Ra đi để trở về!

14/05/2009 18:06 GMT+7 | Một chuyến đi

(TT&VH Online) - Trong xóm Rú có nhiều cô gái tuổi đang lớn, con gái Đồng Hới có tiếng trắng trẻo, khỏe mạnh. Nhật Lệ nổi trội hẳn trong đám thôn nữ ấy. Đôi mắt lá dăm đen láy, sống mũi thẳng, hàm rắng cắn chỉ trắng muốt làm nao lòng đám thanh niên trong làng, nụ cười của cô làm các chàng trai đêm về thầm nhớ.

Mười tám tuổi như một bông hoa tỏa hương thơm ngát, trong buổi giao lưu đòan thanh niên, ông trưởng đòan văn công nhìn thấy cô gật đầu ngay. Vài hôm sau, cô có tên trong danh sách đòan văn công của tỉnh Quảng Bình.

Bình người xóm Nam, chàng trai hai mươi tuổi có vầng trán rộng thênh thang, đôi mắt sáng và khóe miệng luôn cười hiền hậu. Anh gặp cô khi tham gia sinh họat Đòan buổi tối. Anh bị quyến rũ bởi nụ cười và mái tóc tết đuôi sam thành hai bím thật dày, dài quá lưng tung tảy theo mỗi bước đi của cô. Nhà Bình cách nhà Lệ ba cây số, thỉnh thỏang anh đạp xe xuống nhà cô chơi. Mẹ cô rất quý anh, nhà có cây Lê ki ma rất ngon và sai quả, bà thường dấm trong thùng gạo để dành cho anh.

Thấm thóat thời gian trôi, anh có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Buổi tối trước hôm anh lên đường, anh đến nhà cô khi cô đang nằm đung đưa trên chiếc võng mắc dưới hai cây Lê ki ma. Anh lúng túng mãi, cứ đứng đưa võng, còn cô thì ngượng ngùng cũng chẳng biết nói năng chi. Anh đỏ mặt “ O có ưng không thì cho tui biết để tui yên tâm lên đường?!”

Lệ bẽn lẽn đỏ mặt không nói, lỡ nằm võng rồi nằm luôn, ngón tay mân mê mãi vào cạnh chiếc võng dù màu xanh mà không trả lời. Nhưng khi anh về, cô tiễn anh qua một đọan đường tàu hỏa, yên lặng chẳng ai nói với ai câu gì. Đến ngã rẽ về đường vào xóm Nam, anh đánh bạo nắm tay cô thật chặt, rồi quay đi thật nhanh như chạy. Đêm đó cả hai trằn trọc mất ngủ, thế rồi anh lên đường.

Những lá thư thương nhớ của anh vượt chiến tuyến gửi về, cô cất kỹ trong chiếc rương cũ của cha cho. Hai năm sau anh về phép, đám cưới nhẹ nhàng có sự chứng kiến của thủ trưởng đơn vị anh và anh em trong đòan văn công. Cô dâu mặc chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, có một miếng vá hình chữ nhật trên vai, chú rể thì áo lính xanh còn mới tinh thơm mùi vải. Hạnh phúc nhỏ nhoi trong ngôi nhà đóng bằng gỗ lợp mái tranh ông bà nội của anh để lại. Sau ngày cưới ba hôm, Bình lên đường hành quân ra phía Bắc. Cô cũng hành quân theo đòan văn công đi biểu diễn khắp nơi từ Quảng Trị, Thừa Thiên, dọc theo đường Trường Sơn… và cũng từ đó họ bặt tin nhau. Những lần đi biểu diễn tại các lán trại bộ đội, nàng cũng hỏi tin tức nhưng càng trông càng thấy mịt mù.

Trải qua những trận chiến liên miên, khốc liệt, những lá thư của Bình không về được đến quê nhà. Anh bị thương nặng ở Đồ Sơn, cô cũng không hề hay biết.

…Thế mà đã bảy năm trôi qua, Lệ héo mòn vì đợi chờ, nhớ nhung, trông ngóng. Mỗi ngày, khi chị quân bưu phát thư, cô lén ra đứng gần đó để chờ đợi và hy vọng. Một lần, Bích - chị quân bưu giờ lá thư vui vẻ hét to:

- Lệ có thư Bình này! - rồi cầm lá thư chạy giấu đi.

Niềm vui lên đến tột cùng, như hạn hán gặp cơn mưa rào xối xả, Lệ sung sướng đuổi theo chị quân bưu để lấy thư, nàng thấy như bay bổng vì sung sướng. Bích không ngờ đến tình huống này, chị thoáng ân hận, đứng lại:

- Chị đùa đấy, không phải của em!

Lệ ngỡ ngàng, chóang váng, cô òa khóc nức nở, nỗi buồn òa vỡ thành những giọt nước mắt tuôn trào không dứt, cô về phòng nằm khóc và không ăn uống gì suốt mấy ngày, người lả đi như tàu lá chuối héo.

Sau lần đùa ấy, Bích phải làm kiểm điểm.

Cũng sau nhận thư hụt ấy, Nhật Lệ dường như thay đổi hẳn, cô ít nói, lâu lắm mới thấy nụ cười trên đôi môi màu dâu chín ngày nào.

Ngày tháng trôi qua vẫn bặt tin Bình. Nhật Lệ vẫn làm tròn nghĩa vụ con dâu với mẹ Bình, ngòai thời gian đi diễn, cô vẫn chăm lo việc đồng áng của hai nhà, chăm sóc hai mẹ, các em. Thương con dâu vò võ một mình bao nhiêu năm trời, đang tuổi xuân thì mà cô thì buồn bã, héo mòn tội quá. Mẹ Bình có ý tìm cho cô một anh thanh niên người làng khoẻ mạnh, nhưng cô đều lảng tránh dứt khoát. Nhiều chàng trai thấy Lệ cô đơn cũng thương cảm, cũng tỏ ý cảm tình nhưng cô nhất định trả lời không. Vì Bình chưa có giấy báo tử, cô vẫn lặng lẽ, âm thầm hy vọng.

Tám năm trôi qua.

Sáng sớm mùng 5 Tết năm 1970, Bình vai mang ba lô cháy xém một túi bên trái, đầy bụi, cỏ khô bước vào nhà…

Lệ như cây khô được hồi sinh, Sáng dậy, nằm bên anh mà cô không tin, cứ ngỡ mình đang nằm mơ. Rồi cô đi chợ Ga, mua cua đồng về nấu riêu, mua cá Tràu (cá quả) về kho khế cho anh ăn. Nhưng niềm vui chưa được mấy hôm thì Bình lại phải lên đường. Đêm chia tay ngọt ngào đầy nhung nhớ. Ngoài trời, mưa xuân rơi dịu dàng. Bình ôm mãi người vợ trẻ trong vòng tay rắn rỏi của mình mãi không muốn rời. Anh muốn bù đắp lại những tháng năm đằng đẵng của sự chia ly, của khói súng khét lẹt ngoài chiến trường, giữa cái sống và cái chết cận kề trong gang tấc. Anh cúi hôn lên đôi bàn tay thanh xuân tần tảo, tận hưởng mùi hương bồ kết, hương sả, hương hoa bưởi toả ngát trên mái tóc dày mềm mại như nhung trải đầy xuống thắt lưng thon lẳn. Những giọt nước mắt hạnh phúc khe khẽ lăn trên gương mặt Nhật Lệ, niềm vui, nỗi buồn và hạnh phúc đan xen trong trái tim cô. Cô nhắm mắt lại tẫn hưởng những phút giây vợ chồng nồng ấm mà cô tưởng chừng không bao giờ có được nữa. Ôi cuộc chiến tranh vô nghĩa, Khi nào mới hết chiến tranh? Khi nào anh mới trở về bên cô mãi mãi?

Những chuỗi ngày dài nhớ nhung và hy vọng. Cô chợt lắng nghe, hình như có một mầm sống đang lớn dần trong cô, thỉnh thoảng cô nghe như tiếng cựa quậy thật khẽ trong mình. Niềm vui vỡ òa, niềm mong ước khôn cùng của cô cuối cùng đã trở thành hiện thực, cả làng mừng cho cô, họ cùng cầu mong cho cô mẹ tròn, con vuông.

Niềm vui làm Lệ không hề thấy mệt, cô dường như làm việc nhiều hơn, vừa làm vừa hát, cô thích hát bài “Tình em”, …”Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh, mà sao em xa anh, đời vẫn xanh vời vợi, có gì đâu anh ơi, tình yêu là nhưạ sống….” mẹ cô mừng lắm, con gái mẹ rồi cũng sắp có con, bà sắp có cháu ngọai! Bà lui cui dọn dẹp chiếc giường ba xà nhỏ dành chỗ đón cháu.

…Mấy ngày hôm nay, đứa bé trong bụng quẫy đạp, xoay xở liên tục làm Lệ mệt mỏi, từng cơn đau lưng nhức nhối khiến nàng không sao chợp mắt được, mẹ cô đi chợ mua trứng gà, mè đen về nấu chè, mẹ bảo, để dễ sinh.

Buổi trưa trời nắng như đổ lửa, cái nắng gay gắt pha gió Lào miền Trung như muốn thiêu đốt tất cả mọi thứ. Nhật Lệ gội đầu, chia mái tóc thành hai đuôi sam dày đen đến nhức mắt buộc đôi lại gọn ghẽ sang hai bên, rồi xếp tã và mấy cái áo sơ sinh cũ, tất tay chân nhỏ xíu, vào cái làn cũ của mẹ để vào trạm xá. Phòng sinh là một căn hầm nằm cách mặt đất một mét rưỡi, ánh sáng ban ngày không đủ chiếu sáng cho các bà mẹ và em bé. Cô y tá phải thắp thêm đèn dầu. Trải qua hơn một ngày đau đớn chuyển dạ, khoảng một giờ trưa hôm sau thì Thảo sinh con. Cô ý tá bọc đứa bé trong miếng vải dù trắng giơ đứa bé lên trước mắt cô: “”Con gái, hai kilo bảy nhé!” Nàng ngỡ ngàng, hơi thất vọng khi thấy một sinh linh bé bỏng, đôi mắt đen láy tròn xoe, đỏ hỏn, tay chân thì dài lều nghều, nhăn nhúm, miệng há to khóc thét mãi không nín! Khác hẳn đưá bé bụ bẫm, xinh đẹp mà nàng hằng tưởng tượng!

Rồi những ngày yếu đuối của kỳ khai hoa nở nguyệt cũng trôi qua, Nhật lệ đã khoẻ lại bình thường. Những khi có máy bay, bà cháu, mẹ con lại bế nhau chạy xuống hầm trú ẩn… Thấm thóat, bé đã ba tháng, Lệ viết thư báo tin cho Bình, nhưng đơn vị anh đã dời địa điểm lên bãi Cháy. Anh vẫn chưa biết là mình đã có con!

Rồi đến ngày cô phải quay lại đòan văn công đi làm. Cô gửi con gái cho mẹ. Khổ nỗi, con bé khát sữa khóc ngằn ngặt khi xa mẹ. Cực chẳng đã, cô phải bế con theo đòan đi diễn. Đoàn văn công đi dọc Trường Sơn để phục vụ bộ đội, đi vào các làng để tuyên truyền, động viên, phục vụ bà con. Rừng núi chập chùng, đường sá gập ghềnh, trèo đèo lội suối di chuyển liên miên, nhưng bé Hồng Nhung vẫn mở to đôi mắt tròn xoe, hàng lông mi dài đen cong vút và cười như nắc nẻ khi được mẹ ôm ấp vỗ về. Tiếng bom nổ, mưa bão Trường Sơn, vắt và ốc sên, lán trại đóng lên hạ xuống không biết bao nhiêu lần không làm bé sợ…. các cô chú trong đoàn phân công thay nhau dỗ bé khi mẹ lên sân khấu. Có lần đang diễn ở giữa rừng, vào vai kịch, chợt nghe tiếng con bé khóc thét phía sau thùng xe, Nhật Lệ quýnh lên đọc sai lời thọai, khán giả phát hiện ra cười ầm ầm… sau này, cô cũng không nhớ là mình đã nói gì, làm gì, chỉ nói thật nhanh để gấp gáp chạy ra với con! Bác Trưởng Đoàn thông cảm nên chỉ khiển trách và nhắc nhở cô.

Những lần sơ tán tại nhà dân họ rất tốt, thương đòan văn công, khi đến vai diễn, các bà các mẹ dỗ con cho cô lên sân khấu. Khi thì bát canh cua đồng vàng óng riêu, khi quả trứng gà so, củ khoai luộc… có gì cho nấy, con bé lớn lúc nào không hay, đôi mắt đen lay láy luôn mở thật to, tròn xoe. Cũng lạ, thời chiến gian gian như vậy mà cô bé vẫn mũm mĩm, hồng hào như tranh vẽ. Rồi nghiễm nhiên trở thành một thành viên đáng yêu nhất trong đòan, từ bác trưởng đòan, các cô, chú anh nuôi, ai cũng thích được bế, được thơm vào đôi má căng mọng, thơm mùi sữa của bé Hồng Nhung. Sự có mặt của bé làm mọi người quên hết những khốc liệt hiện hữu của bom rơi, đạn nổ.

Đầu năm 1972, Mỹ tăng cường thả bom khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, các đơn vị bộ đội mang balô, vũ khí hành quân liên miên. Một quả bom nổ ngay sát sân khấu, đòan văn công hối hả đi sơ tán, đồ đạc, đạo cụ cồng kềnh, Lệ được ưu tiên đi trước, không phải mang đạo cụ vì có con nhỏ, nhưng chuẩn bị cháo, uống thuốc, hơ quần áo bé bị ướt nước mưa … quấy quá thế nào hai mẹ con cô lại thành đi sau cùng.

Nhật Lệ để con gái ngồi trên ghế trước xe đạp, trên ghi đông bên trái bên phải treo nồi niêu, chăn màn, gạo, sữa…. những thứ tối thiểu không thể thiếu cho một đứa trẻ gần hai tuổi. Hai mẹ con đùm túm chở nhau đi, hết lên xe lại dắt bộ, cô cố ghì vững chiếc xe đạp chỉ chực ngã khi qua những đọan đường nhựa bị đào xới tung tóe bởi mảnh bom, những thửa ruộng không còn nguyên vẹn bởi hố bom sâu hoắm nước đang từ từ rỉ ra. Xa xa tiếng bom vẫn nổ vọng về về như tiếng sấm đầu mùa mưa.

Đến đọan đường bị cắt ngang bởi một hố bom sâu hoắm, người ta dựng cây cầu khỉ bằng một cây tre bắc ngang thì Lệ chịu hẳn, loay hoay mãi không biết cách nào để sang, con bé nghe tiếng bom nổ xé tai khóc mãi không sao dỗ được, cô đành ngồi ôm dỗ con và nước mắt tuôn trào…

Cũng may, khi đó có Dũng là người đi sau cùng, thấy hai mẹ con ôm nhau khóc, anh vội dắt xe đạp sang bên kia cầu, rồi quay lại một tay bế bé Hồng Nhung, một tay dắt tay cô qua.

Dũng thua cô hai tuổi, chưa có vợ, anh đánh trống và đóng các vai chính trong đòan. Nhiều lần thấy hòan cảnh hai mẹ con côi cút anh cảm thấy thương Lệ quá, như hôm nay, không có anh không biết mẹ con Lệ sẽ ra sao?

Đã hai năm trôi qua, anh liên lạc để biết thông tin của Bình cho Lệ vui nhưng cũng bặt tin.

Anh vẫn âm thầm giúp cô, khi thì trông bé Hồng Nhung, khi thì mua cho bé cái chăn, áo lạnh, tấm bánh… anh cảm thấy thương bé Hồng Nhung như con của mình vậy.

Một lần, khi bé Hồng Nhung ngủ say, Nhật Lệ ngồi giặt chậu quần áo, áo bà ba nâu làm thân hình tròn lẳn ngày xưa giờ mong manh như cánh hạc. Dũng nao lòng, thương Nhật Lệ quá, anh ngồi xuống “Để anh giặt hộ …!”. Thế rồi anh đã không cưỡng lại được lòng mình đang dâng trào một thứ tình cảm khó tả, đã nắm lấy đôi bàn tay của Lệ, rồi kéo Lệ thật nhanh vào lòng “Anh yêu em!” , “ Hãy cho phép anh coi bé Nhung như con nhé?”. Lệ nhìn anh thóang ngỡ ngàng rồi gục vào vai anh khóc nức nở. Gương mặt và tấm thân gầy guộc tựa vào anh, một cảm giác không sao tả nổi chạy dọc theo xương sống người trai trẻ, khi đó anh chỉ muốn mình được tan chảy vào trong cô. Nhưng anh kiềm chế được, anh hỏi lại “ Cho phép anh chăm sóc em và con nhé?”

Lệ như bừng tỉnh, cô chợt đẩy anh ra và thảng thốt: “Không! Không được đâu anh ơi! Em đã có chồng, em không thể!” Rồi cô vùng chạy ra ngòai.

Từ đó Lệ hình như tránh gặp Dũng, cô cố gắng tỏ ra mạnh mẽ trước mặt Dũng, nhưng đêm về ôm gối khóc lặng lẽ.

Năm 1974, Bình về đón Lệ và con ra Quảng Ninh. Ngôi nhà đơn vị cho mượn ở chưa ấm hơi người, anh lại tham gia đòan tàu không số tiến vào miền Nam. Lệ lại vò võ một mình với con gái. Lại một mình loay hoay trồng bí, trồng ngô, cấy lúa… Chẳng có mẹ và bạn bè bên cạnh, đất khách quê người!

Hơn năm sau, anh trở về với một viên đạn còn chưa gắp trong lưng, nhưng rất may là sức khỏe anh vẫn tốt. Giải phóng miền Nam, anh ở hẳn lữ 172 Quảng Ninh, được gần vợ con. Rồi một bé trai bụ bẫm xinh xắn chào đời. Nhật Lệ sung sướng, cô tưởng đời mình từ nay được bình yên, cô thầm cảm ơn ông trời đã để anh sống và về với cô. Nhập ngũ cùng anh chỉ còn hai người sống sót trở về.

Một ngày, khi được ba tuổi, cu Quảng sốt rất cao. Nhà xa bệnh viện Hồng Gai đến hai chục cây số, phương tiện không có, hàng xóm cũng không, Bình lại bận đi tiếp đòan cán bộ cấp trên đến tối. Khi anh trở về chở hai mẹ con vào viện thì cu Quảng đã hôn mê… Cháu bị viêm màng não! Bác sỹ buồn bã lắc đầu “ Nếu nhập viện sớm nửa ngày có thể cứu được cháu”.

Nhật Lệ suy sụp sau cái chết của con. Dường như hàng tháng trời cô mất ngủ, ngồi lặng yên không nói hàng giờ. Cô chỉ còn nặng có ba mươi tám kilôgram. Bình ân hận và rất đau khổ, giá như anh về sớm hơn…

Tất cả tình thương hai vợ chồng dành hết cho Bé Hồng Nhung. Bé ngoan ngõan, dễ thương và xinh xắn như một búp bê hồng hào. Sáu tuổi bé đã biết giúp mẹ, bảy tuổi biết ra biển thả lưới cùng cha…

Tháng 2 năm 1978, Trung Quốc đánh Cao Bằng, một lần nữa anh lại lên đường! Nhật Lệ lại khăn gói gồng gánh con rời Quảng Ninh ra Hà Nội tránh chiến tranh. Lại những ngày mới làm quen với người, với vùng đất Thủ Đô. Đất Thủ Đô mở rộng vòng tay đón cô gái miền Trung lam lũ đầy chịu thươntg chịu khó. Hai mẹ con ở nhờ nhà người quen, hàng ngày mẹ đi làm, con gửi vào trường học ở Gia Lâm, chiều về lại cuốc đất trồng rau, nuôi heo.

Có lẽ anh cao số, đạn Trung Quốc đã không trúng được anh, một lần nữa anh lại trở về nguyên vẹn. Anh đón mẹ con về Hải Phòng nơi anh công tác. Cuộc sống những năm 1980 với tem phiếu chật vật mãi, họ sinh thêm một lần nữa được hai cô gái sinh đôi. Hai con gái mới ba tháng anh được cửa đi Nga học học viện cao cấp LeninGrát.

Hồng Nhung đã trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp, biết giúp mẹ trông em, giặt giũ, nấu nướng…nhưng dù sao cũng không thể thay thế cha. Hai đứa bé khát sữa khóc suốt đêm, cô lại một mình vật lộn để nuôi con. Ban ngày đi làm, trưa đến cô đạp xe xuống cầu Rào, lặn xuống mương trong cái rét mười độ vớt rong về nuôi lợn. Tối cơm nước cho con ăn xong lại ra sau đường tàu cuốc đất trồng rau. Những đêm hai đứa cùng sốt cao, cô chỉ biết ôm con khóc, may có bác bộ đội hàng xóm tốt bụng hai giờ sáng thấy hai đưá khóc quá đã chở hộ đi bệnh viện Nhi Đức cấp cứu.

Một hôm khi đang ở bệnh viện truyền huyết thanh cho con thì cô nhận được điện báo mẹ mất, nước mắt lặm vào trong, cô vật vã đau đớn khôn cùng “Con có lỗi với mạ nhiều lắm, con làm sao về tiễn mạ được đây? Mạ ơi! Tha lỗi cho con!....”

Rồi năm tháng cũng trôi qua, anh về, hai đứa trẻ đã lên bốn, cổ tay gầy ngẳng như cẳng cò. Xót con quá, anh lần lượt bán đến cái bàn là Nga cuối cùng cho con ăn bồi dưỡng.

Nhưng đồng lương bộ đội cũng chẳng giúp vợ được nhiều, Nhật Lệ vẫn ngày ngày tần tảo, lam lũ hết đi làm rồi nuôi heo, trồng trọt, mà cũng chẳng biết làm gì hơn, trước mắt cô chỉ là ba đứa con cần có tiền để mua gạo. Cô gái xinh đẹp ngày nào giờ đã thành người thiếu phụ gầy gò, mái tóc đã ngả bạc, làn da rám nắng vì lam lũ, vết nhăn hằn sâu trên đôi mắt mệt mỏi.

Cuộc sống cứ như vậy trôi qua. Hồng Nhung càng lớn càng xinh đẹp như một đóa Hồng dịu dàng toả hương thơm ngát, mái tóc đen thẫm nhức mắt người đối diện. Hai bé con cũng lớn dần khi nào không biết, thân hình thấp thoáng hình dáng của cha, nụ cười duyên dáng của mẹ. Cả ba đưá con đều xinh xắn và thông minh như ba bông hoa đồng nội, Nhật Lệ ngắm con thấy dáng hình mình ngày xưa, đó là niềm hạnh phúc, là lẽ sống của đời cô.

Theo lệnh cấp trên, anh lại lên đường! Lần này không phải đi chiến trường mà lên Hà Nội, lên cơ quan Bộ quốc phòng làm chỉ huy. Một năm anh về nhà hai lần, lại xa nhau!

Lại những năm tháng đằng đẵng đợi chờ, bốn mẹ con gái giữa Sài Gòn mênh mông biển người!

Nguyễn Thị Hoài Sâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm