Tàu nhanh Hà Nội – Hải Phòng

14/05/2009 18:08 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Không chỉ vì sợ say xe, tôi thích đi tàu hoả để có thể thư thả ngắm nhìn, mệt thì chợp mắt theo nhịp lắc lư trong tiếng bánh sắt nghiến đường ray khi chói tai, khi rộn rã…ồn ào nhưng lại buồn.

Tiễn, đón, đi ở, hội ngộ, chia xa, tôi thấy nhà ga nào cũng buồn dù là ga xe lửa, tàu thuỷ hay hàng không. Chưa đón đã sợ lúc tiễn nhau đi bịn rịn, lưu luyến đến mức muốn dừng đoàn tàu, bỏ chuyến bay để đừng xa cách, mong cho tàu ngừng chạy, thời tiết xấu để máy bay hoãn giờ cất cánh.

Nhưng tàu hoả vẫn rùng rùng mặt đất, tàu bay vẫn xuyên mây ngang dọc bầu trời mỗi ngày. Thời gian không thể ngừng lại. Nhưng tôi vẫn tìm thấy hình ảnh tuổi thơ trên hoả xa Hà Nội – Hải Phòng.

Tàu hoả một mình một đường, dù thỉnh thoảng có qua những thành phố, thị xã, thị trấn, ngăn cách với đám đông và các phương tiện khác bằng barie chắn tàu. Toa tàu nhỏ trên đường ray hẹp từ thời Pháp, đoàn tàu sơn xanh lúc nào cũng nặng nề mệt mỏi. Sự phát triển của đời sống chỉ thấy rõ nhất là nhà bê tông mọc tràn lan, phản ánh dân số tăng, tốc độ “phá” cảnh quan hàng đầu thế giới, không cần biết để lại gì cho con cháu đời sau.

Đi tàu, để được sống trong kỷ niệm kí ức tràn về bằng so sánh hôm nay để nhớ “ngày xưa” 20 năm trước, vẫn chen lấn xô đẩy mua vé, vẫn chen lên – chen xuống tàu. Mỗi lúc tàu dừng, hàng rong ào lên, bán hàng, ăn cắp, móc túi, gạch đá ném lên lúc tàu chạy qua làng (nghe đâu vì nhà vệ sinh trút thẳng xuống đường tàu). Sang thế kỷ 21, tàu trang bị lưới thép an toàn cửa sổ, hàng rong không được lên, đi vệ sinh không nhìn thấy tàvẹt, nhưng qua khỏi Hà Nội, không thấy còn nhiều cánh đồng, mướt mát lúa ngô, hoa màu trải dài. Ruộng chia nhiều mảnh, vụn ra, nhà chen lấn; những khu công nghiệp, liên doanh đã và sắp mọc ngổn ngang. Chẳng có cò bay, đầm sen, mương xanh, ao hồ. Qua Hưng Yên, thấy khu công nghiệp Hanel, rồi những cánh đồng bị cày ải, đường san ủi cát lấp mặt bằng, may còn vài rặng nhãn bơ phờ bên dòng mương đục. Qua Hải Dương, tầm nhìn bị chặn vì nhà máy, công ty, mãi mới thấy sông cạn nước, nhiều vườn vải Thanh Hà và những luống đậu xanh chưa có hạt.

Tàu thường có 10 toa, đông hay vắng cũng đơn độc một mình đi qua ruộng đồng, nên đi tàu để biết thiên nhiên mất dần từng tháng, từng năm mà bất lực. Ngoài tấm vé ngồi giống tàu thống nhất in ra từ máy tính, vé đứng viết số toa bằng tay, dài để chia làm 2 liên (cho nhân viên soát vé và khách).
 
(Ảnh Internet)
 
Theo hành trình, từ ga gốc Long Biên về đến ga Hải Phòng, tàu dừng 4 ga Gia Lâm, Cẩm Giàng, Hải Dương, Phú Thái. Một ngày có 4 chuyến tàu từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại. Trừ chuyến đầu tiên và cuối cùng 6 giờ (và 17 giờ 55) từ Hà Nội, 6giờ 10 (và 18giờ 25) tại Hải Phòng chạy 2,5 tiếng, các chuyến còn lại đều chạy mất 3 tiếng hoặc hơn. Ngày nghỉ, lễ tết và sau đó, tàu nối thêm toa, khách ào ào lên, ngồi bệt xuống sàn, kẻ đứng ngủ gật gù, và chạy ì ạch. Muộn không lạ. Khi nào chậm 45 phút - 1 tiếng thì sẽ có loa xin lỗi. Vé, thành tàu đều in chữ “Tàu nhanh”. Từ này còn được phát qua loa lúc đầu và cuối hành trình.

Có Việt kiều, không chê tàu chậm, bẩn mà lại mong “càng chậm càng tốt” để ngắm cảnh quê hương. Tôi cũng mong nó chậm, để ngủ được một giấc trước khi bắt đầu một lô việc. Băng ghế cứng ngồi đau ê ẩm, 20 thanh gỗ đóng bằng đinh to, liền, cho 2 thành khách (khi tàu đông, sẽ là 4 người). Phần ngồi có 9 thanh gỗ, phần tựa 11 thanh, ghế y như thời bao cấp.

105 km đi mất 3 tiếng, tàu Hà Nội - Hải Phòng vẫn như 20 năm trước. Nhà văn Nguyễn Nhật ánh có truyện “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Làm sao trở lại, dù chỉ 2 năm chứ nói gì trở về thơ ấu 20 năm trước? Chỉ còn tìm được cảm giác trên chuyến “tàu nhanh” 3 tiếng này. Tàu có dừng lại và khứ hồi ở kí ức được không? Ôi, ước mơ không tưởng! Ga nào đón những người nhớ “ngày xưa” như tôi, trở về ngày trẻ dại?

Đời sống bận rộn làm giảm nhiều người chiều theo cảm xúc và hồi tưởng. Đường sắt sẽ ít khách đi, nếu không cải tiến toàn diện. Người ta cần nhanh và tiện. Trước khi đi chuyến tàu cuối cùng đúng chiều sinh nhật 29 tuổi, tình cờ tôi xem tin của Đài Truyền hình Hà Nội. Ngân hàng phát triển VN (VDB) và Vietcombank là chủ đầu tư 25000 tỉ làm đường cao tốc tiêu chuẩn quốc tế từ Long Biên (Hà Nội) về Đình Vũ (Hải Phòng). Vừa khởi công và 2011 đưa vào sử dụng, công trình trọng điểm quốc gia này sẽ góp phần phát triển vùng kinh tế Đông Bắc. Với 10 gói thầu, chủ đầu tư thu phí trong 35 năm rồi giao lại Nhà nước. Đường rộng 35m, 2 làn, 6 nút giao thông 22 cầu vượt, dọc tuyến đường sẽ xây các khu đô thị hiện đại.

Và như thế, sẽ mất hẳn những cánh đồng, rồi những dòng sông gần chết .Tàu hoả sẽ là phương tiện cổ điển, nặng nhọc, chở nhiều nhất nhưng sẽ dần bị lãng quên nếu không được cải tạo, nâng cấp. Với đường cao tốc mới, xe chạy 100 – 120km/h về Hải Phòng chỉ mất 1 tiếng. Trừ một vài tuyến ngắn có tàu hoả du lịch cao cấp, giá vé tính bằng USD, tàu hoả thông dụng như chỉ thuộc về giới cần lao, cho người buôn bán nghèo, sinh viên, người già, người không vội, người hoài cổ.

Đã quá lâu, cả nhà tôi không cùng nhau đi về quê ngoại bằng tàu. Tôi ước tàu chạy về 20, 15 năm trước, để được bố dắt ra ga, đỡ lên xuống vì bậc cao. Không biết khi nào có dịp ấy, để tôi đỡ bố lên con tàu xanh, chạy về ấu thơ và ở lại. Tôi sẽ vẫn đi “tàu nhanh” Hà Nội - Hải Phòng cho đến khi không còn tàu nữa. Giá mà thời gian của đời người chậm như chuyến tàu này!

Vi Thuỳ Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm