Người ta đã chờ đợi trận đấu này từ hơn 2 tháng qua, kể từ thời điểm Catalonia một lần nữa đòi tách khỏi Tây Ban Nha vào đầu tháng 10 vừa rồi. Bởi trong thời điểm vấn đề chính trị giữa Catalonia và chính quyền trung ương Madrid vốn đã rất căng thẳng, 90 phút ở Bernabeu khi Real Madrid đón tiếp Barcelona chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.

(Thethaovanhoa) - Người ta đã chờ đợi trận đấu này từ hơn 2 tháng qua, kể từ thời điểm Catalonia một lần nữa đòi tách khỏi Tây Ban Nha vào đầu tháng 10 vừa rồi. Bởi trong thời điểm vấn đề chính trị giữa Catalonia và chính quyền trung ương Madrid vốn đã rất căng thẳng, 90 phút ở Bernabeu khi Real Madrid đón tiếp Barcelona chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.

LIỆU BARCELONA SẼ RÚT KHỎI LA LIGA?

Ngược thời gian về những ngày đầu tháng 10. Cảnh sát chống bạo động đã va chạm với người biểu tình tại Barcelona sau khi cuộc trưng cầu ý dân về đòi độc lập cho Catalonia bị cấm. Cùng lúc, Barcelona thi đấu trước 98.000 ghế trống do sân Nou Camp phải đóng cửa vì lí do an ninh.

Vài giờ sau, Real Madrid ra sân trước sự ủng hộ của đám đông người hâm mộ vẫy cờ Tây Ban Nha và giơ cao những tấm áp phích có dòng chữ “Todos somos Espaaa” (Chúng ta đều là Tây Ban Nha) và “Viva Espaaa!” (Tây Ban Nha muôn năm!).

Thế mới thấy sự va chạm giữa chính trị và thể thao một lần nữa nói lên tầm quan trọng của bóng đá ở trung tâm của bán đảo Iberia. Đồng thời cũng báo hiệu những thách thức cho La Liga, một trong những giải đấu hấp dẫn nhất, nhiều tiền nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Bởi Barcelona và Real Madrid là xương sống của La Liga, là niềm tự hào của Tây Ban Nha, và chỉ tính riêng hai CLB đã có hơn 100 triệu fan trên Facebook.

Vậy nhưng, trong khi Barcelona ủng hộ kế hoạch đòi tách khỏi Tây Ban Nha của Catalonia, Real Madrid biểu tượng cho một Tây Ban Nha thống nhất. Đây là lí do khiến tất cả không khỏi đặt câu hỏi, nếu Catalonia tuyên bố độc lập, Barcelona và Real Madrid sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị này như thế nào? Liệu Barcelona sẽ rút khỏi La Liga?

Trước đó thì hồi tháng 9, Chủ tịch của La Liga, ông Javier Tebas, đã cảnh báo rằng, Barcelona và các đội bóng khác của Catalonia sẽ phải rời La Liga vì luật ly khai.

"Trong thể thao, không thích làm gì thì làm và mọi chuyện cần phải được minh bạch, rõ ràng," ông Tebas nói. "Sẽ không dễ để đạt được một thỏa thuận nhưng nếu họ (các đội bóng Catalonia) làm vậy, họ sẽ không được phép thi đấu ở La Liga. Tôi hy vọng điều này sẽ không xảy ra."

BIỂU TƯỢNG CHO SỰ THÙ ĐỊCH

Thực tế thì không ít người cho rằng, 1 cuộc ly khai trong bóng đá Tây Ban Nha quá khó để xảy ra. “Mối quan hệ giữa Real Madrid và FC Barcelona là một trong những biểu tượng của sự thù địch," Phil Ball, tác giả cuốn “Morbo: The Story of Spanish Football.” "Họ là kẻ thù của nhau nhưng họ tồn tại vì nhau. Nếu một trong số họ rời đi, đội kia sẽ chết.”

Với tổng giá trị 1,4 tỷ USD, FC Barcelona và Real Madrid làm giàu từ sự đối đầu của họ, còn người hâm mộ thì luôn thích thú, háo hức chờ đợi trận đấu đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một trận đấu ở La Liga và lâu nay vẫn được biết với tên gọi "El Clásico."

Có điều, giữa FC Barcelona và Real Madrid không chỉ có La Liga, El Clasico. “Sự đối đầu giữa Barca-Real Madrid phản ánh lịch sử chính trị và văn hóa của Tây Ban Nha," Ball nói. "Mọi người lắng nghe các fan hâm mộ tại hai CLB này như lắng nghe các chính trị gia."

Ball cho biết thêm: "Nếu soi kính hiển vi vào trung tâm của Barcelona và Real Madrid, tất cả sẽ thấy họ đại diện cho hai thái cực của xã hội Tây Ban Nha. Những giá trị cốt lõi của hai CLB là những giá trị cốt lõi của các lực lượng chính trị tại Madrid và Barcelona.”

Không phải vô cớ khẩu hiệu của FC Barcelona "Mes que un club" - "Còn hơn một CLB" - và tác giả Manuel Vazquez Monbtalban từng có lần mô tả đây giống như đội quân không chính thức của Catalonia. Và sự mô tả này đặc biệt thích hợp khi tướng Francisco Franco cai trị Tây Ban Nha bằng chế độ độc tài quân sự từ năm 1939 đến 1975.

Với việc chế độ Franco nằm ở Madrid, Real Madrid trở thành biểu tượng của không chỉ thành phố mà còn của Franco. Ông ta thường dự khán các trận đấu trong những năm 1950 và 1960. Thậm chí, có câu chuyện kể lại rằng, chính ông đã can thiệp để cầu thủ Alfredo Di Stefano kí hợp đồng với Real Madrid thay vì là FC Barcelona.

Cũng vì thế mà thành công rực rỡ của Real Madrid tại châu Âu trong thời kì Franco nắm quyền luôn được xem như là công cụ tuyên truyền hiệu quả của tướng độc tài này. Ngược lại, cựu chủ tịch của FC Barcelona, Josep Sunyol, bị bắt và bị quân đội của Franco giết vào năm 1936.

VÀ TƯƠNG LAI BỎ NGỎ

Chỉ riêng một phần lịch sử đó đã giải thích tại sao những động thái mang tính biểu tượng của Real Madrid và Barcelona trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay là rất quan trọng. Trong khi không công khai ủng hộ kế hoạch đòi Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha, FC Barcelona là thành viên của National Pact on the Right to Decide, một tổ chức chủ trương đòi ly khai gồm các đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội công dân.

Còn trên tờ Financial Times, cây bút Simon Kuper chỉ ra rằng, các giám đốc của FC Barcelona thường nói tiếng Catalonia trong các cuộc họp. Thế nên, không có gì ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, FC Barcelona không còn thuộc về La Liga và nói như chủ tịch của CLB, Josep Maria Bartomeu, theo một giọng điều khá mềm mỏng thì ban lãnh đạo sẽ phải cân nhắc điều này. "Chúng tôi sẽ tìm giải pháp tốt nhất. Nếu yêu cầu độc lập được công nhận, chúng tôi cần thảo luận mọi thứ kĩ càng."

Trước mắt, những gì xảy ra và kéo dài từ tháng 10 ở Catalonia ít nhiều đã châm ngòi cho El Clasico. Và cứ cho là vua Felipe VI ủng hộ Atletico Madrid, cuộc đối đầu giữa Real Madrid và FC Barcelona lâu nay vẫn được xem là gia vị hấp dẫn cho cuộc đối đầu giữa chính quyền trung ương và vùng tự trị xung quanh vấn đề Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha.

Mạnh Hà