Bậc mầm non ở Vĩnh Phúc đang thiếu lớp học

21/12/2014 07:32 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục nhưng bậc mầm non của một số địa phương vẫn tồn tại tình trạng thiếu phòng học, trường, lớp chật hẹp, học sinh quá tải.

Năm học 2014 – 2015, Vĩnh Phúc có 183 trường mầm non, trong đó có 10 trường tư thục với 8.372 cháu ở nhóm nhà trẻ, 57.442 cháu ở nhóm mẫu giáo. Tỉnh hiện có 1.847 phòng học trong đó có 1.239 phòng học kiên cố, 294 phòng học tạm và đang thiếu 396 phòng học.

Trường mầm non Thanh Vân, huyện Tam Dương nhiều năm nay trong tình trạng quá tải. Năm học này, nhà trường tiếp nhận 497 trẻ nhưng chỉ có 6 phòng học nên sĩ số lên đến 50 cháu/lớp. Đã nhiều năm nay, trường phải bố trí lớp học tại phòng y tế để đảm bảo việc dạy và học. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non chỉ nhận tối đa 25 trẻ/nhóm và 35 trẻ/lớp thuộc bậc mẫu giáo.

Cô giáo Bùi Thị Thúy, Hiệu trưởng trường mầm non Thanh Vân cho biết: Vì quá tải, thiếu cơ sở vật chất nên trường không có các phòng chức năng, giáo dục thể chất. Điều này rất ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Mọi hoạt động ăn, học, ngủ đều diễn ra trong một diện tích chật hẹp. Nhà vệ sinh cũng thiếu thốn nên cô và trò đều phải tự khắc phục.


Quang cảnh một lớp học mầm non. Ảnh internet

Cùng cảnh ngộ trên là trường mần non Cao Minh, thị xã Phúc Yên. Cô Đinh Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện các nhóm lớp đều quá tải học sinh, bình quân một lớp có trên dưới 50 em, ở nhóm trẻ 3 đến 4 tháng là 60 em. Với nhóm trẻ 5 tuổi, để đảm bảo cho việc đạt chuẩn phổ cập, nhà trường đã cố gắng bố trí thêm phòng học nhưng sĩ số cũng lên tới 55 trẻ/lớp. Với số lượng học sinh như hiện nay, nhà trường cần thêm 4 - 5 phòng học. Vì thiếu lớp học, nhà trường đã ngăn đôi một số lớp học để phục vụ cho 2 nhóm trẻ.

Là địa phương mới được chia tách nên hầu hết các công trình trọng yếu của xã Liễn Sơn chưa hoàn thiện. 100% hệ thống giáo dục phải nhờ cơ sở của thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch. Cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng trường mầm non xã Liễn Sơn cho biết: Từ nhiều năm nay, nhà trường vẫn phải dùng cơ sở vật chất cũ mượn lại của thị trấn Hoa Sơn nên công tác giáo dục, nuôi dưỡng trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài thiếu giáo viên thì diện tích các lớp học rất chật hẹp, có những phòng học khoảng 15m2 nhưng sĩ số lớp lên đến 20 cháu, những phòng học lớn hơn thì từ 50 đến 55 cháu.

Bà Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải kéo dài này là do những năm gần đây quy mô dân số tăng lên quá nhanh, quy mô trường lớp lại theo quy hoạch nhiều năm về trước nên không theo kịp. Để khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu câu các trường chủ động sửa chữa cơ sở vật chất, mượn thêm các nhà văn hóa thôn, làng để có lớp phục vụ công tác giáo dục. Bên cạnh đó chia nhóm học sinh trong từng lớp, tăng cường thêm giáo viên mầm non để đảm bảo cho công tác giảng dạy.

Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bằng những chính sách như giao đất sạch, miễn, giảm thuế đất…Tỉnh vừa có quyết định xây mới thêm 158 phòng học cho 17 trường mầm non qúa tải, đồng thời đầu tư đào tạo nhân lực giáo viên bậc mầm non.

Nguyễn Thị Thảo - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm