70% số người tốt nghiệp đại học ở Mỹ đang chật vật trả nợ từ thời sinh viên

15/09/2018 11:48 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng số tiền nợ mà người Mỹ đã vay để trang trải chi phí học đại học đã lên tới 1.500 tỷ USD. Trước con số khổng lồ này, giới chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ sinh viên đang tạo ra một thế hệ lạc lối ở "xứ sở cờ hoa".   

Theo phóng viên TTXVN tại New York, khoảng 70% số người tốt nghiệp đại học ở nước này chưa thanh toán được hết nợ sinh viên, với mức trung bình là 30.000 USD. Tại một thành phố đắt đỏ như New York, sau khi trang trải các chi phí sinh hoạt tối thiểu, một sinh viên mới ra trường với một công việc ổn định có thể phải mất ít nhất 8 năm mới có thể trả hết nợ cùng các khoản lãi cộng dồn. 

Đối với 44 triệu sinh viên Mỹ đã tốt nghiệp, mọi quyết định và hoài bão đều bị chi phối bởi món nợ thời đi học. Giấc mơ sở hữu một ngôi nhà hay một chiếc ô tô trở nên xa vời hơn bởi các ngân hàng không muốn cho vay tiền những khách hàng có xếp hạng tín dụng thấp do đang nợ nần.  

Chú thích ảnh
Sinh viên trên giảng đường Georgia Tech. Nguồn: San Fransico

Số liệu thống kê cũng cho thấy 47% số người tốt nghiệp đại học từng phải hoãn trả nợ ít nhất một lần, 66% bị stress vì lo thanh toán nợ, trong khi 46% hối hận vì đã vay tiền để đi học đại học.  

Nợ đại học không chỉ cản trở cuộc sống của cá nhân mà còn gây tác động tới nền kinh tế Mỹ nói chung. Theo một báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nợ sinh viên là nguyên nhân chính khiến số người Mỹ ở độ tuổi từ 28-30 sở hữu nhà đã giảm tới 35%.

Hiện một số bang ở Mỹ đang tìm cách giải quyết cuộc khủng khoảng nợ đại học bằng một số biện pháp như miễn giảm học phí đối với con em những gia đình có thu nhập thấp. Năm ngoái, New York đã trở thành bang đầu tiên của Mỹ áp dụng chương trình miễn học phí hoàn toàn cho sinh viên đến từ những gia đình có thu nhập chưa tới 125.000 USD/năm.  

Số nợ sinh viên 1.500 tỷ USD đang làm thay đổi định nghĩa về Giấc mơ Mỹ. Một thập niên sau cuộc khủng hoảng kinh tế, giấc mơ mới của người Mỹ trở nên tầm thường một cách đáng ngạc nhiên.

Do vậy, mặc dù giá trị của giáo dục là khó có thể đong đếm được, thậm chí là vô giá, song những hậu quả mà món nợ sinh viên để lại ngày một lớn đến nỗi người Mỹ giờ đây phải tính toán kỹ hơn cái giá của việc được ngồi trên giảng đường.

TTXVN/Minh Nga

Đại học Mỹ gây phẫn nộ vì "lờ" không dạy kịch Shakespeare

Đại học Mỹ gây phẫn nộ vì "lờ" không dạy kịch Shakespeare

Đại đa số các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, bao gồm cả trường Princeton danh giá, không yêu cầu sinh viên chuyên ngành tiếng Anh học về Shakespeare.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm