Kevin Bowen - kẻ lội ngược dòng, bắc cầu văn hóa

12/04/2011 07:34 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Mái tóc trắng như cước, khuôn mặt nhăn nheo, vầng trán đầy suy nghĩ, Kevin Bowen trông già hơn nhiều so với tuổi 64 của ông. Điều ấy có lẽ không khó hiểu, nếu biết rằng ông đã trải qua những tháng ngày chiến tranh nguy hiểm, những năm hậu chiến nặng nề. Cả đến bây giờ, tấm lòng của một nhà thơ Mỹ đối với Việt Nam vẫn khiến ông không ngừng nghĩ đến những việc mình và các đồng nghiệp cần làm để hòa giải hai dân tộc Việt - Mỹ, thông qua con đường văn hóa.

Giữa tháng 3 năm nay, người cựu chiến binh Mỹ Kevin Bowen một lần nữa trở lại Việt Nam. Không phải như lần đầu tiên ông đến Việt Nam khi mới 21 tuổi, vào năm 1968, năm mảnh đất này đỏ lửa chiến tranh. Cũng không giống như năm 1985, khi cuộc sống ở Việt Nam mang một sắc xám xịt của thời hậu chiến đói nghèo. Lần này, Kevin sang Việt Nam là để nhận một giải thưởng mà ông gọi là “thành tựu của cả đời người”: giải Phan Châu Trinh 2010 về Việt Nam học.

Khiêm nhường như bất kỳ một trí thức lớn, một nhà văn hóa trầm lặng nào, Kevin rất hạn chế nói về mình. Ông chỉ viết ngắn gọn trong lá thư gửi bạn Việt Nam trên đường ra sân bay, ngày 17/3: “Tôi nghĩ giải thưởng sẽ khuyến khích tôi nhiều hơn trong công việc của mình, và sẽ khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về những việc khác mà Trung tâm William Joiner cần phải làm”.

Sự thực thì Trung tâm William Joiner đã làm được quá nhiều cho Việt Nam và tiến trình hòa giải hai nước Việt - Mỹ, suốt 27 năm qua kể từ khi Kevin Bowen nhận chức giám đốc. Những chương trình cụ thể được triển khai, như học bổng cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề thời hậu chiến, sáng kiến dịch thuật để giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới… Các hoạt động này đã dẫn tới hội nghị đầu tiên giữa các nhà văn cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam tại Hà Nội năm 1990. Từ đó đến nay, theo nhà văn Nguyên Ngọc, “đã có gần một trăm nhà văn, nhà thơ và nghệ sĩ Việt Nam qua Hoa Kỳ, góp phần mở một cửa số để người Việt có thể tìm hiểu phương Tây, nhất là nước Mỹ…”.

Vợ chồng nhà thơ Kevin Bowen tại nhà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ở làng Chùa

Kevin Bowen và các đồng nghiệp của ông đã “lội ngược dòng” - làm những công việc đó từ rất lâu trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ, nghĩa là trong hoàn cảnh rất khó khăn, nguy hiểm. Không chỉ người Mỹ, những người Việt của chế độ cũ đào thoát sang Mỹ trong và sau năm 1975 cũng giữ thái độ thù địch với Việt Nam. Thậm chí sau khi hai nước Việt - Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao, sự cực đoan không phải đã chấm dứt. Năm 2001, trong chương trình trao đổi văn hóa Việt - Mỹ, Trung tâm William Joine mời hai giáo sư Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi sang thăm và làm việc. Một người Việt tên là Nguyễn Hữu Luyện, cựu sĩ quan quân đội VNCH, phản đối dữ dội, kiện trung tâm ra tòa trong một vụ kiện kéo dài suốt 8 năm (cuối cùng thất bại).

Giờ đây, hỏi Kevin Bowen nghĩ gì về sự thù địch vẫn còn tồn tại và ngăn trở con người xích lại gần nhau, ông chỉ nói bình thản: “Không tin tưởng lẫn nhau cộng với thông tin sai lệch là một phần của những dư âm còn lại sau chiến tranh, đến tận bây giờ. Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải biết phân biệt, xem đâu là những ngôn từ và hành động phản ánh nỗi đau thật sự của trái tim, và đâu là sự làm điệu làm bộ, xuất phát từ các nguyên nhân và động cơ khác, như là gây chú ý, gây ảnh hưởng, làm chính trị chẳng hạn”.

Ông không làm chính trị. Ông xuất thân là một nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học, có bằng tiến sĩ về văn chương, chuyên ngành Văn học Anh và Mỹ. Đề tài luận văn của Kevin Bowen là “Tiểu thuyết Gothic ở Anh giai đoạn 1790 - 1800”. Còn về khả năng tiếng Việt, ông cười bảo: “Tôi học tiếng Việt vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ở Trường Harvard. Đến giờ tôi đã quên hết những gì được học”.

Đấy là bản tính khiêm nhường khiến Kevin Bowen nói về tiếng Việt của mình như thế, chứ trên thực tế, ông là đồng chủ biên của một loạt tuyển tập dịch văn học Việt Nam, trong đó có tuyển tập thơ Nguyễn Duy và thơ Thiền Lý - Trần.

Nhà thơ “chơi bóng rổ với Việt Cộng”

Có một giai đoạn rất dài Kevin Bowen không viết văn, làm thơ. Đó chính là những năm tháng sau chiến tranh Việt Nam.

21 tuổi, Kevin Bowen nhập ngũ và chiến đấu trong Sư đoàn Kỵ binh bay, đóng ở Quảng Trị và Tây Ninh, từ 1968 đến 1969. Nhớ về cuộc chiến, ông già cựu chiến binh kể: “Hồi đó, phần lớn chúng tôi chẳng biết gì về lịch sử và văn hóa Việt Nam, giỏi nhất thì cũng chỉ hiểu rất sơ sài về mục đích sự có mặt của mình ở Việt Nam. Những gì tôi trải nghiệm chỉ là sự rối loạn và sợ hãi, không biết ai vào với ai. Khi trận chiến nổ ra thì chỉ có ta thôi, còn lại là bọn chúng. Có một câu thơ rất tuyệt vời của Trần Ninh Hồ: “Phút tìm bạn, ai cũng thành người lạ”. Tôi nghĩ câu ấy nói lên tất cả…”.

“… Nói chung, chúng tôi chỉ phục vụ trong quân ngũ có một năm, và mỗi năm một khác, mỗi đơn vị một khác, mỗi địa phương một khác, vì thế có rất nhiều chuyện để kể lại, mà mỗi người đều chỉ có thể cung cấp một góc nhìn rất hẹp vào một bức tranh rộng lớn hơn thế. Tuy nhiên, tôi không phải mất nhiều thời gian ở Việt Nam để nhận ra rằng chúng tôi chẳng thu được gì, mà chỉ đang tàn phá một đất nước xinh đẹp cùng những người dân của nó. Tôi đã ở Việt Nam trong suốt thời gian người ta tranh cãi về khả năng các bên ngồi vào bàn đàm phán hòa bình tại Paris. Tôi đã ở Tây Ninh lắng nghe tiếng bom B52 rơi trên đất Campuchia, đúng vào khi nước Mỹ đang đưa người lên mặt trăng. Thật vô nghĩa”.

Với tâm trạng ấy, trở về Mỹ, đi học đại học, lấy bằng tiến sĩ… Kevin Bowen rơi vào một trải nghiệm kỳ quặc: “Tôi muốn viết nhưng không tài nào viết được. Viết về cuộc chiến đã qua thì tôi không có đủ ngôn từ để làm việc ấy, mà viết về bất kỳ cái gì khác thì dường như cũng là vụn vặt, vớ vẩn”. Mãi cho đến năm 1987, khi trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau chiến tranh, ông mới viết được bài thơ đầu tiên, mà bây giờ ông giải thích rằng: “Việc trở lại Việt Nam cho tôi một ngoại ngữ mới, những địa danh, những con người, sự vật, và nhất là một cảm giác bình yên để tiếp nhận quá khứ theo một cách để tôi có thể bắt đầu xử lý nó vào thi ca”.

Từ đó tới nay, Kevin Bowen đã là tác giả của vài tập thơ, trong đó tuyển tập đầu tiên rất nổi tiếng có tên là Chơi bóng rổ với Việt Cộng (Playing Basketball with the Viet Cong), xuất bản năm 1994, xoay quanh ký ức của ông về cuộc chiến ở Việt Nam. Những vần thơ của Bowen pha trộn giữa hiện thực với ảo ảnh, ví dụ như trong bài Mất tích:

“Tôi ở đó, ngày đó, bị kéo lê

Tôi cúi nhìn xuống, và thấy chính tôi,

thấy từ giữa đồng lúa, gương mặt tôi ngước lên,

dõi vào bầu trời, nơi anh vừa biến mất…”.

Tất cả đều hòa làm một, và ở một chừng mực nào đó, những người lính Mỹ giết Việt Cộng cũng là đang tự giết chính mình, từng người một…

Một nhà phê bình văn học người Mỹ nhận xét: “Những bài thơ trong tuyển tập khác với tác phẩm của các cựu chiến binh khác ở chỗ, thay vì cố gắng đi xuyên qua những cảm xúc bi thảm thuần túy, Bowen nỗ lực khắc họa sự tương đồng giữa hai quốc gia từng một thời đối đầu trong chiến tranh, và nhấn mạnh sự tương đồng giữa họ, với một tinh thần hướng đến hòa bình và tha thứ”.

Chính với tinh thần ấy mà Kevin Bowen, với vai trò Giám đốc Trung tâm William Joiner, đã làm thơ, dịch thuật, tổ chức nghiên cứu, hội thảo, tài trợ,... tất cả những gì ông và đồng nghiệp có thể làm để đưa Việt Nam và Mỹ xích lại gần nhau thông qua cây cầu văn hóa, văn học nghệ thuật. Và cũng vì thế mà nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định, trao giải thưởng Phan Châu Trinh cho Kevin Bowen (và qua đó, cho Trung tâm William Joiner) là “vinh danh văn hóa, vinh danh một con người và một tổ chức đã đem những giá trị văn hóa đích thực phục vụ cho những mục đích tốt đẹp nhất là Hòa bình, Hòa giải, Tình yêu và Hạnh phúc trong những hoàn cảnh khó khăn và ngặt nghèo nhất ngày nay”.

Đoan Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm