TS Nguyễn Mạnh Hà: Người lưu giữ một thú chơi tao nhã

21/03/2010 15:09 GMT+7 | Người Hà Nội

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà sống trong một ngôi nhà khang trang, nhưng ngôi nhà cổ 110 năm tuổi của tổ tiên xây dựng từ thời Thành Thái nằm ngay bên cạnh vẫn được ông chăm chút, giữ gìn.

Ông cho biết rằng, Hoàng Mai là một trong năm làng “ngũ mai” của Hà Nội, xưa là đất phong vương của Trần Khát Chân. Theo quan sát của ông thì mỗi hộ gia đình trong làng trước đây có một sào đất thổ cư, bởi thế nên có lẽ người làng đều là lính dưới trướng Trần Khát Chân được ban ruộng đất.

Khuôn viên của khu vườn rộng hơn 200 m2 nhưng có tới 64 loài hoa lan được chia làm 279 cụm. Từ địa lan truyền thống, đến phong lan rừng, hay những giò lan công nghiệp, tất cả đều được hội tụ về đây. Số lượng loài hoa “vương giả chi lan” của ông trong vườn nhà đủ để quanh năm lúc nào cũng khoe hương, khoe sắc. “Vua chơi lan, quan chơi trà”, theo cách giải thích của ông thì câu này nói cả về trình độ thưởng ngoạn, chăm sóc lẫn khả năng kinh tế. Trước chỉ người Hà Nội gốc mới có một vài chậu lan, chậu trà.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà trong vườn lan nhà mình

TS Nguyễn Mạnh Hà chơi hoa lan từ những năm 1990. Cũng bởi xuất phát từ công việc chuyên môn, là chuyên gia khảo sát của Bộ Xây dựng nên ông Hà có cơ may được tiếp xúc với thiên nhiên, với rừng và sưu tầm được nhiều loài hoa lan đẹp của núi rừng Tây Nguyên. Nhưng để thỏa được niềm đam mê và gây dựng được một vườn lan độc đáo thì phải đến lúc ông mãn công việc đương nhiệm, cùng với một số người bạn “đồng thanh tương ứng” tham gia sáng lập nên “CLB người yêu lan Hà Nội”.

CLB được thành lập năm 2000, một năm sau khi ông nghỉ hưu, đến nay vừa tròn 10 năm hoạt động với số hội viên là 25 người, bao gồm các bác sĩ, tiến sĩ đại tá, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, kỹ sư... hiện sinh sống ở Hà Nội. Điều đáng nói là “CLB người yêu lan” cũng là tiền thân cho sự ra đời của “Hội Lan Hà Nội” (nằm trong Hội Sinh vật cảnh Việt Nam). Vừa là Phó chủ nhiệm CLB, đồng thời vừa là người sở hữu vườn lan lớn nhất trong CLB nên ngôi nhà của ông là trụ sở hoạt động của CLB yêu lan. Thành viên CLB ít tuổi nhất là 30, nhiều nhất là 86, đa phần là đã nghỉ hưu hay hoạt động xã hội, với tiêu chí cùng chia sẻ đam mê và kinh nghiệm chơi hoa lan, không kinh doanh, không thu lợi nhuận từ hoa lan. Mỗi năm 2 lần, CLB họp mặt toàn thể hội viên để trao đổi kinh nghiệm và ngâm thơ, thưởng lan. Các nhóm nằm trong “CLB yêu lan” thì có thể họp mặt thường xuyên hơn vào mỗi dịp có hoa nở đẹp. Song song với đó là các cuộc đi dã ngoại đến những danh lam thắng cảnh, những nơi có lan đẹp ở các vùng lân cận Hà Nội. Đến nay, CLB đã cho ra mắt tập thơ về hoa lan cùng với cẩm nang về nghệ thuật chơi lan truyền thống.

Ông Hà cho biết: “Tất cả các thành viên của CLB đều có một vườn lan riêng, quy mô to nhỏ khác nhau, tùy vào hoàn cảnh, có người có vườn lan, nhưng có người thì vườn lan là ở ban công, sân thượng... Hiện nay CLB có 93 loài hoa lan với 1.776 khóm hoa của cả 3 dòng lan chính là: Phong lan rừng, phong lan công nghiệp và địa lan truyền thống”.

Đã có một thời thú chơi hoa ngày Tết trở thành tâm điểm của những bữa tiệc ngày Xuân. Các vị vương giả, vua chúa, hay các bậc nho sĩ, quân tử, xem thú chơi hoa là một thú chơi tao nhã và lịch lãm. Thời kỳ đổi mới, đất nước hội nhập và phát triển, những thú chơi tao nhã như: Chơi chữ, câu đối, chơi hoa, cây thế, chơi tranh... đang dần trở lại. Nhưng có không ít người sính đủ thức hoa nhập ngoại, những loại hoa bông rất to, rất lạ mắt nhưng hầu như vô hương. Thậm chí để có thể tiện hơn, ít phải mất thời gian để chăm sóc một cách cầu kỳ với những chậu hoa lan, thì người ta mua về những bình hoa giả, những chậu cây cảnh giả để làm “đẹp” cho căn nhà của mình.

Ít bạn trẻ bây giờ hiểu và biết yêu mến nghệ thuật chơi hoa ngày Tết. Với ông Hà, điều đó cũng là một nỗi niềm trăn trở, song, không vì thế mà ông buồn phiền. Ông quan niệm, mình phải hiểu rõ về thú chơi hoa trong ngày Tết trước đã, rồi thì sẽ truyền lại cho con cháu, cho những người khách đến chơi nhà trong những dịp Tết để niềm đam mê ấy được nhân lên rộng rãi và tự nhiên nó sẽ trở thành một trào lưu, một nét văn hóa đã làm nên cốt cách của người Hà Nội. Ông đọc cho chúng tôi nghe một trong những bài thơ về hoa lan hay nhất của Ngô Quân Miện: “Thăm thẳm ngày đi hương Mặc Lan/ Thực hư Tần mộng bóng hoa tan/ Hương bay giữa lúc hoàng hôn tím/ Cửa hé nhà ai một tiếng đàn” (Trong vườn lan).
Bằng nhiệt huyết và uy tín của mình, TS Nguyễn Mạnh Hà được các thành viên CLB nhất trí bầu làm Chủ nhiệm “CLB yêu lan Hà Nội” nhiệm kỳ 2010 - 2015. Công việc đầu tiên mà ông muốn làm là tổ chức một cuộc hội thảo, bình thơ về lan và thú chơi hoa lan của người Hà Nội, để chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
 
Người đẹp của rừng thẳm
Chơi lan là một thú chơi quý tộc của mọi châu lục. Năm 1769, sĩ quan Louis Antoinne Bougainville khi đi vòng quanh trái đất cùng với sự tháp tùng của thực vật gia triều đình Pháp Philibert Commerson đã mang về những cây đặc biệt của Nam Mỹ. Những cây lạ này được giới quý tộc ở Âu châu hết sức chú ý. Federik Boyle, một nguời Anh vào thời đó đã ghi trong sách viết về hoa lan của ông: “Hoa lan sở dĩ được tạo hóa tạo ra chỉ để làm vui cho một nhóm người đặc biệt của thời đại này”. Vì cạnh tranh nhau trong việc tìm lan, nên để giữ bí mật chỗ tìm thấy hoa lan mọc, người ta tự vẽ bản đồ và ghi đường đi nước bước bằng những dấu mật mã, hoặc cố ý phổ biến những bản đồ sai để đánh lừa những người khác trong các cuộc mạo hiểm tìm kiếm “người đẹp của rừng thẳm”.
Hiện có khoảng hơn 25.000 loại lan trên khắp thế giới, mỗi năm khoảng 100 loại lan mới được tìm thấy, lai tạo và hệ thống hóa.

NGUYỄN NHƯ HOA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm