Bước đi chiến lược của Tổng thống Nga Putin trong những ngày đầu năm mới

18/01/2020 07:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày đầu năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất cải cách Hiến pháp mang tính “bước ngoặt”, đồng thời bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới của Nga. Việc cải tổ hệ thống chính trị này đã cho thấy, ông Putin đang xây dựng nền tảng để đảm bảo nước Nga có sự ổn định chính trị và duy trì vị thế quốc tế trong dài hạn kể cả sau năm 2024 khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Bức Thông điệp Liên bang 'hợp lòng dân' của Tổng thống V. Putin

Bức Thông điệp Liên bang 'hợp lòng dân' của Tổng thống V. Putin

Đúng 12h giờ Moskva (16h giờ Hà Nội) ngày 15/1 tại phòng triển lãm trung tâm “Manezh” ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước 1.300 khách mời...

Đề xuất cải cách Hiến pháp   

Trong Thông điệp Liên bang thường niên đọc trước Hội nghị Liên bang ngày 15-1, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Theo đó đề nghị thay đổi phương thức bổ nhiệm chính phủ theo cách Quốc hội đề xuất các ứng cử viên, và tổng thống không có quyền từ chối đề cử của Quốc hội vào các cương vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và bộ trưởng thay cho việc Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng.

Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giữ quyền xác định các ưu tiên của chính phủ và quyền bãi nhiệm các thành viên chính phủ. Tổng thống vẫn kiểm soát trực tiếp hệ thống phòng thủ; đồng thời, bổ nhiệm người đứng đầu các bộ sức mạnh sau khi tham khảo ý kiến với Hội đồng Liên bang (Thượng viện).        

Tổng thống Putin cũng cho biết ông không phản đối việc củng cố vai trò của Tòa án Hiến pháp. Ngoài ra, ông đề nghị tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước và các thống đốc thông qua việc chính thức hóa các quy định trong Hiến pháp. Tổng thống Putin cho biết sau khi thực hiện kế hoạch sửa đổi Hiến pháp, Hội đồng Nhà nước sẽ nằm trong cơ cấu hành pháp.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là Tổng thống Nga, các thành viên trong Hội đồng gồm các chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện), lãnh đạo các phe phái trong Hạ viện, thống đốc các chủ thể, đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga ở các khu vực liên bang. Ngoài ra, Hội đồng còn gồm những người có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động công  - nhà nước và xã hội.   

Với mỗi sáng kiến sửa đổi, ông Putin đề nghị trưng cầu ý dân. Phát ngôn viên của tổng thống, ông Dmitry Peskov lưu ý rằng đây là cải cách nghiêm túc, nên nguyên thủ quốc gia Nga cho rằng cần phải tham khảo ý kiến của dân chúng thông qua bỏ phiếu. Thời điểm và thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân sẽ được xác định sau đó được chính thức hóa bằng sắc lệnh.         

Nếu thời gian tới, những đề xuất sửa đổi hiến pháp được xã hội ủng hộ thông qua trưng cầu dân ý, nước Nga sẽ có cơ quan lập pháp mạnh, đảm đương cả vai trò bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất của nhánh hành pháp thay vì chỉ phê chuẩn theo đệ trình của tổng thống như hiện nay, đánh dấu một sự “kết đoàn” trở lại giữa hai nhánh lập pháp và hành pháp sau những “phân chia chiến tuyến” từ thời kỳ 1993 và cũng là bối cảnh để bản Hiến pháp hiện thời ra đời.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu tại Moskva ngày 16/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bổ nhiệm Thủ tướng mới   

Nhằm mở đường cho việc “hiện thực hóa” các sáng kiến của nhà lãnh đạo Nga Putin, ngay sau khi Tổng thống Nga kết thúc bản Thông điệp liên bang năm 2020 trong đó có đề xuất cải cách Hiến pháp, Thủ tướng Nga Dmitry đã trình đơn từ chức lên Tổng thống.        

Sau khi ông Dmitry Medvedev đệ đơn từ chức, Tổng thống Putin đã đề cử một quan chức còn ít người biết tiếng, ông Mikhail Mishustin, 53 tuổi, người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga, làm Thủ tướng mới và đã đệ trình đề xuất này lên Duma quốc gia Nga.

Bên cạnh đó, ông Putin còn ký sắc lệnh cho phép chính phủ từ chức. Trong phiên họp toàn thể chiều 16-1, với 383/424 phiếu ủng hộ, không có phiếu chống và 41 phiếu trắng, Duma Quốc gia Nga, đã thông qua đề xuất của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới của Nga. Tổng thông Putin cũng đã ký phê chuẩn quyết định này.         

Ông Mishustin năm nay 53 tuổi, có bằng tiến sĩ kinh tế và đã trải qua một sự nghiệp kéo dài 20 năm trong chính phủ Nga cũng như có công việc kinh doanh riêng. Năm 2010, ông Mishustin đảm nhận vị trí người đứng đầu cơ quan thuế Liên bang Nga và giữ chức vụ đó cho đến nay. Những kiến thức và kinh nghiệm của ông Mishustin trong lĩnh vực công nghệ đã giúp ông đạt được những thành công trong việc đưa ngành thuế của Nga vào kỷ nguyên số hóa, tạo nên cơ chế tương tác thuận lợi với công chúng và khiến người dân hài lòng. Ông cũng đã cải tiến chất lượng dịch vụ thuế số hóa và nỗ lực  trong việc chống lại nạn tham nhũng. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế phải chống trả với các biện pháp trừng phạt cũng như các cục diện bất lợi trên thế giới, Cơ quan Thuế của ông Mishustin đã đóng góp xuất sắc cho ngân sách, “tiêu diệt” đa phần các mô hình thuế “xám”, chống ngầm hóa doanh nghiệp.   

Cho dù là một nhân vật mà giới truyền thông ít biết đến và khá lạ lẫm trên chính trường quốc tế, song ông Mishustin được xem là ứng cử viên xứng đáng cho chức Thủ tướng Nga với bề dày kinh nghiệm và được giới chức nước này đặc biệt tin tưởng. Sau khi được bổ nhiệm, Tân Thủ tướng Mishustin cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân. Theo ông, Tổng thống Putin muốn nội các mới tập trung vào tăng trưởng kinh tế và giúp tạo ra nhiều việc làm mới, trong đó tăng thu nhập được coi là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) thị sát cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn ở ngoài khơi Bán đảo Crimea ngày 9/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tầm nhìn chiến lược   

Việc Tổng thống Nga Putin đưa ra đề xuất sửa đổi Hiến pháp để tăng quyền cho thủ tướng và các thành viên nội các đã gây ra cơn “chấn động” trên toàn nước Nga. Tuy Tổng thống Putin không đặt ra vấn đề thông qua Hiến pháp mới như một số dự đoán, song những sửa đổi ông đề xuất sẽ thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị của đất nước, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển không chỉ trong vài năm tới, mà cho cả một giai đoạn dài tiếp sau.   

Đánh giá đầu tiên, song đa phần là nhất quán trong giới quan sát Nga, là các đề xuất của Tổng thống Putin thực chất đã thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp, biến Liên bang Nga từ một nước cộng hòa “siêu tổng thống” từ năm 1993 thành nước cộng hòa tổng thống-nghị viện, với cơ quan lập pháp mang tính đại diện và thực hiện đầy đủ vai trò đại diện, với đội ngũ lãnh đạo địa phương đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, có năng lực quản lý hiện đại, với hai nhánh chính quyền hành pháp và lập pháp có liên hệ chặt chẽ, đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.         

Theo Hiến pháp Nga, năm 2024 sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp của Tổng thống Putin, khi ông sẽ không tiếp tục ứng cử lần ba. Và người lãnh đạo cao nhất đang bắt đầu xây dựng di sản của mình cho đất nước, quan trọng nhất trong đó là hệ thống chính trị cân bằng và vững chắc, có khả năng cải tổ các cơ cấu. Hệ thống đó sẽ hoạt động kể cả khi ông không còn nắm giữ vị trí “tổng tư lệnh”.   

Trong khi đó, với việc Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh bổ nhiệm người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga Mishustin làm Thủ tướng mới, Nga sẽ có tân thủ tướng là một nhà kỹ trị thực thụ, nổi tiếng với mục tiêu số hóa nền kinh tế và xã hội. Và với kinh nghiệm 20 năm giữ trọng trách trong chính phủ Nga, ông Mikhail Mishustin được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi cho nước Nga.   

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm