Thể thao Việt Nam năm 2017: Đừng quên những hạn chế

30/12/2017 08:01 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Sau phần tập trung đánh giá những điểm sáng, trong loạt bài tổng kết mùa thi đấu 2017, Thể thao & Văn hóa sẽ điểm lại những mặt hạn chế mà Thể thao Việt Nam (TTVN) còn tồn tại.

Thành tích phập phù

Nếu phải lựa chọn ra một thất bại đáng buồn nhất của TTVN trong năm 2017 thì đó không thể là thất bại nào khác ngoài việc xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bị loại khỏi chung kết nội dung 50m súng ngắn bắn chậm và chỉ giành được HCB nội dung 10m súng ngắn hơi nam, tại SEA Games 29.

Rất nhiều người từng đặt ra câu hỏi, điều gì đã khiến nhà đương kim vô địch Olympic 2016 đánh mất mình một cách dễ dàng đến thế chỉ sau 1 năm ở trên đỉnh thế giới ở một đấu trường mà anh đang nắm giữ kỷ lục vô tiền khoáng hậu với 9 lần tham dự?

Ở một môn thể thao Olympic khác, Lộc Thị Đào cũng là một trường hợp tương tự khi thất bại trước mục tiêu giành tấm HCV nội dung cung 1 dây cá nhân nữ tại SEA Games 29, dù trước đó 5 tháng, cung thủ 22 tuổi từng giành tấm HCV tại Cúp châu Á. Niềm an ủi cho Lộc Thị Đào là trong cuộc thi đấu vào tháng 11 vừa qua tại giải vô địch châu Á, cung thủ này đã giành tấm HCĐ nội dung đôi nam nữ và là tấm huy chương đầu tiên của bắn cung Việt Nam tại đấu trường châu lục.

Nhìn qua các môn tập thể, việc 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ không hoàn thành được mục tiêu tại SEA Games 29 cũng là một trong những thất bại đáng tiếc và đáng trách. Sự chênh lệch về lực lượng trong đội hình và quá trình chuẩn bị gặp quá nhiều trục trặc được coi là nguyên nhân dẫn đến thất bại của bóng chuyền Việt Nam tại SEA Games 29, bên cạnh yếu tố đánh giá chưa chính xác về sự tiến bộ của đối thủ.

Đi tìm nguyên nhân

Thất bại của TTVN trong năm 2017 không chỉ có như vậy, còn rất nhiều trường hợp khác ở nhiều môn thể khác, thậm chí ở cả những môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như điền kinh hay bơi, song một vài ví dụ nêu trên được coi như điển hình.

Nó cho thấy thành tích của nhiều tuyển thủ, ở nhiều nội dung, nhiều môn được đánh giá là thế mạnh của thể thao nước nhà chưa thực sự ổn định, ngay cả khi họ đã đạt được hoặc duy trì được thành tích trong một khoảng thời gian khá dài trước đó.

Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn: ‘Tôi mất ăn, mất ngủ khi chưa có HCV’

Trưởng đoàn TTVN Trần Đức Phấn: ‘Tôi mất ăn, mất ngủ khi chưa có HCV’

Trả lời phỏng vấn báo chí tại nhà thi đấu KLCC Hall 5, nơi diễn ra môn wushu của SEA Games 29, ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại SEA Games 29 thừa nhận rằng những ngày trước đó ông đã mất ăn mất ngủ vì TTVN chưa có HCV.

Những cuộc mổ xẻ thất bại sau này của ngành thể thao cũng đã chỉ ra những nguyên nhân, như tâm lý thi đấu thiếu ổn định; quá trình chuẩn bị chuyên môn diễn ra chưa tốt dẫn đến tính toán sai điểm rơi phong độ. Bên cạnh đó là hạn chế trong công tác dự báo, đánh giá đối thủ và cả chưa có được chiến thuật hợp lý trong thi đấu.

Điều đáng nói, những hạn chế này thường xuyên xuất hiện trong các cuộc thi đấu quốc tế quan trọng của TTVN từ nhiều năm qua. Nó giống như một sợi dây “kinh nghiệm” được rút từ năm này qua tháng khác, từ đại hội này tới đại hội khác, từ cuộc thi này tới giải đấu khác nhưng dường như chưa bao giờ kết thúc. Nó cũng chưa cho thấy sự nghiêm túc trong nhìn nhận và đưa ra được giải pháp hiệu quả để khắc phục những nhược điểm trong nhiều năm qua.

Cú sốc bóng đá nam và futsal

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới thất bại của đội tuyển bóng đá nam U22 Việt Nam và đội tuyển futsal nam tại SEA Games 29. Việc bị loại sớm khỏi vòng đấu bảng và không bảo vệ được những gì đã giành được thời gian trước đây của 2 đội tuyển cũng bắt nguồn với những nguyên nhân đã được nêu lên ở trên.

Điều đáng buồn là bóng đá cũng thường xuyên nhận những thất bại có phần tương tự như nhiều môn thể thao khác của thể thao Việt Nam và rơi vào những thời điểm nhận được sự kỳ vọng càng lớn thì thất bại càng nặng nề.

Vũ Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm