Bình đẳng giới thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển

25/09/2009 09:14 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sau thành công của cuộc tọa đàm “Các chị em của Nora” do Đại sứ quán Na Uy, Bộ LĐ,TB&XH tổ chức vào tháng 3/2009. Hành trình “xuyên Việt” của Nora đã bắt đầu tới Huế và Đăk Lăk, tiếp đến là hai tỉnh Lào Cai, Tiền Giang.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đại sứ Na Uy tại Việt Nam – Ngài  Kjell Storløkken xoay quanh vấn đề này.

Đại sứ Na Uy tại Việt Nam – Ngài  Kjell Storløkken

Chương trình “Các chị em của Nora” đã được Na Uy thực hiện 16 lần tại 15 thành phố ở 14 nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhìn lại chương trình này tại Việt Nam vào 26-27/3/2009 vừa qua do ĐSQ Na Uy phối hợp với Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ TB&XH và Văn phòng UBQG về Sự Tiến bộ của Phụ nữ tổ chức, ngài đánh giá như thế nào về kết quả thu được? Và đâu là lý do để tiếp tục tổ chức chương trình “xuyên Việt” với Nora?


Cảm ơn các bạn về cuộc trò chuyện này. Mục đích của hội thảo “Các chị em Nora” là sử dụng các tác phẩm của Ibsen làm điểm xuất phát và nguồn cảm hứng cho các tranh luận về vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam. Cả phía người tổ chức lẫn khán giả đều rất hài lòng với kết quả hội thảo, điều này có thể thấy rõ qua các phiếu đánh giá. Tôi có thể nói rằng việc báo chí truyền tải thông tin tích cực là một nhân tố quan trọng cho thành công của hội thảo, điều này là nhờ những nỗ lực lớn của TTXVN và báo TT&VH trong việc thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo giới truyền thông và khiến công chúng quan tâm đặc biệt đến những vấn đề này.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của khán giả, trong đó có việc cung cấp thêm thông tin về chính sách và việc thực hiện chính sách bình đẳng giới của Na Uy. Đây là đề xuất đầy sáng kiến của phía đối tác Việt Nam, Bộ LĐ,TB&XH và UBQG VSTBCPN về việc tiếp tục “hành trình xuyên Việt” của các chị em Nora. Những hội thảo tiếp theo này sẽ tập trung vào “Quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình” và “quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động và việc làm”. Đây sẽ là cơ hội tốt để các đối tác địa phương chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình ở các tỉnh khác nhau. Các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ có dịp tiếp cận với thực tế và nghe phản ánh trực tiếp từ cấp cơ sở.

Tại sao BTC lại chọn tổ chức “Các chị em của Nora” ở 4 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Lào Cai, Tiền Giang mà không phải là các tỉnh khác, thưa ngài?

Một lần nữa đây là gợi ý về 4 tỉnh đại diện cho các vùng địa lý khác nhau với kinh nghiệm thực thi chính sách và thực tiễn áp dụng luật đa dạng của các lực lượng khác nhau trong xã hội. Ví dụ, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ có dịp đi thăm các dự án của các tổ chức phi chính phủ Na Uy tại Việt Nam: Dự án về Bình đẳng giới – Phòng chống bạo lực gia đình của Tổ chức NAV (Nordic Assistance to Vietnam) tại Huế, và dự án tín dụng nhỏ của Tổ chức NMA (Norwegian Mission Alliance) tại Tiền Giang nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động và việc làm.

Qua thực tiễn của Tọa đàm “Các chị em của Nora” ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam, điều gì khiến ngài tin rằng chỉ thông qua vở kịch “Nhà búp bê” của Ibsen từ hơn 100 năm trước sẽ góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, cung cấp thông tin đầu vào cho việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại các địa phương khác nhau?

Một câu hỏi hay. Hội thảo “Các chị em Nora” đã có được danh tiếng nhất định từ những kinh nghiệm của 14 quốc gia kể từ năm 2006. Mục tiêu của Bộ Ngoại giao Na Uy là sử dụng các tác phẩm của Ibsen làm điểm xuất phát và nguồn cảm hứng cho các tranh luận về bình đẳng giới, vai trò của nam giới và phụ nữ ngày nay ở các xã hội khác nhau, các định chế văn hóa khác nhau. Lấy cảm hứng từ Nora, nữ nhân vật chính trong vở kịch “Nhà búp bê” của Ibsen, sáng kiến này có tên gọi “Các chị em Nora”. Kinh nghiệm cho thấy Ibsen là nền tảng tốt để thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới. Khán giả bao gồm những người trong giới văn hóa nghệ thuật, giới học thuật, diễn đàn chính trị và tổ chức, định chế về giới – do đó, thu hút lượng khán giả đa dạng, chứ không chỉ là những người yêu sân khấu hoặc thuần túy cổ súy cho bình đẳng giới.
Chính điều này làm tôi tin rằng, một lần nữa, các cuộc hội thảo sẽ khuyến khích mọi người phát biểu, nêu ý kiến về việc làm thế nào để thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam trong những bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa khác biệt ở các vùng trong cả nước.

Tọa đàm Nora tại Đăk Lăk


Mang một vấn đề về vai trò của người phụ nữ ở một nước Bắc Âu sang Việt Nam, theo ngài sẽ có tác động đến việc nhận thức, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới của nữ giới trong gia đình và xã hội ở Việt Nam như thế nào?

Cho phép tôi chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm chúng tôi có được ở Na Uy.
Những năm 1970, Na Uy là một trong những nước châu Âu có tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất (cứ 10 bà mẹ có con nhỏ thì có 9 người nghỉ ở nhà). Ngày nay, chúng tôi là một trong những nước có tỉ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất, nếu không phải là nước có tỉ lệ cao nhất (10 bà mẹ thì có 8 người đi làm và tỉ lệ sinh là 1,9).  Đó là kết quả của những thay đổi về chính sách mang tính hệ thống nhằm tăng cường năng lực cho phụ nữ và trao cho họ các cơ hội bình đẳng hơn. Những chính sách này cho phép phụ nữ được lựa chọn - họ có thể lựa chọn vừa có gia đình vừa có nghề nghiệp. Đây là thành tựu vĩ đại cho cá nhân mỗi phụ nữ và thậm chí còn vĩ đại hơn cho cả xã hội nói chung.

Chính những quốc gia tạo cho phụ nữ nhiều cơ hội bình đẳng nhất là những quốc gia có tính cạnh tranh cao nhất và có thành tích kinh tế tốt nhất. Chính những quốc gia nỗ lực vượt qua những trở ngại văn hóa đang tồn tại đối với những chính sách như thế - dù ở phía Bắc hay phía Nam – đang trỗi dậy và phát triển thịnh vượng. Đó là kinh nghiệm của chúng tôi. Và những con số nhọc nhằn đã minh chứng cho những kết luận này.

Với những thành công như vậy, ngài có nghĩ rồi đây những cuộc tọa đàm “Các chị em của Nora” nên tổ chức thường xuyên ở các tỉnh khác trong toàn Việt Nam hay không?

Hội thảo “Các chị em của Nora” chỉ là một ví dụ cho những cách thức đầy sáng tạo để chuyển tải thông điệp đến với công chúng và đưa vấn đề bình đẳng giới lên bàn nghị luận ở Việt Nam. Tôi tin rằng người dân Việt Nam cần cù và sáng tạo ở tất cả các tỉnh sẽ tìm ra phương cách hiệu quả nhất để giải quyết những vấn đề trong cộng đồng của họ, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới ở đất nước gần 86 triệu dân này.

Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm