Tôi đi viết về gái điếm

14/05/2009 18:07 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Năm 2006, đánh dấu một bước tiến bộ về văn chương của tôi. Đó là khi tôi viết một mạch xong truyện ngắn “Những cô điếm trong đời”. Truyện này dùng làm bài thi định kỳ ở lớp Viết văn (Khoa Viết văn ĐH Văn hóa), được thầy Sương Nguyệt Minh cho điểm 10.

Sau đó truyện đến tay nhà văn Phong Điệp, biên tập viên báo Văn nghệ trẻ. Chị Phong Điệp lấy làm mừng vì tôi viết được cái truyện như vậy. Chị chọn in hai kỳ trên báo. Có người bạn gái đọc được, gọi điện hỏi tôi: “Anh đang viết về cái kinh nghiệm mình trải qua đấy hả? Đọc truyện của anh, em đã suýt khóc. Sao mà thương nhân vật ấy thế. Em đã nghĩ trước đó về những cô gái bán hoa, rằng cuộc đời của bọn họ chỉ đáng lên án, việc làm của họ quả là xấu xa. Truyện của anh làm em có cách nghĩ khác. Đâu phải làm gái bán hoa đã là xấu...”. Có một người hiểu tôi như vậy cũng là may mắn.

Phần lớn những người đọc truyện tôi viết về gái điếm đều có ý hỏi: “Anh chắc hay vào chỗ đó lắm nên hiểu cặn kẽ thế”. Nói chung họ đọc và chỉ nghĩ được rằng, tôi viết được như thế là vì tôi đã đi tìm những cô gái này nhiều lần, chứ không nghĩ được tôi viết vậy để làm gì và tôi muốn nói điều gì trong đó. Sau đọc lại nhiều lần, tôi vẫn thấy truyện ngắn “Những cô điếm trong đời” là truyện viết thành công, đầy thân phận, tính nhân văn và nó là tất cả tình cảm của tôi dồn vào, cùng niềm thông cảm với những cô gái lâm vào chốn nhuốc nhơ. Sở dĩ tôi hiểu được họ là vì tôi trực tiếp sống bên họ, làm việc cùng họ, chứng kiến những đau khổ họ trải qua. Thậm chí, thời gian làm điều hành, tôi từng phải điều họ đi khách. Tôi nghĩ công việc của mình không xấu, tôi không điều thì có người khác điều. Cuộc sống diễn ra và công việc làm điếm, tất nhiên đáng phải dẹp bỏ, nhưng không phải một sớm một chiều mà dẹp bỏ được. Những đau khổ mà xã hội phải gánh chịu như phần tối của bức tranh mà một số người nói không có phần đó không thành xã hội.

Sau khi ra khỏi nhà nghỉ, bỏ hẳn công việc của một tiếp viên nhà nghỉ, một bảo kê, tôi vẫn tìm lại những cô gái bán hoa để hiểu thêm họ, để làm những bài viết. Và, tôi đã viết ra tiểu thuyết “Gái điếm”. Trước đây, một người bạn gái thấy tôi viết phóng sự về đối tượng gái mại dâm, còn làm cả tiểu thuyết về họ nữa thì chẳng thể nào thông cảm được. Dù có ý yêu tôi, khi phát hiện ra chuyện này, cô lập tức dời bỏ tôi. Giữa người yêu tôi và cũng là người tôi yêu sau này xảy ra một sự cố. Tôi đã không dám đưa cuốn tiểu thuyết “Gái điếm” cho cô đọc. Sau thấy nếu cô yêu tôi và xác định tiến đến hôn nhân thì phải thông cảm cho nhau. Tôi đã nói trước đây là tiểu thuyết khi đưa cô đọc nó. Khi đọc xong, cô nói:“Em thấy sợ”. Điều đó khiến tôi buồn và...choáng. Chẳng bao lâu cô đã xin lỗi và tỏ lòng thông cảm cho công việc của tôi. Dù sao, đó cũng là cái giá tôi phải trả ở cuộc đời này. Vì văn chương, vì công việc, tôi chấp nhận, cô gái nào không thể thông cảm được thì đừng yêu. Còn đã yêu thì không thể cấm tôi đừng viết. Cái sự viết của tôi là công việc, là niềm đam mê chứ không phải là điều nhảm nhí.

Tôi cho rằng, viết về những đối tượng này, phải hiểu họ, chẳng thể đặt bút là cứ thoải mái đả kích, như muốn giết họ đến nơi, hoặc cứ lên tiếng nói đạo đức dạy đời. Nhiều người có kiểu viết như vậy, ngồi một chỗ viết, bịa đặt thêm những tội lỗi của những cô gái điếm, rồi lên tiếng dạy họ, cũng tỏ ra thông cảm, muốn họ trở về đường sáng mà thực ra có biết làm gì để giúp họ đâu. Hoặc, chỉ đứng ngoài rồi kêu gọi, khoắng lên, còn mình thì rảnh rang.

Thực tình, tôi đã gặp những cô gái điếm lương thiện hẳn hoi. Cô thương mẹ đến nỗi phải hy sinh chính bản thân mình để cứu mẹ, lo cho bố. Xét thực tế cô có hiếu quá đi chứ. Không làm vậy thì mẹ cô sẽ chết. Mà có đứa con nào muốn mẹ mình chết.

Không hề ân hận

Tôi không ân hận vì mình đã chọn đề tài gái điếm, chọn con đường viết văn chẳng giống ai. Cũng bỏ ngoài tai những lời xì xào khi ai đó nhìn thấy tôi và nói “thấy mày là thấy gái điếm” hoặc họ gọi tôi là “thằng điếm”.

Tôi thấy tự hào vì mình có cái “vốn” thực sự về đề tài này, mảnh đất này. Mỗi người viết sẽ viết tốt trong môi trường của mình. Và, không phải ai cũng có khả năng thâm nhập thực tế, viết tốt về những cô gái đang là những người bị chú ý nhất của xã hội. Vui vì mình làm được việc, và cũng giúp được một số cô nghĩ lại. Cái “Câu lạc bộ hậu gái bán hoa” một thời gian hoạt động tốt đã giúp được nhiều cô gái từng hành nghề này có thể hòa nhập cộng đồng, sống tốt. Niềm vui nhận được là thi thoảng, tôi lại nhận được điện thoại của bạn bè, báo cô này sinh con trai, cô kia sinh con gái, chồng họ đối xử rất tốt. Họ có thể chia sẻ, tâm sự, giũ bỏ được mặc cảm, một phần rất lớn là nhờ bàn tay cộng đồng.

Mỗi lần như vậy, tôi lại muốn đi viết về họ, để nhiều cô gái thấy được con đường trở về phía sáng, tìm lại chính mình quan trọng biết nhường nào.
Nguyễn Văn Học
(Trường ĐH Văn Hóa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm