỹ phẩm, ngay khi vừa đặt chân đến Hàn Quốc.

Nhưng thị trường mỹ phẩm dành cho phụ nữ phát triển quá mạnh đã bắt đầu trở nên bão hòa, khiến các công ty phải quay sang bán hàng cho nam giới. Đó là sự chuyển hướng đúng đắn, bởi đàn ông Hàn Quốc và nhiều nơi khác tại châu Á đang ngày càng chuộng mỹ phẩm.

Sự thay đổi diễn ra nhờ làn sóng Hàn (hallyu) lan rộng khắp nơi, với nhạc K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc là những người lính xung kích, đã củng cố hình ảnh về các chàng trai với gương mặt và ngoại hình đẹp không tì vết trong tâm trí các khán giả.

Đẹp đẽ để cạnh tranh tốt hơn

Hiện hơn 10% doanh thu bán mỹ phẩm, tức khoảng 1,5 tỷ USD, đã chảy về từ việc bán các món mỹ phẩm dành cho đàn ông. Thị trường mỹ phẩm dành cho đàn ông đã tăng trưởng với tốc độ khoảng 9% mỗi năm trong 4 năm qua, theo nhận xét của Kang Jae-joon, chuyên gia tại công ty đầu tư Franklin Templeton.

Các sản phẩm được cánh đàn ông sử dụng nhiều nhất gồm mỹ phẩm chăm sóc da mặt như phấn phủ, nước thơm, kem dưỡng. Ngoài ra họ còn mua các bộ bút chì để kẻ lông mày. Kem BB cũng rất được đàn ông ưa chuộng.

Gần đây, công ty mỹ phẩm Innisfree thậm chí còn giới thiệu một dòng sơn vẽ mặt màu xanh, đen và nâu dành cho những người lính, được họ quảng bá là có thành phần “trích xuất từ trà xanh”, với tác động nhẹ nhàng hơn trên da so với hàng của quân đội Hàn Quốc. Ngoài ra, trên Internet cũng có nhiều trang web nơi đàn ông chỉ nhau cách trang điểm sao cho tự nhiên nhất, cách biến gương mặt từ chỗ thô nhám sang chỗ mịn màng.

Quảng cáo mỹ phẩm dành cho năm giới là điều thường thấy ở Hàn Quốc

“Xã hội Hàn Quốc rất cạnh tranh và với các thanh niên trẻ muốn tìm việc hay tìm bạn gái, việc có ngoại hình đẹp sẽ tăng mạnh khả năng cạnh tranh của họ” – Kang cho biết. Người đàn ông 48 tuổi này cũng thừa nhận ông thường chăm sóc da dẻ sau khi chơi các môn thể thao vận động ngoài trời.

Đồng nghiệp của Kang là Oh Se-bom, 32 tuổi còn cầu kỳ hơn, mua sắm và bỏ vào túi mỹ phẩm của anh các món như kem chống lão hóa và kem bôi mắt. Anh nói rằng các công ty Hàn Quốc đã nhận ra họ bỏ quên một thị trường tiềm năng từ phía cánh đàn ông và nay đang tiến hành “sửa sai”.

“Với các công ty Hàn Quốc, thị trường mỹ phẩm dành cho đàn ông thật chẳng khác nào biển khơi” – Oh cho biết – “Vì thế họ đều tăng cường tiếp thị để bán thật nhiều sản phẩm của mình.”

Đàn ông Hàn Quốc sẽ hết “nghiện” mỹ phẩm sau khi có vợ?

Choe Yong-son, một công chức 37 tuổi ở Seoul, cho tờ Washington Post biết rằng sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự, anh đã bắt đầu dùng phấn phủ và kem dưỡng da, “chỉ bởi vợ anh yêu cầu” dùng những món này.  “Nhưng tôi sử dụng ít mỹ phẩm lắm” – anh chia sẻ - “Tôi không muốn tiết lộ điều này, nhưng sau khi kết hôn, đàn ông Hàn Quốc chả quan tâm tới da dẻ họ đâu. Chỉ là trước đó thôi”.

Tường Linh (Theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm