Cho con học trước: Lợi bất cập hại

23/08/2016 19:47 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Sợ con không theo kịp các bạn khi đi học, nhiều bậc phụ huynh “cuống cuồng” tìm lớp luyện chữ, lớp học toán… cho con mà không hề biết rằng, việc đó ảnh hưởng không ít đến tâm lý và sự phát triển của trẻ.

 Gần đây, thấy cô bạn làm cùng công ty cứ chạy đôn chạy đáo tìm lớp học hè cho con gái trước khi vào lớp 1, chị Hương (Từ Liêm, Hà Nội) lại bật cười ngao ngán nhớ lại hè năm trước.

Số là vào tầm hè này năm ngoái, chị cũng “cuồng cuồng” nhờ hết người này người kia tìm lớp luyện chữ và luyện toán cho cu Bon. Đăng ký lớp học cả đống tiền xong, chẳng hiểu sao mà mới đi học được vài buổi cu Bon nằng nặc đòi ở nhà, không chịu đến lớp. Thực tế, đi học nhưng bé tiếp thu không nhiều, hay mất tập trung và nảy sinh tâm lý sợ học.

Tìm đủ mọi cách từ dịu dàng đến đe doạ mà thấy cu Bon không thay đổi nhiều nên chị Hương quyết định cho Bon nghỉ học thêm, chờ đến thời điểm học chính khóa. Không biết có phải cho con nghỉ học thêm là đúng đắn hay không nhưng khi vào học, tự dưng Bon thay đổi hẳn: cu cậu hào hứng với các con chữ, con số và thích đi học hơn nên chị Hương thấy nhẹ cả người.

“Tưởng cho con đi học thêm biết chữ trước là tốt, ai ngờ… Theo mình thấy, cứ để các con tiếp thu dần dần, một cách tự nhiên là ổn, không nên gò ép quá”, chị Hương chia sẻ.

 Tâm lý sợ con viết chậm, sợ con biết đọc chậm, không theo kịp các bạn… nên cho con đi học thêm trước không chỉ tồn tại ở một, hai phụ huynh mà khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc làm này có thực sự là tốt?

 

 Trẻ học trước: Sai quan điểm giáo dục

 Đó là nhận định của những chuyên gia trong ngành giáo dục. Thực tế, phương pháp dạy học mới hoàn toàn trái ngược với phương pháp cũ. Chính vì thế, trẻ thuộc mặt chữ trước khi học chương trình mới sẽ mất hứng thú trong mỗi giờ học và hiệu quả sẽ không cao. Chưa kể, việc cho trẻ đi học trước dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không chú ý khi cô giáo giảng bài, tạo thói quen mất tập trung ở trẻ khi bước vào học chính thức bởi phải học lại những điều đã biết.

 Thực tế, không phải trẻ nào đi học trước cũng đều học giỏi, có thể ở giai đoạn đầu, những trẻ học chữ trước có lợi thế, nhưng về sau sẽ bị đuối, không theo kịp các bạn, do trước đó, các em đã có thói quen không tập trung. Và khi vốn kiến thức đã học hết thì lại không thể bắt kịp với những bạn chăm chỉ học ngay từ đầu năm.

 

 Ngoài ra, việc học trước chương trình khi trẻ chưa đủ tuổi có nhiều hệ luỵ sau đó mà phụ huynh không lường hết được. Về tâm lí, các cháu đang ở độ tuổi mầm non thì trẻ cần phải được vui chơi để phát triển tự nhiên nhưng lại phải gò mình và tuân theo các quy định thì sẽ mất đi sự hồn nhiên, sinh sợ hãi, lo lắng. Về mặt sức khoẻ, khi các khớp xương chưa ổn định mà trẻ phải cầm bút để viết theo quy định sẽ dẫn đến các khớp xương phát triển không bình thường.

 Trong thực tế, chỉ có những em có vấn đề về nhận thức, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ… cha mẹ mới cần cho đi học trước để khi vào năm học bắt kịp với các bạn. Còn đối với những học sinh bình thường, cha mẹ chỉ nên dạy cho con biết trước một số kỹ năng mềm như: kỹ năng tự chăm sóc bản thân, kỹ năng quan sát, kỹ năng tập trung, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đặt câu hỏi… hay cách cầm bút, đặt bút; cách ngồi đúng tư thế...để khi vào học các con không bỡ ngỡ.

 Chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho con

 Không cho con đi học thêm nhưng hàng ngày ở nhà, cha mẹ nên cho các con làm quen với bảng chữ cái, tập đếm số hoặc có thể đố trẻ một số phép tính đơn giản theo kiểu vừa học vừa chơi… Điều này sẽ giúp các con thích nghi với việc học một cách tự nhiên, không gò ép. Các con vào lớp 1 sẽ học tốt mà không cần phải cho đi học trước.

 

 Cũng theo các chuyên gia, thay vì lo cho con đi học thêm, bố mẹ hãy chú ý rèn luyện về sức khoẻ cho trẻ. Một cơ thể khoẻ mạnh là tiền đề quan trọng cho việc tiếp thu kiến thức. Để làm được điều này, bố mẹ nên cho con tham gia vào các hoạt động thể chất, vui chơi, dã ngoại; tạo cho con thói quen ăn – ngủ - nghỉ đúng giờ giấc…

Bên cạnh đó, hãy chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho bé. Con có thích thú, hào hứng đi học thì kết quả học tập mới tốt.

 Học tập là một quá trình lâu dài, trẻ vào lớp 1 vẫn còn khá nhiều thời gian để rèn luyện, học tập và thay đổi. Thế nên, việc học thêm theo phong trào vô tình sẽ gây áp lực và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

 WIN

Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm