Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường: “Đánh mạnh” túi ni lông!

01/06/2010 12:26 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH) - Túi ni lông có thể bị áp thuế lên tới 100-150% giá bán. Đây là mức thuế cao nhất dành cho sản phẩm đang được sử dụng tràn lan trong đời sống nhưng bị cảnh báo sẽ là “thảm họa” đối với môi trường trong tương lai. Ngoài ra trong nhóm 5 mặt hàng dự kiến chịu thuế bảo vệ môi trường, thì 1 lít xăng có thể sẽ phải gánh mức thuế 4.000 đồng (bằng 25% giá bán hiện hành).

* Đánh thuế môi trường liệu có làm làm tăng giá xăng?

Ngay khi biểu khung thuế dự kiến được đưa ra, dư luận đặc biệt quan tâm đến mức thuế dành cho xăng, bởi con số 4.000 đồng dự kiến đánh vào mỗi lít xăng đã khiến nhiều người… “choáng”. Hiện mức “gánh” các loại thuế, phí đã chiếm tới hơn 40% giá xăng dầu. Cơ quan thẩm tra dự án luật yêu cầu tính toán lại để tránh đẩy giá bán xăng dầu, tác động đến đời sống, khả năng kiềm chế lạm phát, duy trì cân đối kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, con số 4.000 đồng, tương đương với 25% giá bán xăng hiện hành chỉ là mức trần; trong biểu khung thuế đã xác định mức sàn chỉ 1.000 đ/l. Với mức sàn này, nếu áp dụng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến giá xăng, bởi nó tương đương với mức phí hiện hành áp dụng cho mặt hàng này. Theo giải thích của Chính phủ, do phí xăng dầu hiện hành thu vào sản phẩm xăng dầu, không phải thu vào hoạt động chế biến xăng dầu nên có sự trùng lặp cần được loại trừ. Khi luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành thì sẽ không tiếp tục thu phí xăng dầu nữa. Vì vậy, mức thuế tối thiểu được quy định là bằng với mức phí xăng dầu hiện hành để không gây tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày tờ trình dự án Luật thuế Bảo vệ môi trường.
 Ảnh: Trí Dũng

Các ý kiến đều đồng tình với việc phải đánh thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm mặt hàng xăng dầu  gồm xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn. Bởi đây là các sản phẩm có chứa một số chất hoá học như chì, lưu huỳnh,...  ngay cả khi chưa sử dụng, các chất độc hại trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xăng dầu có phạm vi sử dụng rộng rãi, với lượng lớn 15 triệu tấn/năm, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng diễn ra trên diện rộng. Việc đưa các sản phẩm xăng dầu vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Các nước trong Liên minh Châu Âu đang đánh thuế đối với nhiên liệu (Xăng 0,42 Euro/lít, dầu Diesel 0,30 Euro/lít); Singapore: 0,4 đôla Singapore/lít xăng; Nhật Bản: 32,1 Yên Nhật/lít xăng.

* Đối phó với ”thảm họa” ni lông

Trong 5 nhóm hàng hoá mà Chính phủ đưa vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường, ngoài xăng dầu, than, môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (dung dịch HCFC); các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng; dư luận đặc biệt quan tâm đến nhóm hàng hóa túi nhựa xốp (túi ni lông).

Túi nhựa xốp ngoài môi trường phải trải qua hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoặc không thể tự phân hủy được. Túi nhựa xốp loại bỏ sau khi sử dụng sẽ tích tụ trong đất gây suy thoái môi trường nước và đất. Khi bị phân hủy thì còn sinh ra các chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng. Việc đưa túi nhựa xốp vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi nhựa xốp, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện hơn với môi trường. Hiện nay, có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã thu thuế đối với các sản phẩm nhựa như: Anh, Ireland, Đài Loan (Trung Quốc)... Một số nước khác cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa trong các thành phố lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc).
Một số siêu thị làm túi đựng hàng cho khách bằng giấy cũ để tránh lạm dụng túi ni lông.

Vấn nạn túi nhựa xốp ở Việt Nam đã được nhận thức rõ, và đã có nhiều chương trình hành động “Nói không với túi ni lông”. Tuy nhiên, hiện nay, tại các siêu thị, chợ, người bán hàng phát miễn phí túi nhựa xốp cho người mua do giá bán của mặt hàng này rẻ nhiều so với giá các hàng hóa khác. Để tác động mạnh đến hành vi của người sử dụng, dự thảo Luật qui định mức thu từ 20.000- 30.000 đồng/kg (tương đương khoảng 100-150% giá bán hiện hành, 1kg túi nhựa xốp khoảng 200 chiếc với giá bán 20.000 đồng/kg). Việc đánh thuế cao nhằm làm tăng giá bán để người bán hàng sẽ không tiếp tục phát miễn phí tràn lan túi nhựa xốp, giảm dần dần việc sử dụng túi nhựa xốp góp phần làm sạch môi trường.

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm