Trả lại không gian cho văn hóa

06/11/2009 08:31 GMT+7 | Báo động từ vốn di sản

(TT&VH Cuối tuần) - Mỗi biểu hiện văn hóa đều có không gian thiết yếu của nó. Người Việt từng đối mặt mà không hề sợ, thậm chí tận dụng được mọi cái hay, lạ, bản địa hóa nó để làm giàu cho mình, đồng thời không bị đồng hóa, vì chúng ta có một cái cốt lõi văn hóa rất sâu, rất bền, trụ vững trong một không gian được cấu trúc rất độc đáo, chặt chẽ: Làng.

Trong lịch sử, ta đã từng nhiều lần mất nước nhưng không mất làng, nên cuối cùng đã giành lại được nước. Người Việt Nam nói Làng Nước. Không có Làng Nước, không giữ được Làng Nước hài hòa, thì dân tộc và xã hội suy yếu, thậm chí mất nước. Về văn hóa cũng hoàn toàn như vậy, chính vì giữ được văn hóa làng mà ta đã không bị đồng hóa trước những thế lực văn hóa lớn. Trái lại, chính cái lõi này lại có sức đồng hóa ngược đối với các văn hóa ngoại lai, thanh lọc chúng cho mình, làm giàu, làm mạnh mình lên. Cũng từ cái lõi gốc này mà sinh sôi này nở, đa dạng hóa, có thể đến vô cùng. Rất có thể đây là nét đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Việt Nam.


Ca trù

Theo tôi, Làng chính là cái “gen”, là nơi giữ cái “gen” của văn hóa Việt, để cho nó có thể biến hóa muôn vẻ mà ta vẫn là ta, là ta đặc sắc hơn, phong phú hơn, mạnh hơn.

Lại trở về với ví dụ Quan họ. Chúng ta biết nay đã có nhiều thứ Quan họ, như chính các liền chị bên Bắc Ninh có lần nói với anh em chúng tôi: có “Quan họ đoàn” do các liền anh liền chị đã được đi học trường này trường nọ, nhạc lý này nhạc lý kia, lập thành đoàn biểu diển trên sân khấu trong nước ngoài nước tiếng tăm vang lừng. Có “Quan họ đài” của các anh chị tân thời hơn hát trên đài, thường ở VTV4 cho bà con ở nước ngoài... Thậm chí có cả tân nhạc dựa theo làn điệu Quan họ, như của anh Nguyễn Trọng Tạo v.v... Chẳng sao cả, đều hay và mỗi thứ đều có tác dụng khác nhau. Nhưng điều âm thầm, mà quan trọng nhất, đến cốt tử, sinh tử nữa kia, là phải giữ cho kỳ được Quan họ làng, Quan họ hát chay của các bà các chị vừa đi cấy về phủi chân ngồi vào chiếu và cất lên tiếng hát, mộc mà tinh, nghe đến muốn nuốt tận tâm can từng âm từng lời. Không biết các bạn nghĩ thế nào, riêng tôi mỗi lần nghe được quan họ mộc, chay mà tinh vô cùng ấy, tôi luôn có cảm giác xúc động như đứa con đi xa được trở về tiếp xúc với cái “gen” gốc của ngọn nguồn... Trên cái gốc nay mới nảy ra những cái hoa kia, mất cái gốc này thì chẳng lâu lắm nữa đâu những cái hoa kia sẽ là những cái hoa không có gốc, không bén đất, dầu là đất xa. Và ta quá biết rồi, sẽ chỉ còn là hoa nhựa... Ý nghĩa của việc bảo tồn các nghệ nhân dân gian chính là ở chỗ này. (Thật tình tôi không thích lắm cái từ nghệ nhân, cách gọi nghệ nhân; họ là những nghệ sĩ thật sự đấy chứ, sao phải chuyên nghiệp mới là nghệ sĩ? Nhưng chắc hôm nay không phải lúc bàn về chuyện đó). Chính họ, vô danh, giữ cái nền cho sự bừng nở thiên hình vạn trạng của các nghệ thuật. Và nghệ thuật, trong phát triển, cần thường xuyên trở về uống lấy chất nước trong từ nguồn ấy.


Quan họ

Nhưng làm sao giữ được họ? Tất nhiên có chuyện chính sách này khác, đều là cần, cũng có thể là những chuyện cụ thể hôm nay chúng ta cần bàn. Nhưng chính sách gì đi nữa, mà mất đi cái quan trọng nhất là không gian văn hóa của tất cả những biểu hiện văn hóa đó thì cũng như không, lúc đó sẽ chỉ là để nuôi những cái xác đang chết dần một cách tất yếu, hay như chị Phạm Thị ThuThủy nói trong một bài báo, đang chết lâm sàng.

Chính điều này đang diễn ra ở Tây Nguyên với sử thi và các nghệ nhân sử thi và cũng đang diễn ra ở Bắc Ninh, Bắc Giang, không khác nhiều lắm đâu.

Ở Tây Nguyên, không gian văn hóa đó là Làng và Rừng. Chị Thủy ở TT&VH và một số anh chị ở VTV đã đi cùng tôi một chuyến gọi là khảo sát, thực ra chỉ là du ngoạn cưỡi ngựa xem hoa ở đôi vùng Tây Nguyên. Mới đi qua thôi mà chúng ta đều đã thấy xơ xác rừng và xơ xác làng đến đau lòng như thế nào. Sử thi Tây Nguyên sinh ra, tồn tại, nảy nở sinh sôi, ra hoa kết trái trong không gian đó, là con đẻ của không gian bí ẩn và thiêng liêng đó, làng và rừng không còn thì làm sao nó không chết lâm sàng!


Cồng chiêng Tây Nguyên

Ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nếu nông thôn tiếp tục bị tàn phá vì quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa bằng bất cứ giá nào, thì ngày chết lâm sàng của Quan họ, Quan họ gốc cũng không còn xa. Và khi đó Quan họ đoàn với lại Quan họ đài sẽ ngày càng héo hon...

Riêng tôi, tôi không tin rằng sử thi Tây Nguyên, cũng như cồng chiêng, nhà rông, và bao nhiêu đặc sắc văn hóa Tây Nguyên sẽ phải chết. Chúng đều từng có sức sống cường tráng qua hàng nghìn năm. Nhưng chắc chắn chúng sẽ chết, nếu không kiên quyết, với một trách nhiệm và một sự kiên trì có thể còn lớn cả thời chiến tranh, khôi phục lại rừng, và từ đó khôi phục lại làng. Rừng sống lại, Tây Nguyên xanh lại, làng sống lại, thì sử thi sẽ sống lại, cồng chiêng sẽ sống lại, không phải bằng các lễ hội giả như chúng ta đang làm hiện nay, mà sống lại tinh tươi, đằm thắm, sâu sắc... như nó đã đứng vững trước bao thử thách nghìn năm.

Và điều thứ ba, có thể còn quan trọng hơn: Chính cái không gian của con người được khôi phục, được sống lại như vậy, sẽ tự nó tìm được cách tiếp biến với tất cả những thứ hiện đại đang đến, dù có xa lạ, mới mẻ, thậm chí có vẻ kỳ cục đến đâu. Không gian của con người được khôi phục ấy, sẽ biết cách cư xử, tiếp cận, tiếp nhận chẳng hạn body art trong các lễ hội như thế nào? Những vấn đề mới mẻ như kiểu Body art, sự du nhập của chúng vào thực tiễn văn hóa sôi động, đang và sẽ còn mãi đặt ra. Cuộc sống thực được khôi phục, được trao lại quyền sống thực sự cho nó, tự nó sẽ tìm ra được câu trả lời. Nó sẽ có câu trả lời thông minh, và hữu hiệu cho những vấn đề quả thực rất khó đó. Không cơ quan quản lý văn hóa hay chuyên gia bác học nào tìm được câu trả lời thay cho nó đâu.

Nên nhớ rằng trong suốt lịch sử, cuộc sống chưa bao giờ bế tắc với các câu hỏi được cuộc sống đặt ra. Chỉ có con người giết chết cuộc sống, bằng cách triệt tiêu không gian của nó.

Trả lại không gian cho văn hóa, đó là con đường duy nhất.

Nguyên Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm