Việt Nam, có lẽ ra phải Á quân

22/12/2013 13:27 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Vẫn còn 2 bộ huy chương cầu mây sẽ được trao vào hôm nay, ngày thi đấu cuối và cũng là ngày diễn ra Lễ bế mạc, nhưng cuộc đua vào Top 3 trên bảng tổng sắp huy chương của SEA Games 27 đã kết thúc.

Lợi thế quá lớn từ vai chủ nhà vẫn không thể mang nổi chức vô địch cho Myanmar sau gần nửa thế kỷ lại đăng cai tổ chức SEA Games. Tuy nhiên, bản đồ thể thao Đông Nam Á cũng có biến động đáng kể sau nhiều kỳ Đại hội.

Người Thái khẳng định sức mạnh...

Không chỉ là 1 trong 6 quốc gia sáng lập ra Đại hội thể thao khu vực, Thái Lan còn là đoàn thể thao giành được nhiều chức vô địch nhất tại sân chơi này với 12 lần (tính cả SEA Games 27).

Lợi thế của một quốc gia có nền kinh tế phát triển, theo đánh giá chung của giới chuyên môn, thể thao Thái Lan vượt trội so với tất cả các nền thể thao khác tại Đông Nam Á. Thực tế là người Thái chỉ mất ngôi đầu khi SEA Games diễn ra ở các nước có nền thể thao "cận kề" với mình như: Việt Nam, Indonesia, Malaysia... cùng những kỳ đại hội các nước chủ nhà đưa vào quá nhiều "môn lạ", hay cắt bỏ các môn Olympic. Còn lại, với lực lượng phát triển đồng đều ở nhiều môn cơ bản, Thái Lan không khó để vô địch, nếu... họ muốn!

SEA Games 27 không là ngoại lệ. Trước một chủ nhà đầy tham vọng, nhưng đoàn thể thao Thái Lan sớm cán đích bằng thực lực của mình. 17 tấm HCV trong tổng số 47 HCV điền kinh, 7 trong số 32 tấm HCV bơi - những môn thể thao cơ bản nhất trong hệ thống thi đấu Olympic đã chứng minh sức mạnh của người Thái. Và rõ ràng hơn, việc có mặt trong cả 4 trận chung kết bóng đá còn cho thấy sức mạnh toàn diện của họ.

Dù sân chơi SEA Games còn nhiều "điều tiếng" phải bàn cãi, nhưng thành công của Thái Lan chính là điểm sáng để khẳng định sức mạnh của nền thể thao phát triển thực sự chuyên nghiệp, bất chấp cái bối cảnh "ao làng". Đương nhiên, đáng để học hỏi

... và Thể thao Việt Nam "chịu thiệt"

Sau chức vô địch tại SEA Games 22 năm 2003 trên sân nhà, TTVN đã khẳng định được 1 vị trí trong tốp 3 của làng thể thao khu vực. Tuy nhiên, theo chính những nhà quản lý chuyên môn trong nước, thì còn một khoảng cách xa để chúng ta có thể là số 1 đúng nghĩa và để có thể cạnh tranh ngôi đầu với thể thao Thái Lan.

Một vị trí trong tốp 3 xét trên thực lực của TTVN là hoàn toàn có thể và mục tiêu cũng như thực tế của nhiều kỳ SEA Games là minh chứng. Xét tổng thể tại khu vực hiện nay, ngoài Thái Lan vượt lên, thì các vị trí kế tiếp là cuộc tranh chấp giữa thể thao Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Với chu kỳ tổ chức 2 năm/1 lần, cục diện chuyên môn trên khó thay đổi, tuy nhiên, với việc SEA Games 27 tổ chức tại Myanmar đã khiến TTVN phải "chịu thiệt" rất nhiều trong cuộc đua vào tốp 3. Rõ ràng, ngoài phải cạnh tranh với Malaysia và đặc biệt là Indonesia có dàn tuyển thủ đang đạt độ chín sau SEA Games 2011 trên nhà, thì chủ nhà Myanmar đã trở thành đối trọng lớn cho TTVN.

Việc nước chủ nhà loại bỏ nhiều môn thế mạnh khỏi chương trình thi đấu đã là một bất lợi lớn, rồi trong quá trình thi đấu, đoàn TTVN cũng mất nhiều tấm HCV khá oan ức mà chẳng cần phải là người trong cuộc cũng biết được nguyên nhân. Chắc chắn, nếu không có sự "xen vào" này của chủ nhà, thì thành tích của TTVN không dừng một cách vất vả ở mức 73 HCV cũng như vị trí số 3 trên bảng xếp hạng huy chương mà phải ngôi Á quân.

"Thiệt" là chuyện đã rõ và cũng là cái thực tế còn phải chấp nhận khi SEA Games còn chưa thay đổi. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc TTVN sẽ rút ra được bài học gì từ những thành công cũng như thất bại ở kỳ SEA Games này mà thôi.

Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm