Trái tim của người thầy lớp Karate miễn phí

27/09/2019 06:34 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa kết thúc giờ học ở giảng đường Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, anh Đỗ Thành Tài vội thu xếp đồ đạc rồi chạy xe tới khu nhà C Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, nơi gần 100 học trò của anh đang chờ để bắt đầu giờ học Karate lúc 6h30 tối.

Tập huấn karate với nhà VĐTG người Nhật Bản

Tập huấn karate với nhà VĐTG người Nhật Bản

Nhằm nâng cao trình độ cho các võ sinh karatedo theo chủ trương xã hội hoá hoạt động thể thao võ thuật của Chính phủ, Ban chủ nhiệm CLB võ thuật Việt Nhật tổ chức “Chương trình tập huấn nâng cao với nhà vô địch thế giới người Nhật Bản Shinji Nagaki & Giải vô địch Karate-do Vietnhatclub Mở rộng lần 9, 2019”. 

Trời Sài Gòn bắt đầu mùa mưa, cứ chiều và tối là mưa không ngớt nhưng lớp học đông đủ, trong trang phục chỉnh tề, mọi người đứng kín dãy hành lang. Anh Đỗ Thành Tài, 32 tuổi, Tứ đẳng quốc gia, Nhị đẳng quốc tế môn Karate, chủ nhiệm CLB võ thuật miễn phí này nói với chúng tôi: “Năm 2005 tôi là học trò của lớp võ này. Từ năm 2009, thầy tôi rời TP.HCM, giữ lời hứa với thầy, tôi trở thành chủ nhiệm CLB. Lớp võ đã trải qua 15 năm, hơn 150 bạn học mỗi năm, như vậy tính đến bây giờ đã có hơn 1.500 người trẻ đã trưởng thành từ lớp học này”.

Học võ là học làm người

Anh Đỗ Thành Tài cho biết, CLB Karate miễn phí được thành lập từ năm 2004 bởi võ sư Tống Viết Tập, 15 năm qua, mọi người đều đặn mỗi tuần ba buổi gặp nhau, cùng nhau luyện rèn Karate trong khuôn viên sân Trường Đại học Sư phạm TP.HCM (đường An Dương Vương, Q.5). Ngày trước, khi trường còn chưa xây lại khang trang như thế này, thầy và trò vẫn hăng say tập luyện trên sân đá cũ. Không quản nắng mưa, những ai đã gắn bó với lớp karate đều chung một tinh thần tôn sư trọng đạo, họ đều thấm nhuần lời của thầy “học võ thuật còn là học đạo đức, học làm người”.

Mỗi tuần, CLB Karate miễn phí học 3 buổi vào các tối thứ 2, 4 và 6, học kỹ thuật, quyền và thực hành đối kháng, mỗi buổi hơn 2 tiếng, hoàn toàn không thu phí của bất cứ học trò nào. Anh Đỗ Thành Tài cho hay, nhiều người nói với anh, tại sao không thu mỗi học viên vài chục ngàn, hay vài trăm ngàn như những CLB khác ở khắp thành phố. Nhưng anh Tài kiên định, thời sinh viên khốn khó của anh, anh đã được nâng đỡ, được trưởng thành từ lớp võ miễn phí này, anh sẽ tiếp bước người thầy của mình, để những bạn trẻ từ khắp nơi về TP.HCM sinh sống, học tập có được một “mái nhà” chung, để mọi người cùng học võ, cùng hỗ trợ nhau những lúc khó khăn.

“Ngày mới từ quê Bình Thuận lên TP.HCM học đại học, có những lúc trong túi tôi chỉ còn 1.000 đồng, không đủ mua một ổ bánh mì, chỉ mua được gói mì tôm, chia ra ăn cả ngày. Bây giờ thì đời sống các bạn sinh viên đã khá hơn rất nhiều, nhưng biết đâu trong hơn 100 bạn học trò của tôi, có những bạn cũng khó khăn nhưng không tiện nói ra nên lớp võ miễn phí, để các bạn có thêm được vài chục ngàn đồng trang trải trong cuộc sống xa nhà nhiều thiếu thốn”, anh Tài bộc bạch.

Chú thích ảnh
Lớp học võ miễn phí do anh Tài là chủ nhiệm (chính giữa, áo có hình quốc kỳ) còn thực sự trở thành gia đình nhỏ. Ảnh Thiên Vy

Mái nhà thứ hai

Không chỉ có những hoạt động học tập ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, CLB Karate miễn phí cũng có những chương trình ngoại khoá, gặp gỡ nhau trong những buổi thi lên đai, chi phí cho những hoạt động này đều theo tinh thần mọi người đùm bọc nhau. Những anh chị đã đi làm, trưởng thành, có thu nhập sẽ hỗ trợ các đàn em còn đang là học sinh, sinh viên. Chị Phan Thị Bích Ngọc, 48 tuổi, trú đường Nguyễn Khoái, P.2, Q.4, học viên lớn tuổi nhất đã gắn bó với lớp 8 năm nay xúc động chia sẻ: “Tôi gần như rất ít khi vắng mặt, cứ đều đặn hàng tuần đến đây học, bởi mình thật sự yêu nơi này, nó giống như gia đình của tôi vậy”.

Điều đặc biệt của lớp võ Karate này, đó là anh Tài, huấn luyện viên, người chủ nhiệm đang là sinh viên năm 4 ngành Bác sĩ đa khoa hệ chính quy, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Còn hơn 50% học viên của lớp học cũng đều là các bạn sinh viên ngành y dược, hay các y bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viên như Trưng Vương, Nguyễn Tri Phương, Xuyên Á, ĐH Y dược, Từ Dũ… Bên cạnh đó, là học sinh, sinh viên khắp các trường, từ khắp các quận, từ nội thành tới các quận ở xa như Q.2, Thủ Đức, Q.9…

Anh Tài cho biết, học tập và làm việc trong ngành y rất căng thẳng, do đó khi tới lớp võ karate, các bạn được xả stress, được rèn luyện về ý chí, quyết tâm. Đồng thời, khi tới lớp võ, các bạn cũng tìm được những người bạn cùng khoa, cùng ngành đào tạo, để chia sẻ với nhau những vấn đề gặp phải trong quá trình học tập, làm việc, để tìm ra giải pháp…

Trái tim của người thầy dạy võ - người thầy thuốc

Trước khi là sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa hệ chính quy, anh Đỗ Thành Tài tốt nghiệp thủ khoa đầu ra hệ cử nhân Trường Đại học Y dược TP.HCM sau đó có 5 năm làm việc tại phòng chẩn đoán điện cơ tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Được đánh giá cao trong công việc, nhưng giấc mơ trở thành bác sĩ để được cứu người chưa bao giờ lung lay trong anh. Năm 2015, khi đã xa rời Trường THPT được 10 năm, anh thi lại ngành Bác sĩ đa khoa nhưng chưa đỗ. Anh lại tiếp tục ôn thi thêm 1 năm và đến năm 2016, ở tuổi 29, anh chính thức trở thành sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa hệ chính quy, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Anh kể lại với chúng tôi: “Không hiểu sao, từ nhỏ tôi đã luôn ao ước để có thể trở thành bác sĩ để cứu người. Từ khi tôi học lớp 1, mỗi khi thấy xe cấp cứu chạy ngang tôi đã bảo mẹ tôi là mẹ ơi sau này con muốn ngồi trên chiếc xe đó để đi cứu người. Sau này, khi làm việc tại phòng chẩn đoán điện cơ của BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, tôi muốn giúp đỡ họ mà khả năng của mình thì có hạn. Tôi bảo mình, vậy thì phải cố thật nhiều hơn, nhất định phải trở thành một bác sĩ, thật giỏi, để có thể khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, cứu được thật nhiều bệnh nhân”.

Anh Tài cho biết, ôn thi lại Đại học trong suốt 2 năm 2015 và 2016, anh gặp rất nhiều khó khăn khi mà chương trình học thay đổi quá nhiều, anh thậm chí đã đã phải ôn luyện lại từ 7 hằng đẳng thức đáng nhớ. Những ngày tháng đó, vừa hết giờ làm hành chính ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM, anh chạy tới nơi làm thêm ở một số phòng phục hồi chức năng, sau đó tới lớp võ Karate mà mình làm chủ nhiệm, rồi đêm về thì mở sách ra ôn thi. Mỗi đêm, anh Tài không được ngủ quá 2,5 tiếng.

Suốt 10 năm trời là huấn luyện viên, chủ nhiệm CLB Karate miễn phí, anh Tài nhớ chính xác mình nghỉ chưa tới 10 buổi. Anh cho hay, anh không mong các trò nhớ tới ơn mình, chỉ mong các trò ai cũng hạnh phúc, thành công, làm nên những điều tử tế giúp đời và giúp người…

“Cha mẹ tôi dù chỉ làm nông ở Bình Thuận nhưng luôn dạy các con phải ráng học, để làm nên những điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Tôi luôn tự hào về gia đình, những anh chị tôi. Mọi người là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ để tôi có được như ngày hôm nay”, anh Tài xúc động. Chị gái anh Tài là cử nhân Trường Đại học Luật TP.HCM; anh trai của anh Tài là GS Đỗ Thanh Toàn, đang giảng dạy Công nghệ thông tin tại Đại học Liverpool, Vương quốc Anh và cô em gái út là bác sĩ nội trú - giảng viên Trường Đại học Y dược TP.HCM. Điều thú vị là năm 2015, khi mà anh Tài thi lại đại học để vào ngành bác sĩ đa khoa, thì chính cô em gái của mình là giám thị coi thi. Vì biết trong danh sách thí sinh có anh trai mình, cô em gái đã báo lại hội đồng thi, để đổi sang coi thi phòng khác, đảm bảo tính khách quan, trung thực.

THIÊN VY

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm